Bảo đảm chất lượng và số lượng người ứng cử ở đơn vị bầu cử
Theo quy định của pháp luật về bầu cử, chậm nhất ngày 17-4-2016, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phải tiến hành xong Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để Hội đồng Bầu cử quốc gia (BCQG), Ủy ban bầu cử các cấp lập, công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu QH, đại biểu HĐND theo từng đơn vị bầu cử.
Việc lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử phải được tiến hành xong, chậm nhất vào ngày 27-4. Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu QH, đại biểu HĐND các cấp phải ghi rõ họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quê quán, nơi thường trú, dân tộc, tôn giáo, trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp, chức vụ, nơi công tác của người ứng cử. Danh sách những người ứng cử đại biểu QH, đại biểu HĐND theo từng đơn vị bầu cử được xếp theo vần chữ cái A, B, C…
Nhằm bảo đảm dân chủ trong bầu cử và ứng cử, pháp luật về bầu cử quy định số lượng người ứng cử ở mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử đó.
Theo đó, đối với đơn vị bầu cử đại biểu QH, số lượng người ứng cử ở mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử đó ít nhất là hai người. Đối với đơn vị bầu cử đại biểu HĐND các cấp thì số người trong danh sách ứng cử đại biểu HĐND ở mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử đó; nếu đơn vị bầu cử được bầu ba đại biểu thì số người trong danh sách ứng cử phải nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu ít nhất là hai người. Nếu đơn vị bầu cử được bầu từ bốn đại biểu trở lên thì số người trong danh sách ứng cử phải nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu ít nhất ba người.
Việc lập và công bố danh sách những người ứng cử phải bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật về bầu cử. Tuy nhiên, trong trường hợp bất khả kháng được hiểu là sau khi Ủy ban bầu cử công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu QH, HĐND ở đơn vị bầu cử đến trước khi niêm yết danh sách những người ứng cử mà người ứng cử đại biểu QH, HĐND (qua đời, vi phạm pháp luật,… không thể tiếp tục ứng cử theo quy định của pháp luật) thì Hội đồng BCQG sẽ xem xét, quyết định số lượng người ứng cử ở đơn vị bầu cử đại biểu QH.
Đối với đơn vị bầu cử đại biểu HĐND các cấp thì Ủy ban bầu cử sau khi thống nhất với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cùng cấp quyết định theo một trong các hình thức sau đây: (1) Quyết định giữ danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND còn lại khi số dư người ứng cử vẫn bảo đảm theo quy định của pháp luật; (2) Quyết định bổ sung người có số phiếu tín nhiệm cao nhất và đạt từ 50% số phiếu tín nhiệm trở lên trong số những người còn lại trong danh sách những người ứng cử được xem xét tại Hội nghị hiệp thương lần thứ ba khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau (số dư người ứng cử ở đơn vị bầu cử không bảo đảm theo quy định của pháp luật; trong danh sách hiệp thương lần thứ ba còn có người ứng cử đạt hơn 50% số phiếu tín nhiệm trở lên; thời gian để bổ sung phải còn ít nhất là hai ngày tính đến trước khi Ủy ban bầu cử niêm yết danh sách chính thức những người ứng cử); (3) Quyết định giảm số đại biểu HĐND được bầu ở đơn vị bầu cử để bảo đảm số dư theo quy định của pháp luật nếu không có quyết định (1) hoặc (2).
Có thể khẳng định rằng, đại biểu QH, đại biểu HĐND các cấp được cử tri bầu trong số những người ứng cử được lập danh sách chính thức ở đơn vị bầu cử. Ở đây không có số “dư” người ứng cử mà chỉ có số lượng người ứng cử phải nhiều hơn số đại biểu được bầu đã được các cơ quan có thẩm quyền ấn định.
Do đó, vấn đề đặt ra ở đây là phải bảo đảm chất lượng của người ứng cử trong đơn vị bầu cử ngoài việc bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn theo luật định. Cùng với đó, cần bảo đảm sự đồng đều về chất lượng giữa những người ứng cử để khi cử tri lựa chọn, bầu bất kỳ người nào, nam hay nữ, trẻ tuổi hay ngoài Đảng, là người dân tộc thiểu số… những người ứng cử làm người đại diện cho mình tham gia QH, HĐND các cấp đều là người xứng đáng.
Ở mỗi Ban bầu cử sẽ thành lập một đơn vị bầu cử tương ứng. Theo báo cáo của Văn phòng Hội đồng BCQG, tính đến ngày 12-4-2016, cả nước có 184 Ban bầu cử đại biểu QH để bầu 500 đại biểu QH; 1.096 Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh để bầu 3.919 đại biểu HĐND cấp tỉnh ; 6.721 Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện để bầu 21.949 đại biểu HĐND cấp huyện và 79.998 Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp xã để bầu 263.144 đại biểu HĐND cấp xã. |
Theo Nhandan
Ý kiến ()