Bảo đảm đủ nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán
Thị trường Tết Nguyên đán năm nay được dự báo không mấy khả quan khi sức mua trên thị trường khó có thể tăng mạnh do tình hình kinh tế khó khăn. Tuy nhiên đến thời điểm này, các địa phương, doanh nghiệp (DN) đã cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị, dự trữ hàng hóa cũng như triển khai các biện pháp bình ổn giá cả, thị trường dịp Tết nhằm không để xảy ra tình trạng khan hàng, "sốt" giá.
Thị trường Tết Nguyên đán năm nay được dự báo không mấy khả quan khi sức mua trên thị trường khó có thể tăng mạnh do tình hình kinh tế khó khăn. Tuy nhiên đến thời điểm này, các địa phương, doanh nghiệp (DN) đã cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị, dự trữ hàng hóa cũng như triển khai các biện pháp bình ổn giá cả, thị trường dịp Tết nhằm không để xảy ra tình trạng khan hàng, “sốt” giá.
Hoàn tất kế hoạch phục vụ Tết
Phó Tổng Giám đốc thường trực Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro) Nguyễn Tiến Vượng cho biết, năm nay Hapro chỉ chuẩn bị tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ dự trữ phục vụ Tết khoảng 1.095 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết Quý Tỵ. Hàng hóa được Hapro chuẩn bị đưa ra thị trường trong dịp này tập trung vào các mặt hàng thực phẩm truyền thống và thiết yếu như: giò, chả, bánh chưng, gà ta, thịt gia súc, gạo đặc sản, dầu ăn, nước mắm, rượu bia, bánh mứt kẹo, thủy hải sản, rau xanh, hoa quả đặc sản,…
Giống như Hapro, Công ty cổ phần thực phẩm Hữu Nghị dự kiến trong dịp Tết tiêu thụ 5.000 tấn bánh, kẹo các loại và đến nay, lượng hàng hóa đã tiêu thụ đạt hơn 30%. Theo Trưởng phòng Marketing Nguyễn Minh Ðức, DN cơ cấu lại sản phẩm theo hướng sản xuất những sản phẩm khác biệt và đây chính là lợi thế để DN cạnh tranh trên thị trường Tết năm nay. Những sản phẩm chủ lực của công ty như mứt thập cẩm, mứt gừng, giò bò, giò lụa, đùi lợn xông khói mang thương hiệu Tôn Ðản nổi tiếng từ thời bao cấp sẽ tiếp tục duy trì mức tiêu thụ ổn định.
Với Công ty bánh kẹo Hải Hà – Kotobuki, dự báo nhu cầu mua bánh kẹo dịp Tết 2014 chỉ tăng khoảng 10% đến 15% nên công ty tính toán chỉ tăng 10% sản lượng và từ tháng 10-2013 đã triển khai sản xuất hàng Tết. Tương tự, Công ty cổ phần Bibica tung ra thị trường khoảng 1.250 tấn bánh kẹo và sô-cô-la, tăng khoảng 10% so với năm ngoái. Ðặc biệt, năm nay Bibica chắt lọc những sản phẩm được khách hàng ưa chuộng đưa vào bán hàng Tết; không bán nhiều dòng sản phẩm như trước. Công ty bánh kẹo Kinh Ðô chuẩn bị lượng hàng Tết là 4.500 tấn bánh kẹo, tăng khoảng 20% so với năm trước.
Cùng nhận định sức mua dịp Tết năm nay khó tăng mạnh nhưng Trưởng phòng kinh doanh thời trang Công ty Thương mại Ðức Giang (Tổng công ty Ðức Giang) Phạm Hoàng Lan vẫn kỳ vọng có thể tranh thủ khai thác thị trường dịp này. Cùng với việc tham gia các hội chợ thời trang, hội chợ Xuân, ngay từ đầu quý IV-2013, Tổng công ty Ðức Giang đã triển khai sản xuất 25 mẫu sản phẩm mới như áo sơ-mi, quần âu, áo khoác nam, nữ với nhiều mức giá đa dạng, phù hợp từng phân khúc thị trường.
Tại TP Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc Sở Công thương Lê Ngọc Ðào cho biết, đến nay các DN trong chương trình bình ổn thị trường đã cơ bản hoàn thành kế hoạch cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Giáp Ngọ 2014 với khả năng cung ứng tăng bình quân 114% so kế hoạch thành phố giao và tăng 69,4% so kết quả thực hiện Tết Quý Tỵ 2013. Trong đó, nhiều mặt hàng được chuẩn bị với khối lượng lớn, chi phối từ 30% đến 60% nhu cầu thị trường như dầu ăn (61,5%), thịt gia cầm (66%), trứng gia cầm (47,8%), thịt gia súc (32,2%). Hiện nay, xu hướng tiêu dùng đã có sự thay đổi, mặt hàng rau, củ, quả chiếm phần lớn khẩu phần nên khối lượng chuẩn bị các mặt hàng này dự kiến tăng hơn 150% so cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh chương trình bình ổn giá, tại ba chợ đầu mối của TP Hồ Chí Minh, lượng hàng hóa về chợ bình quân đạt hơn tám nghìn tấn/ngày, vào thời điểm cận Tết Giáp Ngọ 2014, con số này sẽ tăng từ 50% đến 70%. Ðến nay, các chợ đầu mối đã hoàn tất kế hoạch phục vụ Tết Giáp Ngọ. Còn hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn cũng đã cơ bản chuẩn bị xong lượng hàng hóa Tết, trong đó những nhóm hàng hóa thiết yếu tăng từ hai đến ba lần so với tháng bình thường.
Tại Ðà Nẵng, theo Phó Giám đốc Sở Công thương Lữ Bằng, năm nay có 20 doanh nghiệp đăng ký tham gia bán hàng bình ổn phục vụ Tết Nguyên đán, niêm yết công khai giá bán thấp hơn 5 đến 15% so với giá thị trường. Công ty Vissan chi nhánh Ðà Nẵng tổ chức đợt bán hàng lưu động bình ổn giá phục vụ nhân dân trên địa bàn TP Ðà Nẵng từ ngày 16 đến 29-1-2014. Công ty TNHH thương mại Ðắc Vinh tổ chức 15 điểm bán thịt heo bình ổn cố định và lưu động. Năm nay, tham gia bình ổn thị trường có thêm đơn vị mới như Công ty TNHH Thái An, chuyên phục vụ hải sản tươi sống tại 13 điểm chợ… Phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân miền núi và công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, từ ngày 21 đến 23-1-2014, siêu thị Co.opmart tổ chức 10 chuyến bán hàng lưu động với các mặt hàng như bánh, mứt, kẹo, nước giải khát, thuốc lá, đường kính, bột ngọt, mì ăn liền…
Mở rộng hệ thống phân phối
Bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa là yêu cầu đầu tiên để thực hiện bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán. Mặc dù năm nay, các DN đều chuẩn bị lượng hàng hóa phục vụ Tết dồi dào, đa dạng, phong phú về chủng loại và mẫu mã… nhưng giá cả hàng hóa vẫn có thể diễn biến khó lường. Do Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán chỉ cách nhau một tháng, cho nên theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, dự báo sức mua sẽ tăng mạnh vào thời điểm giáp Tết, lượng hàng hóa tiêu thụ sẽ tăng khoảng 20% so với Tết Quý Tỵ, vì thế giá cả một số mặt hàng thiết yếu sẽ tăng nhẹ vào những ngày cận Tết. Tuy nhiên, với những mặt hàng nằm trong Chương trình bình ổn thị trường Tết Giáp Ngọ, giá bán được bảo đảm ổn định, không tăng trong hai tháng Tết. Bên cạnh đó, các DN tham gia Chương trình sẽ có kế hoạch giảm giá, khuyến mãi trong tháng Tết, các hệ thống phân phối với nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá từ 5% đến 49%…; đồng thời, sẽ thực hiện giảm giá sâu một số mặt hàng thiết yếu như trứng gia cầm, thịt gia cầm, thịt gia súc vào các ngày cận Tết.
Tại Ðà Nẵng, sau khi bị hai cơn bão lớn và mưa lũ kéo dài, thời điểm cuối năm, nhiều mặt hàng trở nên khan hiếm và bắt đầu tăng giá. Biến động lớn nhất là mặt hàng rau xanh, củ quả, thịt gia súc, gia cầm. Phó Giám đốc Công ty Quản lý hội chợ triển lãm và các chợ Ðà Nẵng Mai Phước Ba nhận định: Người dân sẽ tập trung mua sắm vào dịp cận Tết hơn vì Tết đến khá sớm. Hiện tại, giá nhiều mặt hàng thiết yếu, nhất là rau xanh, trái cây, thịt các loại… đều tăng so với trước từ 5% đến 15%. Bà Phan Thị Diệp, chủ sạp trái cây ở chợ Ðống Ða (Ðà Nẵng) cho biết: Trái cây hầu hết phải nhập từ phía bắc và phía nam cho nên giá cao hơn, còn các loại trái cây của địa phương như chuối, đu đủ… gần như không có. Nguyên nhân chính là do bão lũ liên miên làm cây bị gãy đổ, hư hại rất lớn. Ðể bảo đảm kiểm soát giá cả, thị trường, lãnh đạo Sở Công thương Ðà Nẵng đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường (QLTT) tăng cường kiểm tra các khâu lưu thông, phân phối, trong đó tập trung kiểm tra tại các chợ, siêu thị, các điểm kinh doanh phải niêm yết giá đồng bộ, bán hàng hóa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Không lợi dụng “cầu tăng” mà đưa hàng hóa kém chất lượng vào, hoặc găm hàng để cố tình tăng giá. Từ ngày 18-12, lực lượng QLTT ra quân xử lý việc vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm trái phép trên địa bàn. Từ ngày 1-1-2014, phòng Quản lý thương mại sẽ cử cán bộ xuống tất cả các địa bàn, cùng với quận, huyện rà soát tình hình thị trường, kịp thời điều chỉnh cân đối cung cầu hàng hóa…
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, DN cũng khó có thể tăng giá bán sản phẩm. Vì vậy, nhiều DN đã tìm cách đẩy mạnh bán hàng qua tất cả các kênh phân phối nhằm tăng sản lượng tiêu thụ. Trên địa bàn TP Hà Nội từ ngày 10-12 vừa qua, Hapro đã tổ chức bán hàng Tết tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích Hapromart, cửa hàng kinh doanh rau và thực phẩm an toàn Haprofood, hệ thống cửa hàng chuyên doanh (thời trang, kim khí điện máy), hệ thống cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát… Bắt đầu từ ngày 17-1-2014, Hapro cũng khai trương các gian hàng ngoài trời theo mô hình Quầy hàng Tết phục vụ nhu cầu mua sắm nhanh của người tiêu dùng dịp Tết. Ngoài ra, Hapro còn tổ chức các điểm kinh doanh theo mô hình “Chợ Tết” với bốn điểm bán Chợ Tết có quy mô từ 1.000 m2 đến 2.000 m2 tại các huyện ngoại thành Hà Nội như: Thạch Thất, Sóc Sơn, Thường Tín, Từ Liêm. Hình thức bán hàng lưu động cũng được Hapro đẩy mạnh với kế hoạch thực hiện 99 chuyến bán hàng lưu động đưa hàng về các khu công nghiệp, khu chế xuất, các huyện ngoại thành trên địa bàn Thủ đô…
Phát triển các kênh phân phối đa dạng cũng là giải pháp để hạn chế việc tăng giá hàng hóa. TP Hồ Chí Minh chú trọng mở rộng các điểm bán hàng, phấn đấu phát triển thêm 371 điểm bán hàng bình ổn; thực hiện 665 chuyến bán hàng lưu động. Tháng cao điểm Tết thực hiện hơn 200 chuyến bán hàng, trong đó có 60 chuyến bán hàng lưu động phục vụ công nhân không có điều kiện về quê ăn Tết. Cùng với đó, phối hợp Sở Giao thông vận tải cấp giấy phép lưu thông 24/24 giờ cho các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường để cung ứng hàng hóa kịp thời tới các điểm bán. Nhằm bảo đảm cung ứng hàng hóa Tết, các siêu thị tham gia bình ổn thị trường sẽ phục vụ khách hàng, từ ngày 20 tháng Chạp đến 26 tháng Chạp năm Quý Tỵ sẽ mở cửa từ 7 giờ đến 23 giờ hằng ngày, từ ngày 27 tháng Chạp đến 29 tháng Chạp năm Quý Tỵ mở cửa từ 6 giờ sáng đến 24 giờ, riêng ngày 30 Tết mở cửa từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa, sáng mồng 2 Tết năm Giáp Ngọ mở cửa bán hàng từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa, ngày mồng 5 và mồng 6 Tết trở lại hoạt động kinh doanh bình thường.
Theo Nhandan
Ý kiến ()