Bảo đảm đời sống đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức
Theo thống kê chưa đầy đủ, hơn hai năm qua, hàng chục nghìn nhân sự khu vực công đã làm đơn thôi việc, trong đó có nguyên nhân do thu nhập thấp, tập trung ở các lĩnh vực y tế, giáo dục. Theo các chuyên gia, chính sách tiền lương hiện tại chưa tiến kịp với sự gia tăng của giá cả, chưa tương xứng với giá trị sức lao động, chất xám họ bỏ ra. Kèm theo đó: chính sách đãi ngộ chưa hấp dẫn, cơ hội thăng tiến thấp nhưng áp lực công việc lại cao, là những nguyên nhân gây ra tình trạng trên.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) |
Việc đội ngũ công chức, viên chức từ bỏ công việc hiện tại, tìm kiếm một công việc khác ở khu vực tư, với mức lương thỏa đáng, kèm theo những đãi ngộ về cơ sở vật chất, cơ hội học tập và thăng tiến. Thực tế này đòi hỏi cần có những hành động quyết liệt hơn trong thực hiện cải cách tiền lương thời gian tới, để cán bộ, công chức, viên chức ở khu vực công yên tâm công tác cũng như bảo đảm cuộc sống của họ và gia đình.
Theo Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII ban hành ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, cơ cấu tiền lương mới sẽ được kết cấu lại. Trong đó, lương cơ bản chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương và các khoản phụ cấp chiếm khoảng 30%; bảng lương mới cũng được xây dựng theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ.
Thực tế, lần điều chỉnh tăng lương cơ sở gần nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức từ 1/7/2019. Theo đó, mức lương cơ sở từ 1.390.000 đồng được điều chỉnh lên mức 1.490.000 đồng. Trong 10 năm qua, mức lương cơ sở áp dụng với các đối tượng này tăng 440 nghìn đồng, từ 1.050.000 đồng đến 1.490.000 đồng, cho thấy thực trạng thu nhập của đội ngũ này đang rất thấp. Hiện tại, lương tối thiểu vùng áp dụng với khu vực doanh nghiệp từ 3,35 đến 4,68 triệu đồng/tháng.
Trong khi ở khu vực công, người có bằng đại học với lương tập sự khởi điểm chỉ hơn 2,96 triệu đồng/tháng (85% mức lương cơ sở khởi điểm, hệ số 2.34). Bất cập không chỉ trong thiết kế hệ thống thang bảng lương, mức lương, mà còn ở các loại phụ cấp theo lương. Hiện tại có rất nhiều loại phụ cấp chưa hợp lý. Việc lương chính thấp hơn hoặc bằng phụ cấp khiến không phân định rõ được bản chất của tiền lương, không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương.
Các chuyên gia cho rằng, hiện tại dịch bệnh đã được kiểm soát, kinh tế đang phục hồi, cần phải tập trung lại việc cải cách tiền lương, từ đó giải quyết vấn đề thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức. Trước tình hình nhiều cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, Bộ Nội vụ cho rằng cần chủ động nắm bắt tình hình, làm rõ nguyên nhân để có giải pháp hoàn thiện thể chế chính sách. Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu các cấp có thẩm quyền để triển khai thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW vào thời điểm phù hợp.
Ðể cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục an tâm, tin tưởng vào đường lối chủ trương của Ðảng, chính sách của Nhà nước, tiếp tục cống hiến trí tuệ, sức lao động, các ngành, địa phương, cần quan tâm, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhất là đội ngũ cấp cơ sở; cải thiện môi trường làm việc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, cạnh tranh lành mạnh, tạo cơ hội phát triển, gắn kết, gắn bó, ổn định của đội ngũ này.
Các cơ quan cần có chính sách hỗ trợ kịp thời đối với cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý có năng lực, uy tín nhằm tổ chức tốt công việc, tạo niềm tin, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức làm việc; Bộ quản lý ngành, lĩnh vực có trách nhiệm tham mưu, hoàn thiện các quy định về xã hội hóa, định mức kinh tế, kỹ thuật, định mức chi phí làm cơ sở ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước… làm cơ sở để bộ, ngành, địa phương phê duyệt phương án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.
Ðổi mới công tác bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, tạo cơ hội, điều kiện phát triển, nhất là cán bộ trẻ; khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức được tham gia học tập nâng cao trình độ, năng lực làm việc thông qua các chương trình, dự án đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước và nước ngoài một cách thiết thực, cụ thể, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Quy hoạch, xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi, có cơ chế, chính sách thỏa đáng, làm cơ sở định hướng phát triển chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tiếp tục đổi mới lề lối làm việc, cải cách hành chính; đẩy nhanh chuyển đổi số trong hoạt động công vụ và cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.
Ý kiến ()