Bảo đảm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người mua bảo hiểm
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, các quy định của dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đang thiên về bảo vệ doanh nghiệp bảo hiểm mà chưa bảo vệ một cách đầy đủ quyền lợi của người mua bảo hiểm.
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 9, sáng 22/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Đây là dự án Luật đã được Quốc hội khóa XV thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2.
Đề nghị dừng trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm
Trình bày Báo cáo tóm tắt, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết dự thảo Luật đã được điều chỉnh theo hướng: chuyển Mục 5 chương II về đề phòng hạn chế tổn thất, phòng, chống gian lận bảo hiểm và Chương VI về tài chính, hạch toán kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm thành Mục 8, Mục 9 của Chương III về doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài vì các quy định tại các mục, chương này đều liên quan đến nội dung hoạt động, trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm.
Dự thảo Luật đã chuyển Mục 8 Chương III về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm vào Chương I về những quy định chung vì các quy định tại mục này có phạm vi áp dụng chung cho các chủ thể trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Về hợp đồng bảo hiểm (Chương II), ông Vũ Hồng Thanh nêu rõ hợp đồng bảo hiểm là một chế định quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Do đó, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh sửa, bổ sung và quy định rõ một số nội dung tại Chương này như: bổ sung quy định về hợp đồng bảo hiểm vô hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự; sửa đổi quy định về quyền lợi có thể được bảo hiểm; hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm…
Tuy nhiên, để bảo đảm nhất quán giữa các quy định trong chính dự thảo Luật, phù hợp với các nguyên tắc chung về hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự, bảo đảm tính đặc thù của hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu hoàn thiện các quy định về hợp đồng bảo hiểm tại dự thảo Luật như quy định về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe cho trường hợp chết, thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm…
Nội dung này sẽ trình xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, sau đó tiếp tục hoàn thiện báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022).
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, hiện nay còn 2 vấn đề xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến bảo hiểm vi mô (Chương IV) và Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm (Điều 111).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh bảo hiểm vi mô là sản phẩm bảo hiểm hướng tới đối tượng khách hàng là các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, khó tiếp cận với các sản phẩm bảo hiểm thương mại thông thường. Bảo hiểm vi mô thường phát triển ở các nước đang phát triển và được coi là một cấu phần quan trọng trong chính sách tài chính toàn diện của quốc gia, góp phần thực hiện các chính sách an sinh, xã hội của Nhà nước.
Việc quy định bảo hiểm vi mô trong dự thảo Luật sẽ tạo cơ sở pháp lý rõ ràng trong việc tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô và có cơ chế để khuyến khích phát triển các sản phẩm bảo hiểm vi mô tại Việt Nam.
Do đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết quy định về bảo hiểm vi mô trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, để bảo đảm kết cấu chung của dự thảo Luật cũng như tính khả thi, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị chỉ quy định nguyên tắc triển khai, đối tượng được triển khai bảo hiểm vi mô tại dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung này.
Đối với Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm có quy định về Quỹ dự trữ bắt buộc và Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm.
Mục đích thiết lập của 2 Quỹ này đều hướng tới bảo đảm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm khi mất khả năng thanh toán, góp phần bảo vệ người tham gia bảo hiểm. Cùng với những lý do trên, việc duy trì đồng thời cả 2 Quỹ là không cần thiết, tạo gánh nặng cho cả doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm vì số tiền trích nộp quỹ được tính theo tỷ lệ phần trăm của phí bảo hiểm do bên mua bảo hiểm đóng theo hợp đồng bảo hiểm.
Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế thống nhất với quan điểm của Chính phủ, theo đó đề nghị dừng trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, đồng thời giao Bộ Tài chính quy định chi tiết về quản lý và sử dụng số dư Quỹ, bảo đảm việc xử lý số dư của Quỹ đúng mục đích ban đầu khi thành lập Quỹ.
Cần thiết quy định về bảo hiểm vi mô
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng một trong những nguyên tắc cơ bản trong xây dựng dự án Luật là bảo đảm hài hòa quyền lợi giữa doanh nghiệp bảo hiểm và người được bảo hiểm, người mua bảo hiểm. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, các quy định của dự thảo Luật đang thiên về bảo vệ doanh nghiệp bảo hiểm mà chưa bảo vệ một cách đầy đủ quyền lợi của người được bảo hiểm và người mua bảo hiểm.
Ông Hoàng Thanh Tùng dẫn chứng Điều 11 về Hệ thống cơ sở dữ liệu về kinh doanh bảo hiểm quy định Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu về kinh doanh bảo hiểm. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm quản lý và vận hành cơ sở dữ liệu về kinh doanh bảo hiểm nhằm phục vụ hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động kinh doanh bảo hiểm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
“Đề nghị cân nhắc nội dung “phục vụ hoạt động kinh doanh bảo hiểm” bởi cơ sở dữ liệu này do Nhà nước bỏ tiền ra đầu tư, trong khi hoạt động kinh doanh bảo hiểm là hoạt động của các doanh nghiệp. Cần quy định rõ các doanh nghiệp bảo hiểm khi ký hợp đồng thì cung cấp thông tin của người mua bảo hiểm, người được bảo hiểm để đưa vào cơ sở dữ liệu như thế nào vì đây là thông tin cá nhân, riêng tư được bảo vệ bởi Hiến pháp, pháp luật. Nếu quy định không chặt chẽ việc cung cấp thông tin, vô hình chung sẽ ảnh hưởng đến quyền được bảo vệ thông tin, bí mật cá nhân của người được bảo hiểm và người mua bảo hiểm,” Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật phân tích.
Tùng dẫn chứng Điều 11 về Hệ thống cơ sở dữ liệu về kinh doanh bảo hiểm quy định: Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu về kinh doanh bảo hiểm. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm quản lý và vận hành cơ sở dữ liệu về kinh doanh bảo hiểm nhằm phục vụ hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động kinh doanh bảo hiểm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
“Đề nghị cân nhắc nội dung “phục vụ hoạt động kinh doanh bảo hiểm” bởi cơ sở dữ liệu này do Nhà nước bỏ tiền ra đầu tư, trong khi hoạt động kinh doanh bảo hiểm là hoạt động của các doanh nghiệp. Cần quy định rõ các doanh nghiệp bảo hiểm khi ký hợp đồng thì cung cấp thông tin của người mua bảo hiểm, người được bảo hiểm để đưa vào cơ sở dữ liệu như thế nào vì đây là thông tin cá nhân, riêng tư được bảo vệ bởi Hiến pháp, pháp luật. Nếu quy định không chặt chẽ việc cung cấp thông tin, vô hình chung sẽ ảnh hưởng đến quyền được bảo vệ thông tin, bí mật cá nhân của người được bảo hiểm và người mua bảo hiểm,” Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật phân tích.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng dự án Luật cần xem xét đã tiếp cận với thông lệ quốc tế và các hiệp định, cam kết quốc tế, đảm bảo công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho hoạt động của thị trường bảo hiểm hay chưa.
“Cuộc sống mà không có bảo hiểm như đi cầu thang mà không có tay vịn. Mặc dù tốc độ tăng trưởng lĩnh vực này rất nhanh nhưng còn thấp so với dư địa. Quan điểm của Đảng là luôn đẩy mạnh tốc độc tăng trưởng các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính-ngân hàng, bảo hiểm, logistics và cần phù hợp với môi trường kinh doanh số,” Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.
Chủ tịch Quốc hội đồng tình với quan điểm của cơ quan chủ trì thẩm tra liên quan đến vấn đề bảo hiểm vi mô và Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm đồng thời đề nghị rà soát lại kết cấu dự thảo Luật để đảm bảo tính logic của văn bản.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý việc tiếp tục rà soát và làm rõ các quy định về hợp đồng bảo hiểm để bảo đảm vừa phù hợp với các nguyên tắc chung về hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự, bảo đảm tính đặc thù của hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên, nhất là khi người mua bảo hiểm và người thụ hưởng là hai chủ thể khác nhau.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy dự án Luật đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, cơ bản bảo đảm điều kiện để trình Quốc hội. Để hoàn thiện, dự án Luật này còn phải thêm bước nữa là lấy ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, các đoàn đại biểu Quốc hội và ý kiến của một số cơ quan chức năng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cao với sự cần thiết quy định về bảo hiểm vi mô trong dự thảo Luật; đồng tình với việc dừng trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm và giao Chính phủ quy định chi tiết quản lý, sử dụng số dư quỹ, bảo đảm xử lý số dư Quỹ đúng mục đích thành lập Quỹ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với giấy phép thành lập hoạt động cũng chính là giấy đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp như quy định của luật hiện hành. Đồng thời, khi doanh nghiệp bảo hiểm chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện cần gửi văn bản thông báo cho Bộ Tài chính nhằm giảm bớt thủ tục hành chính cho doanh nghiệp./.
Ý kiến ()