Bảo đảm an toàn sức khỏe học sinh
Đến trường học tập là nhu cầu chính đáng và cấp thiết của học sinh hiện nay. Tuy nhiên, những ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đã khiến việc mở cửa trường học gặp nhiều khó khăn, nhất là khi các cơ sở giáo dục còn lúng túng trong xử lý trường hợp F0, F1.
Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã chủ động phối hợp Bộ Y tế, các địa phương, chỉ đạo, hướng dẫn mở cửa trường học trở lại trên cả nước.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, tính đến ngày 28/2, bậc mầm non có 54 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tiếp và 9 tỉnh, thành phố chưa hoặc phải tạm ngừng; bậc tiểu học có 53 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tiếp và 10 tỉnh, thành phố chưa hoặc phải tạm ngừng; bậc THCS có 59 tỉnh, thành phố đã cho phép dạy học trực tiếp và 4 tỉnh, thành phố chưa hoặc phải tạm ngừng, chuyển sang trực tuyến; bậc THPT có 62 tỉnh, thành phố đã triển khai dạy học trực tiếp và một tỉnh dạy học trực tuyến. Tại các tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tiếp cũng có một số quận, huyện phải dạy học trực tuyến…
Thực tế hiện nay, nhiều địa phương tổ chức dạy học trực tiếp nhưng giáo viên, học sinh mắc Covid-19 liên tục. Một số cơ sở giáo dục lúng túng xử lý các học sinh diện F0, F1; khoanh vùng chưa hợp lý, dẫn đến nhiều học sinh phải nghỉ học trên lớp, chuyển sang học trực tuyến. Thậm chí có trường học trừ thi đua của cán bộ, giáo viên là F0 vừa không đúng quy định, phản cảm, vừa ảnh hưởng tâm lý người dạy, người học. Một số địa phương có quan điểm khác nhau trong phòng, chống dịch bệnh ở các cơ sở giáo dục. Ðặc biệt là một bộ phận cha mẹ học sinh chưa yên tâm cho con em đi học trở lại, nhất là đối với học sinh mầm non và tiểu học (đối tượng chưa được tiêm vắc-xin).
Cùng với đó, nhân lực y tế trường học còn thiếu và yếu ở nhiều địa phương dẫn đến phải huy động hầu hết cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác phòng, chống dịch. Kinh phí mua sắm thiết bị phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục còn thiếu. Khi dạy học trực tiếp, các cơ sở giáo dục rất khó giãn cách theo quy định vì số lượng học sinh đông, vẫn còn hiện tượng học sinh tương tác trực tiếp trong giờ nghỉ giải lao…
Vì vậy, để hạn chế những lúng túng, bất cập trong phòng, chống dịch Covid-19, mở cửa trường học an toàn, thông suốt, Bộ Y tế cần nghiên cứu, thống nhất lại cách định danh F0, F1, cũng như thời gian cách ly các đối tượng nguy cơ cao cho phù hợp diễn biến dịch bệnh hiện nay. Bộ Giáo dục và Ðào tạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục, thầy giáo, cô giáo bảo đảm tâm lý cho học sinh khi đến trường. Nhà trường cần có giải pháp xử lý phù hợp, không lo lắng thái quá khi phát hiện các F0 nhằm tránh ảnh hưởng tâm lý giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh. Khi có ca nhiễm trong trường, cần thực hiện ngay theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, hạn chế nguy cơ lây nhiễm.
Phía cha mẹ học sinh cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường, nhất là khi trong lớp học của con mình có F0. Cha mẹ cũng chủ động nắm bắt thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ con thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định tại trường học; động viên tinh thần để các em yên tâm học tập và tự bảo vệ sức khỏe bản thân khi đến trường.
Ý kiến ()