Đông đảo du khách chiêm ngưỡng các mô hình đèn Trung thu 2019. |
Trong thời gian diễn ra Lễ hội Thành Tuyên, hầu hết các cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố Tuyên Quang đều đa dạng hóa các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Tuy nhiên, điều khác biệt ở đây so với nhiều nơi khác là không có sự tăng giá hay “chặt chém” khách hàng, chất lượng vẫn được đảm bảo. Bà Âu Thị Mai, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, sở đã thành lập đoàn kiểm tra hoạt động của các cơ sở văn hóa, cơ sở lưu trú bảo đảm nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ của du khách về dự Lễ hội Thành Tuyên và Liên hoan trình diễn văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019. Sở khuyến cáo các cơ sở lưu trú không tăng giá dịch vụ, tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Tuyên Quang có hơn 180 cơ sở lưu trú, nhà hàng, quán ăn. Từ đầu tháng 8 âm lịch vào dịp cuối tuần các cơ sở lưu trú đều kín phòng. Qua kiểm tra của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, các cơ sở lưu trú, cơ sở văn hóa thực hiện tốt các quy định về phòng cháy, chữa cháy, không tăng giá dịch vụ; các phòng nghỉ có đầy đủ tiện nghi như máy lạnh, bình nóng lạnh, tủ lạnh, wifi, chăn ga gối đệm sạch đẹp. Nhiều khách sạn còn thực hiện “Góc du lịch” và bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên lễ tân về các nội dung liên quan đến Lễ hội Thành Tuyên, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh để cung cấp thông tin khi du khách yêu cầu.
Đông đảo khách du lịch đến TP Tuyên Quang dịp Lễ hội Thành Tuyên. |
Chị Bùi Thanh Tuyết, chủ khách sạn Vạn Tuế, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) cho biết, khách sạn của gia đình chị có 18 phòng, đến thời điểm này khách đã đặt hết phòng nghỉ, giá mỗi phòng dao động từ 500 đến 800 nghìn đồng, không đắt hơn ngày thường. Khách lưu trú chủ yếu đến từ Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh lân cận. Chị tìm đọc trên Báo Tuyên Quang về chương trình Lễ hội Thành Tuyên, các điểm du lịch hấp dẫn, các món ăn độc đáo để phổ biến cho đội ngũ nhân viên nắm bắt, hướng dẫn kịp thời cho khách du lịch. Theo chị, mỗi nhân viên lễ tân phải là “đại sứ du lịch”, đây là yếu tố quan trọng để tạo ấn tượng với du khách.
Các khách sạn, nhà hàng trên địa bàn thành phố xây dựng “Góc du lịch” giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc sắc của Tuyên Quang đến với du khách về dự Lễ hội Thành Tuyên. Tiêu biểu là Nhà khách Kim Bình, khách sạn Mai Sơn, khách sạn Mường Thanh… Chị Nguyễn Thu Hiền, chủ khách sạn Mai Sơn, phường Tân Quang cho biết, chị đã đặt mua các sản phẩm nông sản đặc sản của Tuyên Quang như mật ong, bưởi, hồng, chè và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ giới thiệu ngay tại sảnh tầng 1 của khách sạn. Hoạt động này không chỉ tạo thuận lợi cho khách nghỉ dưỡng mua hàng mà còn là dịp để quảng bá đặc sản xứ Tuyên đến với du khách.
Khách sạn Mai Sơn, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) đón tiếp khách du lịch. |
Thời gian này, khách du lịch nghỉ dưỡng tại thành phố Tuyên Quang rất đông làm gia tăng nhu cầu ăn uống, nghỉ dưỡng. Hầu hết các nhà hàng đều hoạt động hết công suất để phục khách du lịch một cách tốt nhất. Anh Nguyễn Văn Minh, chủ nhà hàng Biển Đông, tổ 16, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) phấn khởi cho biết, khoảng 10 ngày nay, nhà hàng lúc nào cũng tấp nập khách đến ăn uống, chủ yếu là khách về trải nghiệm Lễ hội Thành Tuyên.
Ngoài các đặc sản của Tuyên Quang như cá sông Lô, cá lòng hồ Na Hang, anh còn tìm mua gà sạch Mỹ Bằng (Yên Sơn) và gà đen của đồng bào dân tộc thiểu số ở các miền quê trong tỉnh phục vụ khách. Nhiều người còn đặt mua gà để mang về biếu người thân, anh liên kết với người chăn nuôi để cung ứng theo nhu cầu của khách hàng. Anh Minh cho biết, dẫu khách đông nhưng anh yêu cầu đội ngũ đầu bếp, nhân viên phải thực hiện đúng các quy định an toàn thực phẩm, dụng cụ chế biến sạch sẽ, tạo ấn tượng với khách du lịch.
Mùa lễ hội nở rộ các dịch vụ “ăn theo” như trông giữ xe, bán đồ chơi trẻ em và các dịch vụ khải khát đường phố… Đây là cơ hội có thêm việc làm, tăng thu nhập cho không ít người.
Du khách trải nghiệm Lễ hội Thành Tuyên đều hài lòng với các dịch vụ ăn nghỉ tại thành phố thơ mộng bên dòng Lô lịch sử. Chị Nguyễn Cẩm Tú, quận Đống Đa (Hà Nội) bày tỏ niềm vui khi được chứng kiến một lễ hội độc đáo nhất mà chị từng biết. Chị bảo, cuối tuần, gia đình chị thường đi thăm thú nhiều nơi, Tuyên Quang được gia đình chị lựa chọn vào dịp Tết Trung thu hàng năm, bởi gần Hà Nội và điều kiện ăn nghỉ ở đây tương đối tốt, giá cả hợp lý. Chị thích nhất là gà ta, rau rừng… Chị đặt luôn cửa hàng ăn mua hộ rau bò khai, rau dớn làm quà biếu người thân, bạn bè.
Lễ hội Thành Tuyên đã trở thành thương hiệu của Tuyên Quang không chỉ bởi các mô hình độc đáo mà ở đó còn gắn với nhiều dịch vụ hấp dẫn, những đặc sản xứ Tuyên được du khách lựa chọn. Đây là cơ hội lớn để du lịch xứ Tuyên “cất cánh”, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Ý kiến ()