Bảo đảm các hội hoạt động hiệu quả theo đúng tôn chỉ mục đích
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 42, ngày 15-10, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho ý kiến về dự án Luật về hội.
Các ý kiến phát biểu cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành Luật về hội, nhằm thể chế hóa đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, tạo hành lang pháp lý trong việc thành lập và tạo tính thống nhất trong các quy định liên quan thành lập hội và hoạt động của hội.
Nhiều ý kiến đề nghị, cần quy định cụ thể ngay trong luật, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền lập hội, phát huy tính tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm của các hội, nhất là tự chủ về tài chính, hạn chế tối đa sự bao cấp, trông chờ vào ngân sách Nhà nước, tránh xu hướng hành chính hóa tổ chức và hoạt động của hội, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước.
Một số ý kiến đề nghị, luật này không nên điều chỉnh hoạt động của các hội không có tư cách pháp nhân, như hội đồng niên, đồng ngũ, đồng môn, vì các hội này không có điều lệ, hoạt động chỉ mang tính gặp gỡ, trao đổi thông tin, không có người đại diện của hội trước pháp luật. Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng, hiện nay nhiều tổ chức đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về hội, tổ chức và hoạt động theo các nguyên tắc của hội, có người đứng đầu đại diện cho hội, nhưng không đăng ký, do đó không có tư cách pháp nhân và không chịu sự điều chỉnh của pháp luật hiện hành về hội. Do vậy, cần có quy định cụ thể đối với những hội này để bảo đảm công tác quản lý Nhà nước cũng như tạo thuận lợi trong quá trình kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.
Đề cập các quy định liên quan hoạt động hội, nhiều ý kiến đề nghị, làm rõ cơ chế cấp, quản lý kinh phí đối với hội, cũng như việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động của các hội. Một số ý kiến tán thành quan điểm của Ban soạn thảo theo hướng đối với những hội quần chúng do Đảng và Nhà nước có nhu cầu thành lập thì được cấp kinh phí hoạt động. Tuy nhiên, cần làm rõ hội nào được thành lập do yêu cầu của Đảng, Nhà nước, đồng thời từng bước giảm dần kinh phí do Nhà nước cấp cho các hội này và đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kinh phí, bảo đảm hoạt động theo quy định của pháp luật. Một số ý kiến đề nghị, có cơ chế giám sát hoạt động của các hội, bảo đảm các hội hoạt động hiệu quả theo đúng tôn chỉ, mục đích.
Cũng trong ngày làm việc hôm qua, Ủy ban TVQH cho ý kiến về giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) và Luật Trưng cầu ý dân.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()