Bảo đảm an toàn trên tuyến vận tải đường bộ bắc - nam
Xe khách của hãng Tuấn Tiễu chạy tuyến bắc - nam giả xe chất lượng cao nhưng thực chất là "xe dù" nhồi khách. Ảnh: ANH MINH Những vụ tai nạn thảm khốc của xe khách trong thời gian qua, cùng với nạn "xe dù, bến cóc" là vấn nạn nhức nhối trong xã hội, cần có sự vào cuộc rốt ráo của các cơ quan chức năng. Từ thực trạng này, Hiệp hội vận tải TP Hà Nội vừa có văn bản đề nghị Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và các cơ quan quản lý tuyến có biện pháp xử lý nghiêm khắc các doanh nghiệp vận tải để xảy ra các vi phạm về ATGT. Ngoài việc xử phạt hành chính, cần thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải, cắt tuyến để loại ra những đơn vị không đủ năng lực quản lý.Chọn Hà Nội - TP Hồ Chí Minh làm tuyến mẫuTrong những ngày gần đây, trên các phương tiện truyền thông đại chúng phản ánh nhiều phương tiện vận tải chạy tuyến bắc - nam, nhà xe dồn khách lên xe quá tải, tiềm ẩn...
Xe khách của hãng Tuấn Tiễu chạy tuyến bắc – nam giả xe chất lượng cao nhưng thực chất là “xe dù” nhồi khách. Ảnh: ANH MINH |
Chọn Hà Nội – TP Hồ Chí Minh làm tuyến mẫu
Trong những ngày gần đây, trên các phương tiện truyền thông đại chúng phản ánh nhiều phương tiện vận tải chạy tuyến bắc – nam, nhà xe dồn khách lên xe quá tải, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn nghiêm trọng và “hành xác” hành khách trên tuyến đường dài hơn 1.000 km. Điển hình là vụ xe của hãng Tuấn Tiễu mang BKS 17L – 8586 chạy tuyến Thái Bình – Sài Gòn – Phước Long – Bình Phước, xe 40 ghế ngồi nhưng nhồi lên xe tới 60 người, khách trên xe được xếp như cá hộp.
Trong sáu tháng còn lại của “Năm An toàn giao thông – 2012”, Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội đề xuất và kiến nghị một số giải pháp thực hiện. Theo đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phổ biến rộng rãi “Đề án quản lý hiện đại vận tải đường bộ” để các cơ quan quản lý tuyến, người tham gia giao thông biết, thảo luận và thực hiện. Trước mắt, Tổng cục chọn tuyến vận tải đường bộ bắc – nam làm tuyến trọng điểm, chỉ đạo quyết liệt để thực hiện trong sáu tháng cuối năm; lựa chọn các doanh nghiệp có đủ năng lực quản lý, năng lực phương tiện và tài chính tham gia tuyến vận tải trọng điểm này. Đối với các doanh nghiệp nhỏ lẻ, không đủ năng lực, cần cơ cấu lại tổ chức, sáp nhập thành các đơn vị lớn hoặc ngừng hoạt động trên tuyến. Các doanh nghiệp này phải chấp nhận tái cơ cấu về tổ chức, có thể dồn các đơn vị nhỏ thành đơn vị lớn, hoặc liên doanh liên kết, cho thuê phương tiện để các đơn vị có đủ năng lực quản lý điều hành. Chọn tuyến vận tải Hà Nội – TP Hồ Chí Minh là tuyến mẫu, còn các địa phương khác lựa chọn những bến xe có năng lực, tổ chức tiếp nhận phương tiện, bán vé cho khách trên tuyến, bố trí nơi dừng nghỉ cho khách và các dịch vụ phục vụ vận tải. Đến cuối năm nay, Tổng cục sẽ thẩm định lại, nếu doanh nghiệp nào đủ điều kiện sẽ được tiếp tục hoạt động, không đủ điều kiện buộc phải dừng hoạt động trên tuyến.
Thành lập tổ kiểm tra trên các phương tiện
Các tuyến xương cá dọc quốc lộ 1 bắc – nam, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần giao cho cơ quan quản lý tuyến của địa phương thẩm định kỹ và bảo lãnh trước khi trình Tổng cục chấp thuận (sau khi đã khảo sát lưu lượng hành khách, số lượng phương tiện tham gia, năng lực quản lý của đơn vị vận tải và sắp xếp tần suất phù hợp). Các tỉnh, thành phố, mỗi địa phương chọn một số tuyến trọng điểm để xây dựng tuyến mẫu rồi sau đó triển khai dần ra các tuyến khác. Việc đầu tư xây dựng tuyến mẫu khá tốn kém, các ngành chức năng xem xét lại việc xây dựng giá cước vận tải hợp lý để các doanh nghiệp nâng cấp phương tiện, đầu tư các dịch vụ hỗ trợ vận tải trên tuyến, tái đầu tư sản xuất và bảo đảm đời sống cho nhân viên vận tải. Tổng cục cùng các đơn vị ngành GTVT phối hợp CSGT thành lập Tổ kiểm tra liên ngành từ trung ương đến địa phương, lên xe kiểm tra việc chấp hành luật lệ, đi theo trên cung, chặng để kiểm tra xử lý. Cần thành lập một Ban chỉ đạo thống nhất để xây dựng quy chế thực hiện (bao gồm cả lịch trình, thành phần kiểm tra, chế độ giao ban, báo cáo,…). Việc thành lập các tổ tuần tra, kiểm soát trên các phương tiện không làm thay chức năng của cơ quan tuần tra, kiểm soát dưới mặt đất, hơn nữa đó là chức năng quản lý vận tải quản lý nội bộ theo chiều sâu. Kinh nghiệm trước đây (giai đoạn 1995-1997), tình hình trật tự trị an trên tàu Thống nhất bắc – nam khá phức tạp, ngành đường sắt đã bố trí lực lượng kiểm tra liên ngành, thay nhau kiểm tra xử lý dọc tuyến trên suốt hành trình. Cách làm này đem lại hiệu quả rõ rệt, trong một thời gian ngắn, chất lượng phục vụ trên tàu Thống nhất được nâng lên rõ rệt. Ngành vận tải đường bộ cũng có thể áp dụng cách làm này để siết chặt việc quản lý tuyến. Khi thực hiện các tiêu chí quản lý giao thông hiện đại, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần động viên các doanh nghiệp đã có thương hiệu tham gia. Ở phía bắc có thể chọn các thương hiệu uy tín như Hoàng Long, Mai Linh, Tổng công ty vận tải Hà Nội,… tham gia. Đồng thời, cập nhật, thông báo cụ thể về người, doanh nghiệp, phương tiện vi phạm cho các cơ quan chức năng để kịp thời có biện pháp xử lý và răn đe.
Việc xử lý nghiêm các phương tiện và đơn vị vi phạm trên tuyến bắc – nam sẽ góp phần sàng lọc các đơn vị vận tải tham gia, đưa tuyến vận tải trọng yếu này trở thành tuyến vận tải an toàn, có dịch vụ tốt cho hành khách.
Theo Nhandan
Ý kiến ()