Bảo đảm công bằng, minh bạch trong chấm thi tự luận môn Ngữ văn
Để bảo đảm kết quả chấm thi tự luận chính xác, khách quan, Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh, thành đều yêu cầu cán bộ chấm thi tuân thủ quy trình chấm theo đúng Quy chế thi do Bộ Giáo dục-Đào tạo ban hành.
Các thí sinh làm bài thi môn Ngữ văn tại điểm thi trường Trung học phổ thông Trưng Vương, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)
Đến thời điểm này, công tác chấm thi tự luận môn Ngữ văn tại nhiều Hội đồng thi trên cả nước cơ bản đã hoàn tất; trong đó, ghi nhận thí sinh đạt điểm 10 tuyệt đối ở môn thi này; một số thí sinh đạt 9,75 và 9,25 điểm.
Tuy nhiên, điểm thi chính thức của các thí sinh sẽ được các địa phương đồng loạt công bố vào ngày 26/7 tới, sau khi các Hội đồng thi hoàn tất quy trình chấm thi, đối sánh kết quả và gửi dữ liệu về Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Để bảo đảm kết quả chấm thi tự luận chính xác, khách quan, Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố đều yêu cầu cán bộ chấm thi tuân thủ quy trình chấm theo đúng Quy chế thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Theo Quy chế, bài thi tự luận được chấm hai vòng độc lập bởi hai cán bộ chấm thi của hai tổ. Trước khi cho cán bộ chấm thi bốc thăm túi bài thi sẽ chấm, mỗi tổ tổ chức chấm chung ít nhất 10 bài.
Ở lần chấm thứ nhất, cán bộ kiểm tra từng bài, đảm bảo đủ số tờ, số phách và gạch chéo những phần giấy trắng còn thừa do thí sinh không viết hết trên giấy thi. Nếu phát hiện bài thi không đủ số tờ, phách hoặc thí sinh làm bài trên giấy nháp, viết bằng hai màu mực, xuất hiện nét chữ của hai người cùng những bất thường khác, cán bộ chấm thi phải báo cáo và giao những bài này cho tổ trưởng chấm thi, sau đó trình trưởng môn chấm thi xử lý.
Khi chấm lần một, ngoài những nét gạch chéo trên phần giấy còn thừa, cán bộ chấm không được phép ghi ký hiệu gì lên bài làm của thí sinh. Điểm thành phần, các nhận xét và điểm toàn bài được ghi trên phiếu chấm, ghi rõ họ tên và chữ ký của cán bộ chấm thi.
Trong lần hai, việc chia các túi bài thi cũng thực hiện theo hình thức bốc thăm, đảm bảo không giao lại túi bài đã chấm cho chính người đã chấm lần đầu. Cán bộ chấm thi lần hai trực tiếp ghi điểm thành phần, điểm toàn bài vào bài làm của thí sinh và trên phiếu chấm.
Trong trường hợp điểm toàn bài hoặc điểm thành phần lệch nhau dưới 1,0 điểm, hai cán bộ chấm thi thảo luận thống nhất điểm, cán bộ chấm thi lần thứ hai ghi điểm, hai cán bộ chấm thi cùng ký và ghi rõ họ tên vào tất cả tờ giấy làm bài thi của thí sinh.
Trường hợp điểm toàn bài hoặc điểm thành phần chấm lệch nhau từ 1,0-1,5 điểm, hai cán bộ chấm thi thảo luận và phải ghi lại biên bản, báo cáo trưởng môn chấm thi để thống nhất điểm; cán bộ chấm thi lần thứ hai ghi điểm; hai cán bộ chấm thi cùng ký và ghi rõ họ tên vào tất cả tờ giấy làm bài của thí sinh.
Nếu hai cán bộ chấm thi không thống nhất được điểm, trưởng môn chấm thi lập biên bản quyết định điểm, ghi điểm và cùng hai cán bộ chấm thi ký, ghi rõ họ tên vào tất cả tờ giấy làm bài của thí sinh.
Trong trường hợp điểm toàn bài hoặc điểm thành phần lệch nhau trên 1,5 điểm, trưởng môn chấm thi tổ chức chấm lần thứ ba trực tiếp vào bài thi của thí sinh bằng màu mực khác.
Đối với việc xử lý kết quả 3 lần chấm, nếu kết quả 2 trong 3 lần giống nhau, Trưởng môn chấm thi lấy điểm giống nhau làm điểm chính thức, rồi ghi điểm, ghi rõ họ tên và ký vào tất cả các tờ giấy làm bài của thí sinh.
Nếu kết quả 3 lần chấm lệch nhau lớn nhất, đến 2,5 điểm, Trưởng môn chấm thi lấy điểm trung bình cộng của 3 lần chấm làm điểm chính thức, rồi ghi điểm, ghi rõ họ tên và ký vào tất cả các tờ giấy làm bài của thí sinh.
Nếu kết quả 3 lần chấm lệch nhau lớn nhất, trên 2,5 điểm, Trưởng môn chấm thi tổ chức chấm tập thể. Các cán bộ chấm thi và Trưởng môn chấm thi ghi rõ họ tên và ký vào tất cả các tờ giấy làm bài thi của thí sinh. Điểm chấm lần này là điểm chính thức của bài thi.
Trong quá trình kiểm tra công tác chấm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021 tại một số địa phương, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, Trưởng ban Ban chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021 đặc biệt nhấn mạnh việc chấm tự luận phải chắc chắn, đều tay. Cán bộ chấm thi cần nắm rõ đáp án và hướng dẫn chấm để cho điểm những bài làm sáng tạo, bảo đảm quyền lợi cho thí sinh.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ: từ nhiều năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều lưu ý các địa phương chọn giáo viên có năng lực, kinh nghiệm, cũng như tinh thần trách nhiệm để chấm bài thi tự luận khách quan, công bằng nhất. Bởi khác các môn trắc nghiệm, với môn Ngữ văn, ngoài hướng dẫn, đáp án thi còn có yếu tố phụ thuộc vào cảm quan của người chấm.
Do đó, đối với chấm thi tự luận, phải tổ chức thảo luận đáp án chung trước khi chấm và phải tổ chức chấm 2 vòng độc lập theo đúng quy định của quy chế, đồng thời tổ chức chấm kiểm tra với số lượng tối thiểu là 5% số bài thi. Trong đó, những bài điểm cao, những bài có độ chênh lớn giữa 2 vòng chấm, những bài có dấu hiệu bất thường đều phải mang ra chấm kiểm tra./.
Ý kiến ()