Bảo đảm mục tiêu "Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện"
Nghị quyết “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” được thông qua tại Hội nghị T.Ư 8 (Khóa XI) đặt ra những yêu cầu tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo (GD và ÐT). Phóng viên Báo Nhân Dân có cuộc trao đổi ý kiến với đồng chí Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD và ÐT chung quanh một số vấn đề về thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông.
LTS – Nghị quyết “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã được Hội nghị T.Ư 8 (Khóa XI) thông qua. Nghị quyết nêu rõ quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nước nhà. Từ số báo này, chúng tôi mở chuyên mục “Ðổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” để làm rõ hơn những nội dung của Nghị quyết và các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra.
Phóng viên (PV): Một trong những mục tiêu tổng quát của Nghị quyết lần này xác định “giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân”. Theo đồng chí, Bộ GD và ÐT sẽ làm gì để thực hiện được mục tiêu đó?
Ðồng chí Nguyễn Vinh Hiển:Mục tiêu giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện đã được xác định trong các chương trình trước đây, nhưng thường được quan niệm đó là nhiệm vụ đào tạo những con người phát triển hài hòa đức, trí, thể, mỹ. Nghĩa là giáo dục, đào tạo con người đáp ứng nhu cầu CNH, HÐH đất nước, con người cho xã hội. Thực hiện công cuộc đổi mới, ngoài việc phát triển con người cho xã hội, sẽ chú trọng thêm phần phát huy cao nhất tiềm năng sẵn có của riêng mỗi người, đó là con người cá nhân. Ngay từ năm 1945, trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam”, chính là đào tạo con người xã hội, và “một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”, chính là đào tạo con người cá nhân. Ðó là mục tiêu chung về nhân cách con người mà đổi mới GD và ÐT hướng đến.
Sự đổi mới về mục tiêu như vậy cũng đòi hỏi chuyển từ một nền giáo dục giúp người học “học được cái gì” sang học thì phải “làm được cái gì”. Nói cách khác là giáo dục con người phải có cả kiến thức, kỹ năng và vận dụng được vào trong thực tiễn.
PV: Mục tiêu giáo dục sẽ hướng tới bảo đảm giữa học đi đôi với hành. Tuy nhiên chương trình (CT) giáo dục phổ thông hiện nay vẫn nặng về kiến thức hàn lâm. Theo đồng chí, CT sẽ thay đổi như thế nào để giáo dục đạt được mục tiêu học và hành?
Ðồng chí Nguyễn Vinh Hiển:Khi đã xác định được mục tiêu chung giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện thì CT cần quan tâm hơn đến những nội dung dạy học gắn với cuộc sống, phải tạo điều kiện, phải yêu cầu, phải kiểm tra, đánh giá kết quả học sinh vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề gặp phải trong học tập và trong cuộc sống hằng ngày. Bất kỳ một vấn đề gì của cuộc sống, khi giải quyết, cũng cần huy động tổng hợp nhiều kiến thức khác nhau, do đó cần phải quán triệt phương châm dạy học tích hợp. Trong nội dung CT tích hợp, những kiến thức liên quan đến nhau sẽ được xếp gần nhau để hỗ trợ việc nghiên cứu, học tập, vận dụng có tính hệ thống, biện chứng. Một trong những cách làm hiện nay là có thể ghép nhiều môn học thành một môn học.
Mặt khác, những học sinh (hay những nhóm học sinh) khác nhau sẽ có năng lực riêng, sở thích riêng, điều kiện riêng. Ðể phù hợp riêng, cần phải dạy học phân hóa. Khoa học càng phát triển cao, càng tiếp cận ngành nghề chuyên sâu thì càng đòi hỏi việc dạy học phân hóa. Về thiết kế nội dung dạy học, điều đó đòi hỏi phải có những môn học hay những chuyên đề học tập khác nhau cho học sinh tự chọn.
Tích hợp và phân hóa trong dạy học phải bảo đảm từ tất cả mọi cấp học. Nhưng theo quy luật nhận thức chung thì ở cấp học dưới, tính tích hợp nổi lên hơn, còn cấp học trên thì tính phân hóa nổi lên hơn.
Vấn đề đặt ra khi đổi mới CT theo hướng tích hợp và phân hóa là đội ngũ giáo viên (GV) hiện nay sẽ gặp khó khăn nhất định khi phải dạy môn học có tính tích hợp cao và cả khi phải dạy các chuyên đề phân hóa sâu; việc điều hành của nhà trường cũng sẽ gặp những khó khăn nhất định. Chúng ta đã lường trước những khó khăn này để có thể chủ động giải quyết, bảo đảm từng bước có kết quả tốt hơn.
PV: Như vậy, Bộ GD và ÐT sẽ phải giải quyết cả bài toán giáo viên trong khi đổi mới CT?
Ðồng chí Nguyễn Vinh Hiển:Ðúng là như vậy. GV sẽ phải đào tạo, bồi dưỡng lại, nhưng điều quan trọng nhất là làm sao để đội ngũ GV tâm huyết, tích cực. Thực tế, xét về khả năng thì đội ngũ GV hoàn toàn có thể thực hiện được CT đổi mới. Vì các kiến thức về dạy tích hợp hay phân hóa cũng vẫn là kiến thức các thầy giáo, cô giáo đã được học ở phổ thông hoặc đại học. Trước đây, ở trung học cơ sở, GV khối xã hội dạy được cả văn, sử, địa; GV khối tự nhiên dạy được cả toán, lý, hóa, sinh. Những năm gần đây, các trường sư phạm đã chuyển hướng đào tạo giáo viên liên môn như ngữ văn – giáo dục công dân hoặc văn – sử, toán – lý, hóa – sinh… Ðó cũng là điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện dạy học theo chương trình mới.
Mặt khác, việc đổi mới cũng sẽ từ các trường sư phạm. Chưa cần đến CT phổ thông mới, các trường đào tạo sư phạm phải tự nghiên cứu, đổi mới, chú trọng đào tạo GV có năng lực vận dụng kiến thức tổng hợp, tăng cường nghiệp vụ sư phạm, bổ sung đào tạo về khoa học kiểm tra – đánh giá, đào tạo về kỹ năng xây dựng chương trình phù hợp với đặc điểm riêng của mỗi trường phổ thông dựa trên chương trình chung của quốc gia… CT giáo dục phổ thông ngoài những môn như hiện nay thì sẽ có những chủ đề phân hóa, đi sâu vào những lĩnh vực nhất định gắn liền với các ngành nghề đào tạo của các trường ÐH. Sau này, khi có CT mới, các trường sư phạm sẽ phải tiếp tục đổi mới chương trình để đào tạo mới, đào tạo lại, tập huấn, hướng dẫn đội ngũ giáo viên phổ thông.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, nếu CT đổi mới mà phương pháp dạy học (PPDH) vẫn lạc hậu thì rất khó có thể thực hiện được các mục tiêu đề ra. Theo đồng chí, thời gian tới, vấn đề cần đổi mới nhất trong PPDH là gì?
Ðồng chí Nguyễn Vinh Hiển:CT, sách giáo khoa, đội ngũ GV cũng như PPDH liên quan chặt chẽ với nhau. Trước đây, việc dạy và học vẫn nặng về truyền thụ kiến thức một chiều. Tuy nhiên, kiến thức phải tự làm ra thì mới vững bền, chắc chắn, cho nên PPDH để tự học sinh (HS) phát hiện, tìm tòi, sáng tạo thì kiến thức mới chắc chắn, linh hoạt, nhớ lâu được. Trong dạy học, cần lấy HS làm trung tâm, với vai trò là người tự khám phá kiến thức cho mình; thầy giáo là người hướng dẫn, chỉ đạo việc học chứ không truyền thụ kiến thức. Xã hội hiện nay hướng tới nhu cầu học tập suốt đời chứ không phải học xong một CT là hết kiến thức. Khoa học, công nghệ phát triển liên tục, ngành nghề, kỹ thuật luôn đổi mới đòi hỏi mỗi người phải có năng lực tự học, cho nên ngay bậc học phổ thông đã phải rèn luyện năng lực tự học cho HS. Vì vậy, điều quan trọng trong đổi mới PPDH là phải rèn luyện phương pháp tự học của HS; HS tự học trong mối tương tác giữa HS với nhau, tương tác với tài liệu và sách giáo khoa, dưới sự chỉ dẫn của thầy để chiếm lĩnh được tri thức.
PV: Một trong những nguyên nhân hạn chế, yếu kém của GD và ÐT được Nghị quyết chỉ ra là do “Quản lý GD và ÐT còn nhiều yếu kém” và do “Mục tiêu giáo dục toàn diện chưa được hiểu và thực hiện đúng”. Vậy, ngành GD và ÐT sẽ thực hiện đổi mới quản lý ra sao để thực hiện thành công mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD và ÐT hiệu quả?
Ðồng chí Nguyễn Vinh Hiển:Ðúng là hiện nay quản lý GD còn nhiều bất cập. Trong đó, nguồn gốc sâu xa là từ cơ chế bao cấp, trên bảo thế nào dưới làm như thế, không cần, và thậm chí không được sáng tạo. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu phát triển, cần có sự phân cấp, phân quyền rõ ràng. Giao quyền tự chủ, tạo khả năng sáng tạo cho các cơ sở giáo dục nhưng cũng cần gắn với trách nhiệm giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, của xã hội trong hành lang pháp lý. Nói cách khác, phải dân chủ hóa trong quản lý để mọi người được quyền đóng góp, phát huy trí tuệ của mình, bảo đảm phát huy được tính sáng tạo và trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, của các cá nhân. Trong quá trình đổi mới, việc kiểm tra, thanh tra phải bảo đảm hiệu quả, hiệu lực. Bảo đảm không chỉ Nhà nước kiểm tra chất lượng mà còn phải công khai để người dân giám sát chất lượng. Ngoài ra, quản lý trước hết là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, quản trị (điều hành) các hoạt động giáo dục là trách nhiệm của các nhà trường, cần phân định giữa quản lý nhà nước với quản trị cơ sở giáo dục.
Ðổi mới căn bản, toàn diện GD và ÐT là việc khó khăn, không phải một sớm một chiều có được. Ðó là sự nghiệp của Ðảng, Nhà nước và toàn dân. Tuy nhiên, ngành GD và ÐT có trách nhiệm chính thực hiện việc này và tạo điều kiện cho xã hội hiểu được công việc của mình để giám sát, có điều kiện tạo đồng thuận trong xã hội. Bộ GD và ÐT sẽ sớm tham mưu cho Chính phủ những chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện, đồng thời tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội ban hành những văn bản quy phạm pháp luật, thay đổi một số cơ chế phù hợp với yêu cầu nhằm thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo nước nhà.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Ý kiến ()