Bảo đảm một mùa lễ hội văn minh, lành mạnh
Lễ hội vật cầu làng Thúy Lĩnh được tổ chức chiều mùng 6 Tết Kỷ Hợi 2019.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2019; đồng thời ban hành nhiều văn bản, chỉ thị nhằm tăng cường quản lý, bảo đảm một mùa lễ hội an toàn, lành mạnh.
Theo ghi nhận, nhờ có phương án tổ chức từ sớm cho nên tại một số lễ hội lớn đầu năm đã hạn chế được tình trạng lộn xộn, phản cảm. Thí dụ, trong ngày khai hội chùa Hương (Hà Nội),dù hàng chục nghìn người đổ về đây chật kín nhưng vấn đề an ninh, trật tự nhìn chung vẫn được bảo đảm. Ban tổ chức yêu cầu các chủ đò phải trang bị phao cứu sinh, đồ đựng rác trên toàn bộ 4.000 đò chở khách ở suối Yến; trước đó tiến hành tập huấn cho các chủ đò về công tác cứu hộ, nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho du khách… Gần 200 chiến sĩ công an được huy động để giữ an ninh, trật tự cho lễ hội, xử lý nghiêm tình trạng đeo bám khách; hàng hóa đều được niêm yết giá rõ ràng để tránh tình trạng nâng giá, ép giá, lừa đảo…
Hay tại Lễ hội Gióng ở Sóc Sơn, Hà Nội, nơi mọi năm thường xuyên diễn ra cảnh chen lấn, thậm chí giẫm đạp, tranh chấp, ẩu đả để cướp giò hoa tre thì năm nay nhờ thay đổi cách tổ chức đã không còn cảnh tượng xấu xí này. Sau lễ cung tiến, các lễ vật được di chuyển vào hậu cung, cho nên việc phát lộc diễn ra khá trật tự. Để “tướng bà” không bị bắt cóc, Ban tổ chức đã chủ động bố trí đội ngũ bảo vệ hùng hậu cho bé gái đóng “tướng bà”, nên lễ rước diễn ra an toàn, quy củ. Ở lễ hội chém lợn làng Ném Thượng, Bắc Ninh, “điểm nóng” trước đây từng bị lên án bởi tính bạo lực, phản cảm, hai “ông ỉn” sau khi được rước đi quanh làng đã được đưa vào phòng kín để thực hiện nghi lễ, bảo đảm tính nhân văn, ý nghĩa của lễ hội…
Đây có thể xem là những điểm sáng đầu tiên ghi nhận sự chuyển biến tích cực trong công tác tổ chức, quản lý lễ hội; là kết quả từ sự chủ động chuẩn bị nghiêm túc, kỹ càng các phương án nhằm hạn chế tình trạng lộn xộn. Tuy nhiên, bên cạnh các tín hiệu vui, cần thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn những biến tướng, hình ảnh không mấy đẹp diễn ra trong các lễ hội vài ngày qua. Ấy là cảnh tượng cả thanh niên lẫn ông già, bà cả, trẻ con, không ngần ngại leo qua tường, vượt qua rào một cách khổ sở để đỡ phải xếp hàng chen lấn trong lễ hội chùa Hương; cảnh đốt vàng mã, rải tiền lẻ khá phổ biến tại các điểm thờ tự; đặc biệt là tình trạng “mua chuộc thần linh” bằng mâm cao cỗ đầy để cầu tài, cầu lộc của không ít người tham gia lễ hội… Đây là những biến tướng từ trong nhận thức, việc đẩy lùi không thể chỉ một sớm, một chiều mà cần cả quá trình truyền thông, giáo dục.
Cả nước mới đi qua những ngày đầu của mùa lễ hội Xuân Kỷ Hợi. Một số lễ hội vừa diễn ra đã thu về những kết quả khả quan trong tổ chức, song đây mới chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng số 8.000 lễ hội dân gian diễn ra trên toàn quốc mỗi năm. Do đó, công tác tổ chức, quản lý lễ hội cần tiếp tục được tăng cường, thắt chặt, không thể lơ là.
Ngay trong ngày đầu làm việc của năm Kỷ Hợi (11-2-2019), Thủ tướng Chính phủ đã có công điện đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức lễ hội, bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, văn minh; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tốt đẹp; tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực; không để xảy ra hoạt động phản cảm; ngăn chặn tình trạng tăng giá, chèo kéo, ép khách tại các điểm du lịch, lễ hội…
Đây cũng là năm đầu tiên Nghị định 110/2018/NĐ-CP về quản lý và tổ chức lễ hội có hiệu lực, trong đó tăng cường sự phân cấp trách nhiệm tới UBND các cấp; đồng thời nêu rõ những quy định về tạm ngừng tổ chức, nếu lễ hội bị tổ chức sai lệch nội dung, giá trị, gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội… Sự vào cuộc quyết liệt trong công tác chỉ đạo, tổ chức và quản lý cho thấy quyết tâm cao độ của các cấp, ban, ngành, đồng thời mở ra hy vọng về một mùa lễ hội an toàn, văn minh, lành mạnh hơn.
Ý kiến ()