Bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển làng cổ Ðường Lâm
Ðiều độc đáo nhất ở làng cổ Ðường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) không chỉ ở số lượng di tích dày đặc, mà là một di sản sống, nơi người dân đang sinh sống bình thường. Nhưng đây cũng chính là khó khăn lớn nhất trong công tác bảo tồn khi cuộc sống luôn vận động, phát triển. Người dân Ðường Lâm mong muốn sớm có quy hoạch làng cổ, sớm có dự án giãn dân để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt khi dân số gia tăng.
Ðiều độc đáo nhất ở làng cổ Ðường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) không chỉ ở số lượng di tích dày đặc, mà là một di sản sống, nơi người dân đang sinh sống bình thường. Nhưng đây cũng chính là khó khăn lớn nhất trong công tác bảo tồn khi cuộc sống luôn vận động, phát triển. Người dân Ðường Lâm mong muốn sớm có quy hoạch làng cổ, sớm có dự án giãn dân để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt khi dân số gia tăng.
Áp lực từ tăng dân, tách hộ
Khu vực làng cổ ở xã Ðường Lâm là một quần thể di tích dày đặc, với 50 di tích có giá trị, trong đó có bảy di tích cấp quốc gia, hai di tích và mười ngôi nhà là di tích cấp thành phố. Năm thôn ở Ðường Lâm gồm: Mông Phụ, Cam Thịnh, Ðoài Giáp, Cam Lâm, Ðông Sàng còn có hơn 100 ngôi nhà cổ từ 100 đến 400 năm, và gần 1.000 ngôi nhà được xây theo kiến trúc truyền thống. Ngoài ra, làng còn lưu giữ được không gian làng cổ với cổng làng, cổng ngõ, giếng làng… với kiến trúc độc đáo. Với những giá trị đặc biệt ấy, tháng 11-2005, năm thôn cổ này của xã Ðường Lâm đã được công nhận là “Di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp quốc gia”. Cho đến thời điểm này, đây là làng đầu tiên và duy nhất của cả nước được nhận danh hiệu này.
Ðặc thù của làng cổ Ðường Lâm là một di sản sống. Nơi đây, người dân ăn ở, sinh hoạt trong những ngôi nhà di sản, trong không gian cổ kính, cần được bảo tồn. Và đây cũng là những khó khăn trong công tác bảo tồn. Theo Quy định tạm thời về việc quản lý, bảo tồn, tôn tạo và sử dụng Di tích làng cổ Ðường Lâm do UBND thị xã Sơn Tây ban hành năm 2006, tại khu vực bảo vệ cấp I (thôn Mông Phụ), toàn bộ các công trình kiến trúc phải được giữ nguyên trạng. Nếu tiến hành xây mới, các ngôi nhà phải được xây bằng vật liệu truyền thống, lợp mái ngói và không được xây quá một tầng. Các hộ dân trong khu vực bốn thôn còn lại không được xây nhà mới quá hai tầng.
Quy định chặt chẽ về quản lý trật tự xây dựng nhằm bảo tồn các công trình trong vùng lõi là rất cần thiết. Tuy nhiên, do làng cổ Ðường Lâm là di sản sống, ở đó, người dân đang sản xuất, sinh hoạt, cho nên quy định này cũng gây nhiều bất cập đối với cuộc sống của người dân. Chúng tôi đến gia đình bà Quách Thị Bảo ở xóm Ðình, thôn Mông Phụ, một gia đình đang rất bức bách về điều kiện ăn ở, sinh hoạt. Gia đình bà Bảo hiện có tất cả mười người, gồm ba cặp vợ chồng, sinh sống trên khuôn viên có tổng diện tích 100 m2, trong đó diện tích nhà chỉ khoảng hơn 30 m2, còn là sân. Ngoài làm nông nghiệp, gia đình bà làm thêm nghề mộc, cho nên càng chật chội. Sáng 13-5, có mặt tại nhà bà Bảo, chúng tôi thấy toàn bộ diện tích sân bị bày kín bởi máy cưa, máy xẻ gỗ và nhiều súc gỗ to, nhỏ, phải khó khăn lắm mới len chân vào nhà. Bà Bảo cho biết, do nhà quá chật chội, cho nên sinh hoạt, sản xuất rất khó khăn. Nhiều khi, chồng bà Bảo và các con trai mang gỗ ra ngoài ngõ đóng đồ. Tối tối, xe máy của mọi người trong nhà phải đi gửi hàng xóm, nhiều hôm bí quá, đành để ngoài ngõ. Thóc vừa thu hoạch xong cũng phải mang ra sân kho hợp tác xã phơi nhờ. Khu vệ sinh tạm bợ, chỗ đun nấu cũng không có, phải quây tạm một chỗ ngay cạnh cửa ra vào, bên đống gỗ lớn, rất nguy hiểm. Thậm chí, nơi chăn nuôi gà của gia đình bà phải bố trí ở trên tum nhỏ, được cơi nới cách đây hơn mười năm. Gia đình bà Bảo rất muốn xây nhà cao tầng để cải thiện chỗ ở, nhưng quy định không cho phép. Bà cho biết: “Chúng tôi nhất trí với chính sách bảo tồn của Nhà nước, nhưng chính quyền cũng cần phải có giải pháp giải quyết nhu cầu ăn ở của người dân”. Hiện rất nhiều gia đình ở Ðường Lâm có những tâm tư như gia đình bà Bảo.
Ðồng chí Phan Văn Lợi, Bí thư Ðảng ủy xã Ðường Lâm thừa nhận, sự gia tăng dân số tự nhiên và nhu cầu cải thiện điều kiện chỗ ở của người dân làng cổ đang là áp lực rất lớn, mâu thuẫn với yêu cầu bảo tồn di tích trong làng cổ. Ðây là vấn đề khiến cấp ủy và chính quyền địa phương “đau đầu”. Ðồng chí Lợi cho biết: ” Năm thôn nằm trong phạm vi làng cổ hiện có gần 1.500 hộ gia đình, với hơn 6.000 nhân khẩu. Trung bình mỗi năm, có thêm khoảng hơn 100 cặp vợ chồng mới kết hôn, 200 trẻ ra đời. Dân số tăng nhanh, trong khi diện tích đất thì có hạn, khiến cho điều kiện sống của người dân ngày càng bí bách. Trường mầm non của thôn Mông Phụ do không được xây cao tầng, cho nên điều kiện học tập của các cháu rất khổ sở. Có lớp có hơn 90 cháu học trong phòng học rộng 40 m2. Ðược công nhận là Di tích quốc gia, dân làng chúng tôi rất tự hào. Nhưng các gia đình cũng bức xúc về vấn đề giải quyết chỗ ở, nhất là khu vực không được phép xây cao tầng”.
Cần đẩy nhanh tiến độ quy hoạch làng cổ
Tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy, từ khi Ðường Lâm được công nhận là Di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp quốc gia đến nay, thị xã Sơn Tây, xã Ðường Lâm và Ban quản lý di tích làng cổ Ðường Lâm đã có nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của người dân đối với bảo tồn di sản. Nhờ đó, có rất ít hộ gia đình vi phạm quy định về trật tự xây dựng. Năm 2010, có bảy hộ ở thôn Mông Phụ xây dựng nhà hai tầng, nhà mái bằng. Năm 2011, có 11 công trình vi phạm. Năm 2012, có một hộ sai thỏa thuận. Bốn tháng đầu năm nay có một hộ sai thỏa thuận. Phần lớn các hộ dân có sai phạm đã được Thanh tra Xây dựng, chính quyền xã, Ban quản lý di tích làng cổ vận động tự tháo dỡ, chỉ duy nhất có một trường hợp bị cưỡng chế. Tuy nhiên, do nhu cầu cải thiện chỗ ở của người dân quá lớn, trong khi chính quyền chưa có giải pháp để đáp ứng, khiến cho các hộ bị ngăn chặn, xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng tại làng cổ nảy sinh tâm lý bức xúc. Qua điều tra, hơn 50 chữ ký trong lá đơn gửi đến UBND thị xã Sơn Tây xin “trả lại” danh hiệu làng cổ đều thuộc 15 gia đình bị xử lý về vi phạm trật tự xây dựng. Những người dân còn lại trong làng đều cho biết, họ không tham gia vào việc ký đơn. Chính vì vậy, có thể khẳng định, đây chỉ là hành động của một số người, không thể đại diện cho đông đảo người dân làng cổ. Người dân nói chung đều mong muốn bảo tồn những giá trị của cha ông.
Ðể bảo tồn làng cổ, Ðảng ủy, UBND thị xã Sơn Tây nhận thức rõ phải giải quyết hài hòa giữa công tác bảo tồn di tích và phát triển các công trình hạ tầng, bảo đảm cuộc sống của người dân. Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Nguyễn Lam Ðiền cho biết: “Chủ trương của thị xã là thực hiện biện pháp bảo tồn song song với hoàn thiện quy hoạch làng cổ, xây dựng khu giãn dân, tạo điều kiện để những hộ gia đình khó khăn về nhà ở trong khu vực làng cổ có thể xây dựng nhà cửa trên khu đất mới, không phá vỡ không gian làng cổ. Bên cạnh đó, thị xã xác định cần giải bài toán lợi ích kinh tế. UBND thị xã giao các ngành chức năng xây dựng quỹ, hằng năm cho các hộ dân vay không lấy lãi để tu sửa nhà cửa, đủ tiêu chuẩn tiện nghi phục vụ khách du lịch. Thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp phục vụ du lịch, để không chỉ một vài gia đình có nhà cổ được hưởng lợi từ du lịch như hiện nay, mà phấn đấu tất cả các hộ dân trong làng cổ đều được hưởng lợi từ du lịch… “.
Tuy nhiên, việc lập quy hoạch khu giãn dân diễn ra không đúng tiến độ mong muốn, do phải bảo đảm các trình tự thủ tục. Từ tháng 4-2011, UBND thành phố Hà Nội đã nhất trí, giao cho thị xã Sơn Tây lập quy hoạch khu giãn dân phục vụ bảo tồn làng cổ Ðường Lâm. Nhưng việc triển khai trên thực tế phải trải qua quá nhiều công đoạn. Trước hết, xin thỏa thuận của Sở Quy hoạch-Kiến trúc về địa điểm xây dựng khu giãn dân, dự kiến tại cánh đồng thôn Phụ Khang. Tiếp đó, Sở Tài nguyên và Môi trường ra quyết định thu hồi đất, rồi tiến hành giải phóng mặt bằng… Ðặc thù của Ðường Lâm là có đến 90% số hộ dân làm nông nghiệp, khu giãn dân cho các hộ dân phải có quy hoạch, kiến trúc phù hợp với đặc thù này, vì vậy cũng cần có ý kiến của các cơ quan chuyên môn. Mặt khác, phần lớn người dân Ðường Lâm kinh tế còn khó khăn, cho nên cũng cần có cơ chế đặc biệt để hỗ trợ người dân, nếu không, ngay cả khi được phân đất, người dân cũng không có tiền để xây nhà… Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, các công việc trên mới chỉ được báo cáo lần 1, chưa hoàn chỉnh để triển khai các bước chính thức. Ðại diện Ban quản lý đầu tư xây dựng của thị xã dự tính, đến năm 2020 mới hoàn thành khu giãn dân làng cổ.
Cuộc sống luôn vận động, phát triển. Nhu cầu về cải thiện chỗ ở của nhiều hộ gia đình ở Ðường Lâm là rất bức thiết. Do đó, thị xã Sơn Tây cũng như các ban, ngành liên quan cần sớm thông qua quy hoạch làng cổ, đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án giãn dân. Giải quyết nhu cầu cuộc sống của người dân chính là cách bảo tồn di sản một cách vững bền.
Theo Nhandan
Ý kiến ()