Bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài: Kinh nghiệm và sự chuẩn bị
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trực tiếp chỉ đạo Tổ Công tác đặc biệt phía nam đi khảo sát, kiểm tra tình hình cung ứng hàng hóa và công tác chống dịch tại các chợ trên địa bàn TPHCM. Ảnh: MOIT |
Người đứng đầu Chính phủ đã nhấn mạnh: Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, cấp bách trong bối cảnh hiện nay đối với TPHCM, các tỉnh, thành phố phía nam với vai trò, vị trí là trung tâm kinh tế lớn nhất, là đầu tàu kinh tế và là vùng kinh tế trọng điểm. Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cấp, các ngành chia sẻ, hỗ trợ tối đa, ưu tiên nguồn vaccine và các trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, tạo mọi điều kiện thuận lợi và đồng hành cùng TPHCM, các tỉnh, thành phố phía nam trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và bảo đảm ổn định đời sống của người dân, sớm đưa Thành phố cùng các địa phương có dịch trên cả nước trở lại trạng thái bình thường.
Trước tình thế cấp bách và yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp khẩn diễn ra vào chiều ngày 17/7. Đây là thời điểm xuất hiện thông tin người dân ở TPHCM đổ xô tới siêu thị, điểm mua sắm để tích trữ hàng hóa và các chợ đầu mối của TPHCM bắt đầu bị đóng cửa, phong tỏa. Gánh nặng nguồn cung đổ lên hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị, nơi mà bình thường chỉ đáp ứng được hơn 30% nhu cầu hàng hóa thiết yếu của người dân.
“Đợt dịch này diễn biến phức tạp và khó bảo đảm sẽ sớm kết thúc nên các giải pháp của Bộ Công Thương phải tính đến kịch bản xấu hoặc xấu hơn. Có như vậy, các quyết sách ban hành cũng như kế hoạch hành động mới đúng và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mà Chính phủ giao”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu.
Ngay tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho TPHCM và các tỉnh phía nam do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải làm Trưởng ban với 5 nhiệm vụ cấp bách gồm: Nắm bắt sát diễn biến thị trường và nhu cầu hàng hóa thiết yếu của các tỉnh, thành phố phía nam, nhất là các địa phương đang áp dụng biện pháp giãn cách; Kết nối cung cầu hàng hóa thiết yếu trong và ngoài các địa phương phía nam, bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người dân trong vùng dịch; Thực hiện công tác điều tiết, cung ứng hàng hóa thiết yếu thông suốt tại các tỉnh, thành phố có dịch, giữa các tỉnh, thành phố có dịch với các địa phương khác; Phối hợp cùng lực lượng chức năng tại các địa phương bảo đảm lưu thông hàng hóa, chống hiện tượng găm hàng, tăng giá, ép giá, bán hàng kém chất lượng; Tổng hợp các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong cung ứng hàng hóa thiết yếu tại các tỉnh để tham mưu, đề xuất hướng xử lý, báo cáo Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phía nam.
“Tổ công tác đặc biệt” theo lệnh Chính phủ và những ngày “cắm chốt” vùng dịch
Ngay sau khi thành lập, các thành viên của Tổ công tác đã họp, phân công nhiệm vụ, có mặt trực chiến ở TPHCM và các tỉnh phía nam. Tổ cũng thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh, những vấn đề bức xúc của người dân liên quan đến tình hình cung ứng thực phẩm, hàng hóa cũng như công tác quản lý thị trường, giá cả những mặt hàng thiết yếu…
Những ngày “cắm chốt” tại khu vực phía nam, Tổ công tác đã đi khảo sát, kiểm tra tình hình cung ứng hàng hóa cũng như công tác chống dịch tại các chợ trên địa bàn TPHCM, nhất là tại các quận chính của Thành phố. Trên cơ sở nắm bắt thực tế, ghi nhận hiện trạng cũng như lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con tiểu thương, Tổ đã kịp thời đề xuất phương án kích hoạt hệ thống siêu thị, các điểm bán hàng lưu động, để bảo đảm không gián đoạn nguồn cung hàng hóa khi gần 200 chợ truyền thống cùng lúc phải ngưng hoạt động.
Hàng loạt mô hình tổ chức các hệ thống phân phối theo hình thức “dã chiến” được Tổ công tác cùng Sở Công Thương, các doanh nghiệp, hiệp hội khẩn trương triển khai như: Điểm bán hàng/xe bán hàng lưu động, “mang chợ ra phố”, bán hàng online, bán theo combo, đi chợ hộ…
Tuy nhiên, biến thể Delta đã cho thấy sức hủy diệt chưa từng có của dịch COVID-19, mỗi ngày, các tỉnh phía nam ghi nhận số ca F0 lên tới hàng nghìn… việc các địa phương áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nhưng lại đưa ra những quy định khác nhau gây ra tình trạng ách tắc hàng hóa thiết yếu, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân trong việc tiếp cận nguồn hàng. Chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu cũng như nguyên liệu cho các vùng sản xuất hơn lúc nào hết bỗng trở nên mong manh và đối mặt với nguy cơ có thể đứt gãy bất cứ lúc nào.
“Tại sao bánh mì, bỉm, tã của trẻ em… lại không phải hàng hóa thiết yếu?”, hàng loạt những câu hỏi của người dân được gửi đến số điện thoại đường dây nóng của Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương, các Sở Công Thương… khi mà hàng hóa, thực phẩm, rau xanh ách tắc kéo dài tại những chốt kiểm dịch.
Trước thực trạng cấp bách và nhu cầu hàng hóa của người dân, chiều tối ngày 27/7, Bộ Công Thương có văn bản hỏa tốc số 4482, đề xuất thay vì đưa ra Danh mục hàng hóa thiết yếu được lưu thông thì xây dựng Danh mục hàng hóa cấm lưu thông. Với kiến nghị này, Bộ Công Thương đã đưa vấn đề từ chỗ phức tạp về đơn giản hóa, để bất cứ địa phương nào khi thực thi nhiệm vụ cũng chỉ cần loại trừ hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, còn lại tất cả hàng hóa là thiết yếu, đều được lưu thông bình thường.
Trên cơ sở đề xuất của Bộ Công Thương, chỉ 2 ngày sau, vào ngày 29/7, Văn phòng Chính phủ có công văn chính thức truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Từ 0h ngày 30/7/2021, xe chở hàng hóa phục vụ xây dựng, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, xuất nhập khẩu có mã QR sẽ không bị kiểm tra. Đồng thời, nhất quán quan điểm trừ các hàng hóa, dịch vụ cấm, còn lại tất cả các sản phẩm, hàng hóa khác đều được “tạo luồng xanh” di chuyển, tới các điểm nằm trong diện giãn cách xã hội… Điều kiện đi kèm là phải tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh.
“Hiện nay, hàng hóa về cơ bản đã được lưu thông thuận lợi, ổn định, tuy nhiên vẫn còn hiện tượng tài xế gặp khó khăn khi lưu thông qua một số chốt kiểm dịch tại một số địa phương. Chúng tôi tha thiết mong muốn và đề nghị các địa phương, bên cạnh việc tập trung kiểm soát dịch bệnh COVID-19 nhưng cũng cần thực hiện mục tiêu kép mà Chính phủ yêu cầu, đó là “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế” bằng việc tạo điều kiện cho hàng hóa, nguyên liệu sản xuất lưu thông thuận lợi, nhanh chóng”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 11/8.
Mở lại các chợ đầu mối để bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong điều kiện phòng, chống dịch nghiêm ngặt. Ảnh: MOIT |
Hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản
Bên cạnh việc xây dựng các phương án, thêm nhiều kênh lưu thông hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống cho người dân thì ngành công thương tiếp tục tháo gỡ cho bà con nông dân tình trạng nông sản, trái cây sản xuất ra không thể tiêu thụ do các quy định về giãn cách, thiếu nhân lực thu hoạch chế biến, nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm vì ảnh hưởng dịch bệnh, hạn chế về xuất khẩu…
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã yêu cầu các tổ công tác tiền phương của Bộ phải nắm bắt nhu cầu, cập nhật tình hình trong từng trường hợp và kết nối kịp thời với các hiệp hội, ngành hàng, các tập đoàn phân phối doanh nghiệp thu mua nông sản xuất khẩu, các tổ chức hỗ trợ thương mại trong nước và quốc tế để hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp.
Ngay sau đó, Bộ Công Thương đã đề nghị các Sở Công Thương xây dựng phương án tiêu thụ nông sản trên địa bàn. Đơn cử như tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Sơn La… xây dựng các phương án tiêu thụ nông sản theo 3 cấp độ của dịch bệnh (Khi dịch bệnh được kiểm soát, nông sản được tiêu thụ thuận lợi; khi dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng vẫn trong tầm kiểm soát và kịch bản khi dịch ảnh hưởng toàn diện, sản lượng khó kiểm soát). Các địa phương cũng phối hợp với Bộ Công Thương thống kê nhu cầu từng loại nông thủy sản, trái cây trên địa bàn cần tiêu thụ và xuất khẩu trong thời gian từ nay đến cuối năm 2021 để xây dựng kế hoạch hỗ trợ tiêu thụ, xuất khẩu phù hợp.
Bộ Công Thương cũng ban hành các văn bản hướng dẫn, thiết lập đường dây nóng, công bố số điện thoại cán bộ theo dõi để kịp thời tháo gỡ khó khăn về lưu thông, về giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, về test COVID-19. Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương đã phối hợp với Tổ công tác đặc biệt của các bộ, ngành liên quan tiếp nhận và xử lý hàng trăm kiến nghị của doanh nghiệp… góp phần giúp vận chuyển, lưu thông nông sản được thông suốt.
“Chúng tôi làm việc trực tiếp với các hệ thống phân phối lớn, các chợ đầu mối nông sản để tăng lượng tiêu thụ nông sản gấp đôi so với năm trước. Đồng thời, kết nối, hỗ trợ địa phương nhằm thúc đẩy tiêu dùng nông sản nội địa, kết nối doanh nghiệp sản xuất với các nhà bán lẻ, kênh siêu thị, sàn thương mại điện tử.
Các sàn thương mại điện tử lớn nhất nước cũng vào cuộc, đã tạo điều kiện cho các thương nhân kinh doanh nông sản phát triển kênh tiêu thụ mới như Sendo (FPT), Voso (Viettel Post), Tiki, Shopee, Postmart (VnPost) và Lazada. Các sàn đều tích cực hưởng ứng hỗ trợ tăng cường hiển thị các sản phẩm nông sản trên website bán hàng, thúc đẩy tiêu thụ cho nông sản”, ông Trần Duy Đông cho biết.
Các hình thức xúc tiến thương mại trực tuyến, ứng dụng thực hiện các mô hình xúc tiến thương mại trực tuyến và kết hợp (trực tiếp kết hợp trực tuyến) được Bộ Công Thương triển khai hiệu quả như: Hội nghị giao thương trực tuyến, hội chợ triển lãm trực tuyến, ứng dụng công nghệ livestream quảng bá sản phẩm trên các nền tảng số… Các hoạt động này không chỉ mang lại các kết quả ban đầu mà còn là giải pháp phù hợp với bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, thay thế cho nhiều hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống bị dừng đột ngột.
Lực lượng tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài cũng được Bộ Công Thương huy động vào cuộc bằng việc tích cực quảng bá, thúc đẩy xuất khẩu nông sản, vận động đầu mối nhập khẩu tại nước sở tại tham gia hội nghị và các phiên giao thương trực tuyến do Bộ Công Thương tổ chức…, cập nhật thông tin, biến động thị trường, cơ hội xuất khẩu cung cấp cho các doanh nghiệp, địa phương, hiệp hội chủ động có kế hoạch ứng phó với các biến động cũng như khai thác các cơ hội thị trường; hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm của các địa phương.
Vietnam Post sẽ áp dụng gói đồng giá cước vận chuyển na Lạng Sơn với mức 20.000 đồng/đơn đến 5kg, 30.000 đồng/đơn đến 10kg cho khách hàng đặt mua sản phẩm na Lạng Sơn trên sàn TMĐT Postmart.vn |
Tại Hội nghị trực tuyến “Kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên 2021” ngày 6/8 vừa qua, Bộ Công Thương đã tổ chức các phiên giao thương trực tuyến giữa các nhà nhập khẩu nước ngoài và các nhà xuất khẩu trong nước và đạt được những kết quả đáng khích lệ như: Hệ thống Bách Hóa Xanh tiêu thụ 8.450 tấn hoa quả các loại (thanh long, dưa hấu, nhãn, chuối…); Aeon Việt Nam tiêu thụ thanh long 15 tấn/ngày; VN Post tiêu thụ 300 tấn nhãn, 100 tấn thực phẩm tươi sống; gần 1.000 tấn rau, củ, quả địa phương và các loại trái cây khác…, Vụ Thị trường trong nước thông tin.
Ngoài ra, Vinmart, Viettel Post, VN Post cũng đang tích cực thu mua các mặt hàng nông sản tại các tỉnh phía nam để phục vụ các chương trình bán hàng, chương trình hỗ trợ người dân khó khăn… Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương cũng đang trao đổi với Vincommerce xây dựng kế hoạch tổ chức chuỗi các sự kiện “Tuần lễ nông sản – đặc sản miền Tây” tại thị trường trong nước và liên tục kết nối các đơn vị mua hàng xuất khẩu để tiêu thụ các sản phẩm nông sản phía nam như xoài, sầu riêng, thanh long…
Về lâu dài, Bộ Công Thương đang chủ động nắm bắt tình hình áp dụng các biện pháp bảo hộ mậu dịch của các nước nhập khẩu để kịp thời thông tin cho địa phương nhằm đấu tranh có hiệu quả với các rào cản kỹ thuật, thương mại bất hợp lý đối với nông, lâm, thủy sản chủ lực. Bên cạnh việc khai thác các thị trường xuất khẩu mà Việt Nam có hiệp định thương mại, việc bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành nông nghiệp trong nước trước sức ép của hàng hóa nhập khẩu cũng sẽ được thúc đẩy.
Cơ quan này cũng hướng đến việc đổi mới toàn diện công tác xúc tiến thương mại theo hướng tăng tỉ trọng các hoạt động có tác dụng lâu dài như: Đào tạo kỹ năng, giảm các hoạt động chỉ có tác dụng nhất thời như hội chợ, triển lãm; chú trọng các chương trình xúc tiến thương mại trung và dài hạn hướng vào một mặt hàng, một thị trường cho tới khi đạt kết quả cụ thể.
Kịch bản trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài
Dự báo tình hình thị trường trong nước thời gian tới, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, hiện đã có 23 địa phương thực hiện việc giãn cách xã hội để phòng chống dịch theo Chỉ thị số 16, ảnh hưởng nhiều tới doanh thu của các nhóm du lịch, dịch vụ và các hàng hóa không thiết yếu trong thời gian qua. Các tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội phần lớn là các tỉnh có quy mô thị trường lớn như Hà Nội, TPHCM…, ước tính quy mô của các địa phương này chiếm tỉ trọng khoảng 65% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ cả nước.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 7 tháng năm 2021 chỉ tăng 0,69% so với cùng kỳ năm 2020 (đạt 2.791 nghìn tỷ đồng), trong đó, các nhóm du lịch, dịch vụ giảm mạnh với mức giảm từ 11,8-58,8%; các nhóm hàng hóa đồ dùng trang thiết bị gia đình, văn hóa phẩm giảm khoảng 3%. Riêng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 giảm 8,3% so với tháng trước (ước tính đạt 339,4 nghìn tỷ đồng) và giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước.
Hàng hóa được các dịch vụ vận chuyển hỗ trợ đưa đến tận tay người dân, kể cả trong ngõ, ngách. Ảnh: MOIT |
“Nếu tình hình dịch COVID-19 kéo dài đến hết quý III, dịch bệnh được kiểm soát tại cả 2 thành phố lớn là TP. Hà Nội và TPHCM thì dự kiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ cả năm 2021 chỉ tương đương quy mô của năm 2020. Trường hợp dịch bệnh diễn biến xấu hơn, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2021 có thể giảm nhẹ so với năm 2020”, ông Trần Duy Đông dự báo.
Về giải pháp lưu thông hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, Vụ Thị trường trong nước cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện những giải pháp căn cơ gồm: Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc và hướng dẫn các địa phương chuẩn bị sẵn các kịch bản, phương án để ứng phó với mức độ cao nhất của dịch bệnh theo phương châm “4 tại chỗ”, đồng thời, xây dựng phương án huy động hàng hóa từ các địa phương khác tới địa phương cần hàng.
Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, tiêu thụ hàng hóa nông sản; tạo điều kiện cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nguyên vật liệu, vật tư phục vụ sản xuất nói chung, các mặt hàng nông sản nói riêng khi lưu thông qua các tỉnh, thành phố theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh phân phối hàng hóa trên nền tảng trực tuyến bởi trong bối cảnh giãn cách xã hội, việc bán hàng trực tuyến sẽ bảo đảm yêu cầu hạn chế tiếp xúc trực tiếp. Bộ sẽ tiếp tục khuyến khích các sàn thương mại điện tử lớn nhất hiện nay như Sendo (FPT), Voso (Viettel Post), Tiki, Shopee, Postmart (VnPost) và Lazada đẩy mạnh hoạt động bán hàng, tiêu thụ nông sản.
Bên cạnh đó, các hệ thống phân phối hiện có và di động cũng sẽ tiếp tục được triển khai để kịp thời cung cấp hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.
Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Công Thương sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan kịp thời tiếp thu, phản ánh của các địa phương, doanh nghiệp để tiếp nhận, xử lý thông tin 24/24 giúp vận chuyển, lưu thông hàng hóa được thông suốt.
Ý kiến ()