Bảo đảm các chính sách hỗ trợ để hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam chỉ ra thực tế phần lớn người lao động sau khi rút bảo hiểm xã hội một lần đã tiêu hết rất nhanh số tiền này và khi về già lại đối mặt với nhiều khó khăn.
Công nhân làm việc trong xưởng sản xuất linh kiện cơ khí, Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh. (Ảnh NGUYỄN ÐĂNG) |
Theo báo cáo nghiên cứu về rút bảo hiểm xã hội một lần ở Việt Nam: Xu hướng, thách thức và kiến nghị do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây, cho thấy khoản chi trả bảo hiểm một lần chiếm tỷ trọng lớn trong tất cả khoản rút một lần tại Việt Nam, tăng từ 82% giai đoạn 2013-2016 lên 93% những năm 2016-2019. Năm 2019, khoảng 69% lao động nữ dưới 35 tuổi đã thanh toán bảo hiểm một lần dành cho lao động nữ dưới 35 tuổi, theo nghiên cứu, họ cần khoản tiền này để trang trải chi phí sinh con, nuôi con.
Nhiều rủi ro khi rút bảo hiểm xã hội một lần
ILO đánh giá, khoản rút bảo hiểm xã hội một lần nhìn qua có vẻ lớn, hấp dẫn với người lao động nhưng mang rất nhiều bất cập. Trong thực tế, không ai biết mình sống được bao lâu sau khi nghỉ hưu, có thể là 5 hoặc 30 năm và cũng không biết phải chi bao nhiêu cho đến cuối đời. Nếu không có phương án tiết kiệm, lao động sẽ gặp khó khi về già…
Một nghiên cứu gần đây ở Mỹ ước tính, mọi người mất trung bình 15% đến 20% những gì họ sẽ nhận được trong khoảng thời gian 20 hoặc 30 năm, khi nhận chi trả bảo hiểm xã hội một lần. ILO cũng dẫn bằng chứng tại Malaysia vào đầu những năm 2000, một bộ phận lớn người lao động nhận được các khoản chi trả bảo hiểm một lần để nghỉ hưu sớm, đã sử dụng hết toàn bộ số tiền họ rút trong khoảng thời gian ba năm.
Hơn nữa, mục đích của lương hưu là bảo đảm an ninh thu nhập, có nghĩa là cho phép người lao động đã nghỉ hưu có thể chi trả các khoản chi tiêu ở tuổi già, phần lớn là thường xuyên (nếu không phải là hằng tháng), chẳng hạn như: Tiền thuê nhà, tiện ích, thực phẩm…, do đó việc trả định kỳ (thanh toán hằng tháng) phù hợp hơn để đạt được mục đích nêu trên.
Nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội ở Việt Nam đặc biệt cao, phần lớn là do người lao động có nhu cầu rút bảo hiểm xã hội một lần để bảo đảm an ninh thu nhập khi có các tình huống bất ngờ khác nhau trong suốt vòng đời của họ.
Một báo cáo gần đây của ILO ước tính rằng, đối với phụ nữ, tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội giảm từ 58,5% đối với nhóm tuổi 25-29, xuống còn 30% đối với nhóm tuổi 40-44 (giảm gần 30 điểm phần trăm) và tiếp tục giảm hơn nữa ở lứa tuổi lớn hơn. Ðối với nam giới, tỷ lệ ở nhóm trẻ tuổi thấp hơn đáng kể so với phụ nữ (gần 40% đối với nhóm tuổi 25-29), giảm xuống hơn 20% đối với nhóm tuổi 40-44 (giảm gần 20 điểm phần trăm). Tốc độ giảm, tỷ lệ bao phủ chậm hơn dẫn đến tỷ lệ nam giới hơn 50 tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đang lớn.
Ở Việt Nam, thực tế là người lao động có thể rút bảo hiểm xã hội một lần vào bất kỳ thời điểm nào trong khi đi làm, do vậy tăng nguy cơ người lao động chưa tính đến các nhu cầu dài hạn, vì hầu hết mọi người chỉ bắt đầu nghĩ và lập kế hoạch nghỉ hưu khi họ gần đến tuổi nghỉ hưu. Do đó, hệ thống của Việt Nam đã làm gia tăng và trầm trọng thêm những rủi ro này. Bên cạnh đó, phần lớn lao động rút bảo hiểm xã hội một lần trong độ tuổi đi làm khiến Việt Nam đối mặt thách thức kép khi vừa phải mở rộng lưới an sinh, vừa giữ chân họ ở lại hệ thống. ILO khuyến nghị, Việt Nam cần nhanh chóng xem xét lại đặc điểm hệ thống để bảo đảm thu nhập cho người lao động khi về già.
Cần chính sách hỗ trợ để người lao động không nhận bảo hiểm xã hội một lần
Với Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Việt Nam đã đưa ra các mục tiêu lớn về tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội. Ðể đạt được những mục tiêu nêu trên đặt ra cho đến năm 2030, tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội phải tăng mạnh trong những năm tới. Theo ILO, muốn vậy Việt Nam cần kết hợp tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội (thu hút nhiều người lao động tham gia bảo hiểm xã hội) và giảm tỷ lệ rời khỏi hệ thống (bảo đảm rằng người lao động ở lại hệ thống đủ lâu để được hưởng lương hưu và có an ninh thu nhập khi về già).
Ðể giải quyết bài toán rút bảo hiểm xã hội một lần, ngoài đưa chính sách trợ cấp gia đình, trẻ em vào Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, ILO khuyến nghị nên mở rộng trợ cấp thất nghiệp. Khi không có hoặc nhận mức trợ cấp thấp, lao động buộc phải tìm nguồn thay thế và nghĩ ngay đến rút một lần.
Hiện tỷ lệ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 60% nhưng tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp, tiền trợ cấp lao động nhận được vì thế khá thấp so với chi phí sinh hoạt lẫn thu nhập thực tế. Thống kê tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của lao động chỉ 5,56 triệu đồng, mức trợ cấp lao động nhận được chỉ 3,4 triệu đồng mỗi tháng. Ðồng thời, ILO cũng khuyến nghị tăng dần thời gian chờ dài hơn 12 tháng sau khi nghỉ việc để giảm động lực rút bảo hiểm xã hội một lần của người lao động, như mỗi năm đóng bảo hiểm tăng thêm một tháng chờ. Ngoài ra, cần làm tốt hơn chính sách đào tạo nghề, dịch vụ giới thiệu việc làm và tín dụng giúp người lao động nhanh tìm việc mới.
Theo ILO, việc tăng các khoản trợ cấp cùng với việc đi dần từng bước hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ không tạo ra cú sốc, khiến lao động dễ chấp nhận thay đổi chính sách hơn. Việc này phải lấy ý kiến từ chính người lao động, cũng như chủ sử dụng lao động để bảo đảm chính sách nhận được đồng thuận của họ và xã hội đều chấp nhận.
Chia sẻ về việc cần xây dựng chính sách bổ sung trợ cấp gia đình vào Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Giảng viên cao cấp (Trường đại học Kinh tế Quốc dân) Giang Thanh Long phân tích, phần lớn lao động thu nhập thấp chịu gánh nặng học hành của con cái và chi tiêu trước mắt. Khoản tiền trích đóng bảo hiểm xã hội khiến hộ gia đình giảm một phần thu nhập dùng cho chi tiêu, thậm chí dẫn đến nghèo hóa. Trợ cấp gia đình vì vậy có thể cùng giải quyết hai bài toán: Duy trì cho trẻ em đến trường và mở rộng an sinh cho cha mẹ trong tuổi lao động. Khoản trợ cấp này nên tập trung vào nhóm hộ gia đình thu nhập thấp, công việc bấp bênh và con cái đang độ tuổi đến trường ở cấp học thấp, bởi nhóm trẻ này có nguy cơ nghỉ học cao nếu gia đình khó khăn. Tiền trợ cấp có thể trực tiếp giảm trừ vào học phí, các chi phí học tập của trẻ và khoản này quay lại hỗ trợ cha mẹ đóng quỹ bảo hiểm xã hội, nâng mặt bằng tiền đóng bảo hiểm xã hội lên, giúp tăng tiền hưởng chế độ, cải thiện lương hưu sau này.
Với chương trình trợ cấp trực tiếp tiền mặt, cần quy định chặt chẽ kèm cam kết của người thụ hưởng để bảo đảm thực hiện mục tiêu an sinh lâu dài của Nhà nước. Việc duy trì cho trẻ đến trường cũng là tạo nguồn lực tương lai. Lao động thực hiện đúng cam kết được đỡ dần gánh nặng chi phí nuôi dạy con một thời gian dài. Khi con cái lớn cũng là lúc họ đã tham gia hệ thống bảo hiểm xã hội nhiều năm, đủ thời gian hưởng lương hưu sẽ cân nhắc ở lại thay vì rút bảo hiểm xã hội một lần.
Ý kiến ()