Bảo đảm hợp lý trong tính đúng, tính đủ giá sách giáo khoa
Cha mẹ học sinh chọn mua sách giáo khoa tại Nhà sách Tiến Thọ, Hà Nội.
Hằng năm, cả nước có khoảng 15 triệu học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông sử dụng SGK để học tập. Theo dự kiến, năm học 2019 – 2020, Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam (NXBGD) phải chuẩn bị phát hành 108 triệu bản SGK phục vụ học sinh trước ngày khai giảng năm học mới. NXBGD đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch phục vụ năm học 2019 – 2020 với 72 đối tác ở 63 tỉnh, thành phố nhằm làm tốt nhất công tác phát hành. Theo kế hoạch từ tháng 4-2019, SGK sẽ được chuyển về các địa phương trên toàn quốc để phục vụ năm học mới. Tuy nhiên, cái khó từ năm 2011 đến nay, giá SGK được kìm giữ ổn định và ở mức thấp, không thay đổi; trong khi các khoản chi phí xuất bản đều tăng cao nhưng không được bù lỗ. NXBGD đã tiết giảm hàng loạt chi phí trong xuất bản SGK; đồng thời sử dụng các nguồn thu khác để bù đắp lỗ của hoạt động xuất bản phát hành SGK khoảng 40 tỷ đồng mỗi năm.
Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) cho biết, SGK thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký giá. Qua kiểm tra, giá SGK in trên bìa theo đúng đăng ký với Bộ Tài chính và được giữ ổn định nhiều năm. Tuy nhiên, giá SGK thấp hơn giá các loại sách khác khoảng từ hai đến ba lần, trong khi chi phí phát hành tăng theo cơ chế thị trường. Theo Thứ trưởng GD và ÐT Nguyễn Hữu Ðộ, giá SGK cần theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý và chống độc quyền, thao túng giá… Trong cung cấp SGK, ngành giáo dục bảo đảm đầy đủ, kịp thời, chất lượng tốt nhất cho giáo viên và học sinh, tuân theo các quy định về giá, không để xảy ra tình trạng thiếu sách, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Bộ GD và ÐT chỉ đạo NXBGD rà soát chi phí giá thành, phương án điều chỉnh giá và kế hoạch truyền thông theo chỉ đạo để Bộ GD và ÐT có ý kiến chính thức.
Theo PGS, TS Trần Kiều, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam, quá trình nghiên cứu về các vấn đề chương trình, SGK, phương pháp dạy học… cho thấy SGK phục vụ giáo dục thì nguyên tắc không lấy lãi đối với học sinh. Nhiều năm qua, NXBGD đã tuân theo nguyên tắc trên. Tuy nhiên, nếu muốn tuân theo quy luật thị trường thì đơn vị xuất bản không thể tự bù lỗ mà cần có sự điều chỉnh giá hoặc Nhà nước tính đến phương án bù lỗ để việc xuất bản SGK diễn ra bình thường. Mặc dù số lượng người sử dụng SGK rất lớn nhưng không có nghĩa số lượng lớn đi đôi với nguồn thu lớn. Vì vậy, nếu tiếp cận vấn đề SGK một cách toàn diện (không đơn thuần ở khía cạnh nhân văn hoặc đơn thuần khía cạnh phúc lợi hay lợi nhuận) thì có thể thấy cần sớm có sự điều chỉnh giá SGK cho hợp lý trên cơ sở bảo đảm sự đồng thuận và ổn định trong giáo dục. Việc điều chỉnh giá không phải tự NXBGD làm mà cần có sự đồng ý, giám sát của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), bảo đảm tính đúng, tính đủ. Mọi sự điều chỉnh trong giáo dục nói chung, SGK nói riêng đều có ảnh hưởng rất lớn đến nhiều hoạt động xã hội, cho nên khi điều chỉnh, cần công khai, minh bạch, bảo đảm sự ổn định để tạo nên sự đồng thuận cao nhất trong xã hội.
Ðáng chú ý, để thực hiện có hiệu quả các giải pháp về điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu, thông báo kết luận của đồng chí Vương Ðình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá, tại cuộc họp ngày 17-1 nêu rõ: Về vấn đề SGK, Bộ GD và ÐT chỉ đạo, giám sát việc điều chỉnh giá SGK trong năm 2019-2020 của NXBGD theo phương án đã được Bộ phê duyệt chủ trương; chỉ đạo NXBGD truyền thông tới xã hội, tạo đồng thuận với chủ trương điều chỉnh. Còn theo ý kiến của Bộ Tài chính, NXBGD cần thực hiện kê khai giá bán SGK và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về vấn đề này. Tuy nhiên, để thực hiện những điều chỉnh, cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ cho học sinh thuộc đối tượng chính sách xã hội, cần tạo sự đồng thuận với chủ trương điều chỉnh.
Một số chuyên gia giáo dục cho rằng, việc thực hiện theo quy luật thị trường, điều chỉnh, công khai, minh bạch, tính đúng, tính đủ trong xuất bản SGK là cần thiết. Bộ GD và ÐT cần sớm có phương án, kế hoạch cụ thể cho việc điều chỉnh giá SGK để bảo đảm tính chủ động, không ảnh hưởng đến phát hành với phương châm không để học sinh bị ảnh hưởng hoặc thiếu SGK. Khi có những điều chỉnh giá SGK, các đơn vị xuất bản, phát hành cần có phương án bảo đảm SGK cho con em gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngành giáo dục tổ chức cuộc vận động quyên góp, ủng hộ SGK, sách tham khảo đã qua sử dụng để tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thư viện và tủ sách dùng chung. Tăng cường các hình thức khuyến mại, bán giảm giá SGK trong các tháng cao điểm phát hành phục vụ hè và phục vụ khai giảng năm học mới. Trong xuất bản, cần bảo đảm sự hợp lý trong các khâu tổ chức gia công và đấu thầu in ấn. Hạn chế nhiều tầng nấc làm tăng chi phí vận chuyển và các chi phí trung gian khác trong quy trình phát hành SGK…
Ý kiến ()