Bảo đảm công bằng trong các trường công lập
Giờ thực hành môn Vật lý tại Trường THPT Việt Đức (Hà Nội). Ảnh: TRẦN HẢI |
Dư luận lo ngại rằng nếu thông tư được thông qua sẽ tạo sự không công bằng giữa các học sinh trong cùng một trường, khi chỉ có một số nhóm, lớp thu phí chất lượng giáo dục cao.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Giáo sư Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng GD và ĐT chia sẻ: Đảng ta đã đề ra việc xây dựng một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Trong dân chủ có nhiều ý nghĩa nhưng vận dụng vào nhà trường thì tối thiểu phải bảo đảm được công bằng cho tất cả học sinh. Trong cùng một trường học, giữa các học sinh không nên có sự khác biệt về điều kiện học tập vì như vậy sẽ tạo ra một môi trường không bình đẳng trong nhà trường. Quan trọng là nhà trường cần tạo ra một sự công bằng để ngay từ nhỏ, học sinh đã có tư tưởng tiến bộ của một Nhà nước phấn đấu dân chủ, công bằng, văn minh, của một nhà trường dân chủ, nhân văn và nhân ái. Bên cạnh đó, dù mức thu học phí bảo đảm chi phí thực hiện chất lượng giáo dục cao không vì mục đích lợi nhuận, nhưng học phí chất lượng giáo dục cao được sử dụng để bù đắp các khoản chi thù lao giáo viên hoặc chuyên gia tham gia giảng dạy. TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội cho rằng, dự thảo thông tư quy định này không chỉ tạo ra sự ứng xử khác nhau giữa học sinh con nhà giàu và học sinh con nhà nghèo, mà còn tạo bất bình đẳng giữa các giáo viên trong trường. Sẽ dẫn đến thu nhập của giáo viên lớp chất lượng cao sẽ khác thu nhập của giáo viên lớp bình thường.
Hiện nay, nhiều người quan niệm sai rằng cứ chất lượng cao đồng nghĩa với cơ sở vật chất tốt, mà không nghĩ rằng chính người thầy và chương trình là yếu tố quyết định. TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: Việc áp dụng chất lượng giáo dục cao trong trường chỉ có thể thành công khi đội ngũ giáo viên được đào tạo lại bằng những phương pháp giáo dục tiên tiến phù hợp chương trình mới đưa ra. Mặt khác, theo Giáo sư Phạm Minh Hạc, cơ sở vật chất rất cần thiết nhưng chúng ta không nên đặt quá nặng vào vấn đề đó. Bởi vì cơ sở vật chất chưa phải là yếu tố quyết định, nhất là ở cấp tiểu học. Cơ sở vật chất không có khả năng thay đổi chất lượng dạy học của nhà trường. Chất lượng dạy học trước hết phụ thuộc vào giáo viên, nhất là ở cấp tiểu học. Người thầy là người dẫn dắt học sinh đi tới những tri thức, tìm ra những chân lý. Cơ sở vật chất chỉ là phương tiện hỗ trợ, vai trò của người thầy mới là yếu tố quyết định, nếu không chăm sóc đội ngũ nhà giáo mà chỉ coi trọng điều kiện vật chất thì chúng ta không thể bảo đảm chất lượng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Thông tư quy định về học phí chất lượng giáo dục cao trong các trường mầm non, phổ thông công lập nếu được ban hành, chỉ nên thực hiện tại một số trường độc lập, không nên thực hiện xen kẽ giữa các lớp trong một trường, bởi làm như vậy sẽ tạo sự phân biệt giàu – nghèo giữa các học sinh trong cùng một mái trường công lập như hiện nay.
Ý kiến ()