Bảo đảm an toàn trong các hoạt động du lịch
Phun thuốc tiêu độc khử trùng các tàu trên vịnh Hạ Long. |
Theo thông tin mới nhất từ Quảng Ninh, trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch COVID-19, để bảo đảm an toàn sức khoẻ cho người dân và du khách, theo đề xuất của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã thống nhất chủ trương tạm dừng đón khách tham quan, du lịch vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, trên các đảo thuộc vùng biển đảo Cô Tô, Vân Đồn, khu di tích danh thắng Yên Tử từ 12h ngày 12/3/2020 đến 0h ngày 27/3/2020; không cấp phép lưu trú trên vịnh từ 0h ngày 12/3/2020.
Cũng tại Quảng Ninh, ngày 11/3, UBND TP. Hạ Long đã có văn bản yêu cầu tạm dừng các hoạt động tập trung đông người trên địa bàn.
Theo đó, các cơ sở karaoke, quán bar, vũ trường, cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử công cộng… tạm dừng đón khách sử dụng dịch vụ từ 20h tối 11/3; các cơ sở tôn giáo, thờ tự tạm dừng đón khách từ 8h ngày 12/3.
Tại Quảng Namtối 11/3, lãnh đạo Trung tâm VH-TT & TT-TH TP.Hội An cho biết được sự thống nhất của UBND tỉnh, TP. Hội An tạm dừng hoạt động bán vé tham quan khu phố cổ và ngừng thực hiện phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ từ ngày 12/3.
Tùy theo tình hình diễn biến dịch bệnh, địa phương sẽ thông báo thời gian thực hiện trở lại các hoạt động này để bảo đảm an toàn cho người dân và du khách.
Trước đó, Hội An cũng đã tạm dừng việc đón khách tham quan tại các điểm đến như Cù Lao Chàm, rừng dừa Bảy Mẫu, làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế.
Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Sở Du lịch cho biết nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phòng dịch COVID-19, Sở Du lịch đề nghị các DN lữ hành không đón khách du lịch từ vùng có dịch đến Bà Rịa-Vũng Tàu; hạn chế tổ chức các đoàn tham quan các tỉnh, thành trong nước và ngoài nước đang có dịch và người mắc bệnh. Các cơ sở kinh doanh lưu trú nắm bắt sức khỏe, lịch trình của khách du lịch, kịp thời thông báo đến cơ sở y tế và chính quyền địa phương để tổ chức quản lý, cách ly khách khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.
Người làm việc trong ngành dịch vụ, du lịch tự kiểm tra thân nhiệt, nếu sốt, ho, khó thở chủ động báo với chủ cơ sở, mang khẩu trang và đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám; đeo khẩu trang phù hợp, tránh bắt tay, thường xuyên rửa tay. Các cơ sở du lịch phải thực hiện việc yêu cầu du khách khai báo y tế; lau rửa, khử khuẩn sàn nhà và nơi có nhiều người chạm vào (như tay nắm cửa, nút bấm thang máy, lan can) tối thiểu 4 lần/ngày; khuyến cáo du khách tự theo dõi sức khỏe. Khi người lao động/du khách có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, đại diện cơ sở du lịch, dịch vụ phải thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, theo dõi, điều trị kịp thời.
Còn tại Hà Nội, trong cuộc họp Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona của TP. Hà Nội chiều 11/3, Phó Giám đốc Sở VH-TT TP. Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, một số di tích trên địa bàn Hà Nội đã mở cửa trở lại sau khi tạm dừng hoạt động để phun khử khuẩn.
Trong ngày 11/3, các điểm thu hút khách du lịch như đền Ngọc Sơn, Văn Miếu – Quốc Tử Giám… đã hoạt động trở lại sau khi bảo đảm vệ sinh môi trường.
Du khách thăm Văn Miếu-Quốc Tử Giám. |
Tại Thừa Thiên-Huế, Sở Du lịch yêu cầu các đơn vị lưu trú phối hợp với lực lượng chức năng nắm chắc thông tin và quản lý chặt chẽ số lượng khách lưu trú tại đơn vị; thực hiện nghiêm túc việc khai báo y tế hàng ngày.
Các cơ sở lưu trú đang có khách du lịch phải cách ly cần giám sát, nếu đơn vị nào để khách tự ý rời khỏi khu vực cách ly thì giám đốc, quản lý các đơn vị phải chịu hoàn toàn trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Theo lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh, đây là yêu cầu cần thiết lúc này để chủ động phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh trên địa bàn.
Các cơ sở lưu trú, nhà hàng, điểm tham quan… thực hiện nghiêm túc việc bảo đảm vệ sinh, kiểm tra sức khỏe du khách, nhân viên, tổ chức cho du khách khai báo y tế và tổng hợp hàng ngày danh sách theo dõi sức khỏe.
Ngành du lịch Thừa Thiên-Huế xác định nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ hàng đầu. Các doanh nghiệp sẵn sàng hy sinh lợi ích trước mắt để bảo đảm an toàn cho du khách, người lao động; không hoang mang cũng không chủ quan.
Du khách mang khẩu trang khi tham quan các di tích Huế. |
Trước đó, Hiệp hội Du lịch Việt Namgửi văn bản yêu cầu các hiệp hội và doanh nghiệp thành viên tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, bảo đảm an toàn cho khách du lịch và người lao động tại đơn vị.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam nêu yêu cầu các hiệp hội địa phương và doanh nghiệp thành viên phải đặt vấn đề an toàn cho khách lên hàng đầu, tăng cường sàng lọc khách và bảo đảm an toàn cao nhất cho du khách. Nếu tour kích cầu không đảm bảo an toàn nhất định không tổ chức.
Các điểm đến và doanh nghiệp phải chuẩn bị máy đo thân nhiệt, khẩu trang, nước sát trùng… mới được tham gia chương trình kích cầu du lịch trên toàn quốc vừa phát động (hiện đã có hơn 100 doanh nghiệp tham gia).
Doanh nghiệp du lịch phải kiểm tra ở mức cao nhất có thể những thông tin do du khách khai báo, nếu thấy bất thường, phải báo ngay với cơ quan chức năng để xử lý.
Ý kiến ()