Bảo đảm đủ nguồn hàng phục vụ Tết
Bộ Công thương cho biết, đến nay có 45 tỉnh, thành phố trong cả nước cơ bản đã dự trữ đủ nguồn hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu Tết Giáp Ngọ, nguồn cung khá dồi dào. Trong điều kiện thời tiết thuận lợi và không có biến cố lớn về dịch bệnh thì cơ bản các mặt hàng thực phẩm thiết yếu đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Các mặt hàng thịt lợn hơi, thịt gia cầm, thịt trâu, bò, kể cả nhập khẩu cơ bản đáp ứng nhu cầu. Các mặt hàng khác như thực phẩm, thực phẩm chế biến sẵn, đồ uống, bánh mứt kẹo các loại cũng được dự trữ đủ nguồn hàng.
Thị trường Hà Nội dự báo nhu cầu hàng hóa thiết yếu có thể tăng 15 đến 18% so với những tháng thông thường. Các doanh nghiệp lớn trên địa bàn đã dự trữ một lượng hàng hóa phục vụ Tết trị giá hơn 630 tỷ đồng. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ trong tháng Tết Giáp Ngọ khoảng 38 nghìn tỷ đồng. TP Hồ Chí Minh đã chuẩn bị nguồn hàng cho hai tháng trước và sau Tết với tổng trị giá lên tới hơn 7.000 tỷ đồng, tăng từ 20 đến 30% so với cùng kỳ năm trước. Thành phố cũng chủ động chuẩn bị hàng trăm chuyến xe bán hàng lưu động, bảo đảm bình ổn, không để tình trạng thiếu hàng.
Theo dự báo, trong dịp Tết Nguyên đán nhu cầu một số mặt hàng tươi sống có khả năng tăng hơn so với ngày thường từ 10 đến 15%, những ngày cận Tết có thể tăng tới 15 đến 20%. Các tỉnh miền trung lại ảnh hưởng của những đợt bão lụt vừa qua, các tỉnh miền núi phía bắc đang chịu đợt rét bất thường, ảnh hưởng lớn sản xuất nông nghiệp, có thể xảy ra tình trạng khan hiếm cục bộ ở một số địa phương. Do vậy, các doanh nghiệp cần chủ động dự trữ, cân đối nguồn hàng.
Bộ Công thương đã phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có nhiều biện pháp chuẩn bị, cân đối nguồn hàng thực phẩm phục vụ Tết, bảo đảm không có biến động và khan hiếm hàng. Trước đây, phần lớn hiện tượng khan hàng, sốt giá là do đầu cơ, găm hàng để trục lợi như đợt “sốt” giá thịt lợn, hay “sốt” giá trứng năm ngoái. Vì thế, Bộ Công thương và các địa phương đã chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó kịp thời các hiện tượng khan hàng ảo; đôn đốc các doanh nghiệp lớn tăng cường sản xuất, chủ động nguồn hàng. Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời. Thực hiện các chính sách hỗ trợ đưa hàng hóa về khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, các khu công nghiệp… phục vụ tốt nhu cầu mua sắm trong dịp Tết của bà con.
Càng gần Tết là thời điểm gia tăng các hành vi buôn lậu, các hành vi cung ứng cho thị trường hàng giả, hàng quá “đát”, kém chất lượng, mất vệ sinh an toàn thực phẩm với các thủ đoạn hết sức tinh vi, như cho rau “bẩn” tuồn vào các siêu thị đội lốt “rau an toàn”, gà thải đội lốt gà đồi… Vì vậy, các lực lượng chức năng như quản lý thị trường, công an, thuế… phối hợp chặt chẽ công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, có các biện pháp ổn định giá. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn kịp thời hoạt động buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, gian lận thương mại.
Theo Nhandan
Ý kiến ()