Bảo đảm hiệu quả nguồn vốn khuyến công
Nhiều năm qua, từ nguồn “vốn mồi” thuộc chương trình khuyến công đã giúp cho rất nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cả nước nói chung, tại Sơn La nói riêng vượt qua được khó khăn, tạo động lực trong việc đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến vào sản xuất… Tuy nhiên, vẫn còn đó những đồng “vốn mồi” sử dụng chưa hiệu quả, dẫn tới việc gây lãng phí nguồn vốn đầu tư của nhà nước.
Hợp tác xã Liên Sơn, xã Tạ Bú đã dừng hoạt động với hệ thống máy móc bỏ không, bụi bặm. |
Phải thừa nhận rằng, dù còn hạn hẹp nhưng những đồng “vốn mồi” của hoạt động khuyến công đã và đang trở thành “bà đỡ” và là người bạn đồng hành của các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh vùng nông thôn Sơn La. Nhiều mô hình sản xuất được hình thành và kinh doanh hiệu quả với sự hỗ trợ từ đề án khuyến công.
Hiệu quả và khó khăn
Nguồn vốn khuyến công hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tại tỉnh Sơn La đã trở thành “vốn mồi” để giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh mạnh dạn đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Qua đó, góp phần nâng cao được chất lượng sản phẩm, giúp các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, nhất là hộ kinh doanh tại các cơ sở của Sơn La tăng được sức cạnh tranh, đa dạng sản phẩm…
Theo báo cáo của Sở Công thương, trong giai đoạn 2012-2022, thực hiện Chương trình khuyến công quốc gia và địa phương, tỉnh Sơn La đã triển khai được 60 đề án với tổng kính phí gần 15 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia hơn 7,5 tỷ đồng, kinh phí khuyến công địa phương gần bảy tỷ đồng. Về đối tượng thụ hưởng chủ yếu thuộc địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn với 111 cơ sở, gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 41%, hợp tác xã chiếm 25% và hộ kinh doanh chiếm 34%…
Tại huyện Mường La, nhiều hợp tác xã đang sử dụng những hệ thống máy móc tiên tiến phục vụ cho sản xuất được hỗ trợ theo chương trình khuyến công. Tuy nhiên, một số hợp tác xã vẫn đang gặp khó khăn sau khi được hỗ trợ vốn. Như Hợp tác xã nông dược Thương mại và Dịch vụ Mường La (trước đây là Hợp tác xã Dược liệu Mường La), là hợp tác xã được hỗ trợ 288 triệu đồng vào tháng 11/2022 đầu tư dây chuyền thiết bị trong sản xuất táo sơn tra. Tuy nhiên, đến ngày 15/5/2023, tại hợp tác xã không có hệ thống máy móc đã được hỗ trợ đầu tư.
Theo lý giải của giám đốc hợp tác xã, đơn vị mới sản xuất được 15 tấn quả táo sơn tra thì máy bị lỗi kỹ thuật trong lúc vận hành, đang trong thời gian bảo hành nên phải gửi vào Thành phố Hồ Chí Minh để bảo dưỡng. Sở Công thương hỗ trợ 288 triệu đồng trong tổng số tiền đầu tư dàn máy hơn một tỷ đồng. Về nội dung này, lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Sơn La, cho biết: Sau khi nắm được thông tin, đã vào kiểm tra và có biên bản làm việc yêu cầu hợp tác xã cam kết lắp đặt lại dây chuyền máy móc thiết bị tại xưởng của hợp tác xã trước ngày 1/7/2023. Nếu không thực hiện đúng cam kết sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và sẽ thu hồi lại phần kinh phí hỗ trợ mua máy.
Cũng tại huyện Mường La, tìm đến Hợp tác xã Liên Sơn, xã Tạ Bú, một trong những hợp tác xã thuộc đề án nhóm hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất tinh dầu sả. Hợp tác xã được hỗ trợ 288 triệu đồng tiền máy móc và 35 triệu đồng tiền hỗ trợ xây dựng bảo hộ thương hiệu vào năm 2019.
Tuy nhiên, tại thời điểm phóng viên có mặt không thấy hợp tác xã này hoạt động. Tại nơi có biển hiệu cùng nhà xưởng, máy móc của hợp tác xã nằm ven đường dẫn vào trung tâm xã Tạ Bú là khu nhà xưởng đã bị bỏ hoang, bụi bặm với hàng rào lưới B40 quây phía trước.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã Tạ Bú, được biết: Đầu năm 2023, cán bộ thuế có vào làm việc để xác minh xem hợp tác xã đã giải thể chưa. Cuối năm 2020, thời điểm hợp tác xã chuyển về địa bàn xã cũng hoạt động cầm chừng.
Trước đây, thấy hợp tác xã liên kết với người dân tại các bản để trồng vùng nguyên liệu sả, nhưng giờ nhiều gia đình đã thuê máy về đào hết để chuyển đổi cây trồng khác do đầu ra của tinh dầu sả không được giá. Đến thời điểm này, chính thức hợp tác xã đã không hoạt động nữa.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Tại huyện Mai Sơn, theo thông tin phản ánh của người dân về việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ khuyến công không hiệu quả, chúng tôi tìm đến địa chỉ có Công ty cổ phần may Tâm Sáng tại xã Cò Nòi, một trong nhiều đơn vị của huyện Mai Sơn được hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất may công nghiệp vào năm 2020, trị giá gần 300 triệu đồng.
Tuy nhiên, tại địa bàn huyện Mai Sơn không còn tồn tại công ty nào với tên gọi như vậy. Theo thông tin từ các phòng chuyên môn của huyện Mai Sơn thì hiện tại địa bàn không có đơn vị nào tên như vậy nằm trong chương trình hỗ trợ khuyến công. Tại địa bàn huyện Mai Sơn, chỉ có một số hợp tác xã, công ty nằm trong chương trình được hỗ trợ máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất thuộc chương trình khuyến công khác của tỉnh đang hoạt động rất hiệu quả nhưng không phải công ty này.
Về nội dung này, lãnh đạo Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Mai Sơn, cho biết: Qua rà soát thông tin thì Công ty cổ phần may Tâm Sáng đã chuyển địa bàn hoạt động. Quá trình công ty chuyển địa điểm và di chuyển máy móc không báo cáo với cơ quan chuyên môn, trong đó có máy móc được hỗ trợ theo chương trình khuyến công. Hiện tại, để liên lạc được với đơn vị này rất khó…!? Chúng tôi tiếp tục tìm hiểu, xác minh thông tin qua Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Bắc Yên và huyện Phù Yên thì được biết tại địa bàn cả hai huyện không có đơn vị nào với ngành nghề và tên như vậy chuyển về và đang hoạt động tại địa bàn. Về nội dung này, lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Sơn La, cho biết: Hiện tại để tìm và liên lạc với đơn vị này rất khó, không biết còn hoạt động không.
Tháng 6/2022, xuống kiểm tra không thấy công ty này nữa. Sau nhiều lần liên lạc bằng điện thoại thì được biết số máy móc được hỗ trợ theo chương trình khuyến công cho Công ty cổ phần may Tâm Sáng đã được chuyển về cho một đơn vị khác tại địa bàn huyện Phù Yên. Việc quản lý nhà nước đã được bàn giao cho Phòng Kinh tế hạ tầng huyện và xã chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc kiểm tra sử dụng xem có phát huy hiệu quả không…!?
Theo lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Sơn La, để bảo đảm những đồng “vốn mồi” theo chương trình khuyến công hỗ trợ tại các cơ sở phát huy hiệu quả, tránh đầu tư được một thời gian phải dừng hoạt động, gây lãng phí nguồn kinh phí nhà nước hỗ trợ cần phải có nhiều giải pháp.
Trong đó, ngoài việc tăng cường kiểm tra giám sát chặt chẽ của các cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở thì cần phải nắm bắt được thị trường để tư vấn giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đầu tư mua máy móc cho phù hợp với thực tế. Đối với những sản phẩm mới liên quan đến công nghệ tiên tiến phải có thời gian nghiên cứu, đánh giá, thử nghiệm xem có hiệu quả không mới nên đưa vào đầu tư vận hành, tránh việc đầu tư rồi nhưng đưa vào sản xuất được vài ngày lại lỗi sử dụng máy móc…
Thực tế cho thấy những đồng vốn khuyến công được hỗ trợ trong thời gian qua tại tỉnh Sơn La đã tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, mở rộng vào sản xuất. Trong đó đã tập trung ưu tiên hỗ trợ sản xuất, tạo dựng được thương hiệu cho nhiều sản phẩm và nhiều lao động vùng khó khăn có việc làm với thu nhập ổn định…
Do vậy, việc thường xuyên kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả việc sử dụng những đồng “vốn mồi” thuộc chương trình khuyến công cần phải được tăng cường hơn nữa, tránh việc một vài đơn vị đầu tư, sử dụng kém hiệu quả gây ảnh hưởng tới mục tiêu chung của chương trình.
Nguồn:https://nhandan.vn/bao-dam-hieu-qua-nguon-von-khuyen-cong-post759095.html
Ý kiến ()