tle=”Click vào để xem ảnh phóng to” rel=””> amesmall” src=”http://www.nhandan.com.vn/media/k2/items/cache/2042/4a76348cb23f9f6c6219be9ac3ecf96e_L.jpg” border=”0″ alt=”Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Phiên họp.” /> Ngày 26-5, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Về tình hình kinh tế – xã hội tháng 5 và năm tháng qua, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cho biết: Năm tháng qua, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 49,94 tỷ USD, tăng 15,1%; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 51,86 tỷ USD, tăng 16,8% so cùng kỳ năm trước; nhập siêu khoảng 1,92 tỷ USD, bằng 3,85% tổng kim ngạch xuất khẩu; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện ước đạt 4,58 tỷ USD, tăng 1,6%; vốn đăng ký FDI ước đạt 8,52 tỷ USD, tăng 8,9% so cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 tăng 4,6% so tháng trước, tăng 6,7% so cùng kỳ năm trước. Tính chung năm tháng, IIP chỉ tăng 5,2% so cùng kỳ năm trước do IIP tăng chậm hơn ở những tháng đầu năm. Cả nước có hơn 31 nghìn DN đăng ký thành lập mới, tăng 4,8% so cùng kỳ năm trước với số vốn đăng ký 156,43 nghìn tỷ đồng. Số DN giải thể giảm 0,9% nhưng số DN tạm ngừng hoạt động tăng 13%. Tuy nhiên, cũng trong năm tháng qua, cả nước có khoảng 8.800 DN tạm ngừng hoạt động đã quay trở lại hoạt động…
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ dành nhiều thời gian thảo luận các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Ðình Dũng cho biết, ngoài việc đẩy mạnh bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hiện nay, Bộ đang tập trung mạnh vào cấu trúc lại các dự án bất động sản (BÐS), cơ cấu lại sản phẩm BÐS phù hợp nhu cầu của người thu nhập thấp, có nhu cầu thật sự về nhà ở. Cả nước có hơn 3.000 dự án đô thị, nhà ở, chủ yếu mới ở dạng đăng ký. Tồn kho BÐS chủ yếu đang nằm ở các dự án đang triển khai dở dang và những dự án này đang tích cực chuyển đổi, tạm dừng. Bộ Xây dựng chủ trương tháo gỡ khó khăn thị trường BÐS gắn với chiến lược phát triển nhà ở. Hiện có 56 dự án đã chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Báo cáo tình hình thực hiện đầu tư các dự án quốc lộ (QL) 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (QL 14), Bộ trưởng Giao thông vận tải Ðinh La Thăng kiến nghị Chính phủ tiếp tục báo cáo Quốc hội tại kỳ họp vào tháng 10-2013 về chủ trương phát hành trái phiếu Chính phủ cho hai dự án này. Trong khi chưa được phát hành trái phiếu, Chính phủ cho phép ứng trước vốn để thực hiện ngay giải phóng mặt bằng.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị các bộ, ngành, địa phương quyết liệt hơn trong việc xử lý nợ xấu; đồng thời kiến nghị cho phép tăng phát hành trái phiếu Chính phủ đối với một số dự án giao thông trọng điểm, những công trình cấp bách đang triển khai dở dang. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh thực hiện các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn đối với các DN, nhất là các DN xuất khẩu; đề nghị các cơ quan chức năng cần làm tốt hơn nữa công tác quản lý giá, đặc biệt là quản lý giá đối với mặt hàng nông sản cũng như tăng cường công tác quản lý các hiệp hội…
Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Tình hình kinh tế – xã hội tháng 5 nhìn chung chuyển biến tích cực, tạo thuận lợi để phát triển, thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa như mong muốn, có mặt còn hạn chế, yếu kém. Do vậy, Chính phủ, từng bộ, ngành, địa phương cần nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá, rà soát lại để tìm giải pháp khắc phục khó khăn, hạn chế, yếu kém. Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường chỉ đạo quyết liệt, không chủ quan, bảo đảm kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, coi đây là tiền đề có ý nghĩa quyết định cho các lĩnh vực khác, nhất là an sinh xã hội.
Ðề cập nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các Phó Thủ tướng, bộ trưởng, lãnh đạo các ngành, địa phương bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã đề ra từ đầu năm trong các Nghị quyết của Ðảng, Quốc hội, Chính phủ. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bảo đảm ổn định tỷ giá, tăng cường quản lý chặt thị trường vàng, không để ảnh hưởng xấu nền kinh tế; ưu tiên giảm lãi suất trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, rải đều tổng dư nợ tín dụng, không “giật cục”, ưu tiên vốn cho mặt hàng, sản phẩm có đầu ra. Tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện việc xử lý nợ xấu, vừa làm vừa hoàn thiện cơ chế chính sách, dứt khoát không được để xảy ra các tiêu cực phát sinh. Thủ tướng giao Bộ trưởng Tài chính tập trung ưu tiên cân đối thu chi ngân sách nhà nước, không điều chỉnh tổng mức chi cũng như tổng bội chi. Nguồn thu khó phải cân đối, không để thâm hụt ngân sách. Nghiêm túc tiết kiệm chi, nhất là hạn chế hội họp, đi nước ngoài…
Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, gắn liền quá trình tái cơ cấu để nâng cao sức cạnh tranh, bảo đảm tăng trưởng bền vững, không vì tăng trưởng trước mắt, làm ảnh hưởng quá trình này. Chú trọng cả thị trường xuất khẩu và trong nước. Ðẩy nhanh xúc tiến thương mại, mở rộng xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường còn khả năng, dư địa. Dứt khoát rút kinh nghiệm việc mua tạm trữ lúa gạo cho nông dân cũng như việc xuất khẩu gạo, cá tra, ba sa…, không để tình trạng bán phá giá như hiện nay. Kiên quyết dừng những đầu mối nào không đạt tiêu chí hoặc bán phá giá. Về sự cố nghiêm trọng tại đường dây 500 kV bắc-nam tại Bình Dương vừa qua, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương chỉ đạo ngành điện tập trung khắc phục hậu quả, kiểm điểm nguyên nhân trách nhiệm để xảy ra sự cố, rút kinh nghiệm không để xảy ra các sự việc tương tự. Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng với các bộ, ngành tính toán, bảo đảm cân đối đủ nguồn điện cho sản xuất và sinh hoạt của người dân trước mắt cũng như lâu dài.
Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ cần tiếp tục quyết liệt đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN, các ngân hàng thương mại, đầu tư công. Về trái phiếu Chính phủ, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Ðầu tư tính toán, trình Quốc hội kỳ họp tháng 10 tới tăng tổng mức huy động trái phiếu Chính phủ để đầu tư vào những dự án trọng điểm quốc gia. Thủ tướng chấp thuận ứng vốn giải phóng mặt bằng đối với dự án đầu tư nâng cấp và mở rộng QL 1 và 14 trên cơ sở lập tổng mức dự toán đầu tư chặt chẽ, lựa chọn chủ đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, bảo đảm tiến độ và chất lượng. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, địa phương quyết tâm triển khai nhanh các dự án trên.
Thủ tướng cũng đặc biệt nhấn mạnh việc khắc phục tình trạng quá tải ở bệnh viện cấp T.Ư bằng các giải pháp đồng bộ, trong đó ưu tiên tìm kiếm nguồn vốn để xây mới thêm bệnh viện. Bên cạnh đó cũng cần bố trí, đào tạo các bác sĩ giỏi cho tuyến y tế cơ sở; kiên quyết tập trung chỉ đạo, tăng cường quản lý mạng in-tơ-nét, các báo điện tử; quyết liệt kiểm soát, kiềm chế tai nạn giao thông.
* Cùng ngày, Văn phòng Chính phủ tổ chức Họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Ðức Ðam. Cùng dự, có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành. Sau khi thông báo vắn tắt những nội dung chính của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Ðức Ðam và đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành trả lời câu hỏi của các nhà báo.
Về sự cố đường dây (ÐZ) 500 kV, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Ðức Ðam cho biết: Chúng ta đã có luật để bảo đảm an toàn các công trình, trong đó đặc biệt là các công trình lưới điện cao áp. Trường hợp này, quy định đã có, vậy thì cần xem xét trách nhiệm của ngành, cấp liên quan tới việc thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn hành lang công trình đã nghiêm túc chưa. Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương chỉ đạo ngành điện xem xét, đánh giá lại toàn diện các vấn đề để bảo đảm không xảy ra các sự cố nghiêm trọng tương tự. Theo báo cáo sơ bộ của Bộ Công thương, sự cố có lý do mang tính kỹ thuật là đất nước ta trải dài, lưới điện chằng chịt rất lớn, nhưng đầu dẫn điện vào mới có mấy mạch 500 kV. Tới đây, chúng ta phải tăng cường đầu tư thêm các ÐZ 500 kV dẫn vào lưới này, cũng như đầu tư thêm một số nguồn phát điện được phân bổ hợp lý.
Làm rõ thêm vấn đề trên, Thứ trưởng Công thương Lê Dương Quang cho biết, sự cố vừa qua cho thấy tính dễ tổn thương của ÐZ 500 kV. Bộ Công thương sau sự cố này, cần phải tìm mọi cách đẩy nhanh dự án nguồn và lưới điện, nhất là công trình ÐZ 500 kV ở khu vực phía nam vì hiện nay, khu vực này có nhu cầu sử dụng điện cao hơn. Cả nước hiện có hàng chục nghìn km ÐZ cao áp nên lực lượng của EVN khó bảo vệ một cách tuyệt đối an toàn nếu không có sự ủng hộ, giúp đỡ của các địa phương. Nghị định 106/2005/NÐ-CP của Chính phủ cũng đã nêu rõ trách nhiệm của các địa phương. Cho nên, các địa phương cũng phải vào cuộc và đặc biệt là sự vào cuộc của người dân. Sự cố vừa rồi rất hy hữu, nếu tất cả địa phương, nhân dân, tổ chức, đơn vị tại nơi ÐZ đi qua có trách nhiệm bảo vệ thì nguy cơ xảy ra sự cố sẽ ít hơn rất nhiều.
Theo Nhandan
Theo Nhandan
Ý kiến ()