Bảo đảm nguồn cung cho thị trường xăng dầu
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2, diễn ra ngày 3/3 vừa qua, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện nay, nguồn cung xăng dầu từ sản xuất trong nước đã đáp ứng được khoảng 70%-75%, (có những thời điểm lên đến 80%) nhu cầu thị trường.
Nguồn cung chủ yếu từ 2 nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn chiếm 35%-40% thị phần và nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn chiếm khoảng 35% thị phần.
Dù thị trường xăng dầu thế giới còn tiếp tục có những biến động phức tạp, khó lường nhưng Bộ Công thương sẽ cố gắng, nỗ lực ở mức cao nhất, phối hợp với các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp liên quan để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như nhu cầu tiêu dùng của người dân – Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, ngày 24/2/2022, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 242/QĐ-BCT giao bổ sung hạn mức xăng dầu nhập khẩu cho 10 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước nhằm bảo đảm nguồn cung cho thị trường nội địa kể từ Quý II/2022.
Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cũng khẳng định, Bộ Công thương sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm tình trạng đầu cơ trục lợi và các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.
Cũng trong ngày 3/3, Bộ Tài chính đã có công văn số 2068/BTC/CST gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam về việc lấy ý kiến dự án Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đến hết ngày 31/12/2022.
Theo đó, Bộ Tài chính dự kiến đề xuất điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường từ 500-1000 đồng/lít/kg đối với 6 loại hàng hóa xăng, dầu, mỡ nhờn. Cụ thể, giảm 1.000 đồng/lít đối với xăng (trừ etanol), giảm 500 đồng/lít/kg đối với dầu diesel, dầu hỏa, mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn.
Mức đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế-xã hội bị nhiều tác động bởi dịch Covid-19 và tình hình giá xăng dầu thế giới đang tăng cao bởi các nền kinh tế đang mở cửa trở lại, đồng thời tình hình bất ổn chính trị thế giới đang tăng cao đã tác động mạnh tới giá xăng dầu thế giới cũng như trong nước.
Bộ Tài chính dự kiến, nếu thời gian giảm thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 01/4/2022, số thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ giảm sẽ khoảng 11.982 tỷ đồng. Đồng thời, nếu giá bán lẻ xăng dầu trong nước ổn định ở mức hiện tại trong 9 tháng còn lại của năm 2022 thì ước tác động của biện pháp giảm thuế giúp giảm CPI bình quân năm 2022 khoảng 0,67%.
Ý kiến ()