Bảo đảm an toàn nuôi trồng thủy sản trong mùa mưa bão
- Những năm gần đây, nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đã và đang phát triển, đem lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ dân. Hiện nay, đang chuẩn bị bước vào mùa mưa bão, dự báo thời tiết tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, do vậy, để tránh thiệt hại trong nuôi trồng thuỷ sản, việc chủ động các biện pháp phòng chống thiên tai, nhất là trong mùa mưa bão là rất cần thiết.
Trong những năm gần đây, mô hình nuôi cá lồng phát triển khá mạnh trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên vào mùa mưa bão, nguy cơ thiệt hại do bão lũ cũng rất lớn. Ông Linh Văn Thắm, Giám đốc Hợp tác xã Xuân Mai, thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan cho biết: Năm 2020, HTX đi vào hoạt động với 7 thành viên nuôi cá với tổng số 9 lồng. Trong mùa mưa bão, một trong những mối lo của người nuôi trồng thủy sản là nguy cơ thất thoát cá; môi trường chăn nuôi cá bị ảnh hưởng. Do vậy, để bảo đảm an toàn cho các lồng cá vào mùa mưa bão, ngay từ cuối tháng 4/2024, chúng tôi đã kiểm tra các lồng cá và gia cố lại đảm bảo chắc chắn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại khi mưa lũ xảy ra
Hiện nay, trên địa bàn huyện Văn Quan có tổng 222 lồng cá, là huyện có số lồng cá lớn nhất tỉnh, ngay từ đầu mùa mưa bão, các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện đã chủ động thực hiện kiểm tra diện tích bờ bao, các điểm có nguy cơ ngập lụt, chuẩn bị phao nổi để gia cố lồng...
Ông Nông Văn Tùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Quan cho biết: Từ năm 2022 đến nay, mưa lũ đã gây thiệt hại 148 lồng cá của người dân. Do đó, trước khi mùa mưa bão đến, phòng đã tham mưu UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường quản lý nuôi trồng thủy sản trong điều kiện thời tiết nắng nóng, mưa bão và hạn hán năm 2024. Đồng thời, chúng tôi tận dụng lợi ích của mạng xã hội lập các nhóm trên ứng dụng zalo để truyền tải các văn bản, hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn nuôi trồng thủy sản trong mùa mưa bão đến người chăn nuôi thủy sản.
Bắc Sơn là một trong những huyện phát triển nuôi trồng thủy sản đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Hiện nay, toàn huyện có tổng diện tích nuôi cá 167 ha. Ông Phạm Bá Hạnh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Để đảm bảo an toàn nuôi trồng thủy sản trong mùa mưa bão, phòng đã phối hợp với các đơn vị liên quan đã kiểm tra những khu vực có nguy cơ bị ngập úng tại các ao nuôi, hồ nuôi cá để chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ; chỉ đạo cán bộ phụ trách nông nghiệp, nhân viên thú y xã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn các hộ nuôi trồng thủy sản thực hiện các biện pháp như: thả giống với mật độ hợp lý; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực để tổ chức triển khai các biện pháp ứng phó với bão, lũ; thu hoạch thủy sản nuôi khi đạt kích cỡ thương phẩm trước khi mưa lũ xảy ra tại những khu vực xung yếu, hay ngập lụt.
Không chỉ tại hai huyện trên, thời điểm này, các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đều tích cực triển khai các biện pháp bảo vệ thủy sản nhằm hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra. Bên cạnh sự chủ động của người dân, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh cũng tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp.
Ông Vũ Kỳ Nam, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 1.500 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, 543 lồng cá, tập trung ở các huyện Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn, Văn Lãng, Tràng Định. Để chủ động các biện pháp ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra, thời gian qua, chúng tôi đã có công văn gửi trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện về thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn nuôi trồng thủy sản mùa mưa bão. Cùng với đó, đề nghị cán bộ chuyên môn tại các huyện phối hợp với các xã, thị trấn rà soát ao nuôi, lồng nuôi có nguy cơ cao xảy ra thiệt hại, khuyến cáo các hộ dân thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn như: đối với ao hồ nuôi thủy sản cần gia cố lại bờ ao, hồ, nạo vét kênh mương, đặt ống xả tràn; đối với lồng bè nuôi trồng thủy sản cần kiểm tra gia cố lại hệ thống gây neo, phao lồng, có phương án di dời lồng bè vào khu vực kín gió, vùng an toàn, có dòng chảy phù hợp khi cần thiết...
Tin rằng với sự tích cực của ngành chức năng và sự chủ động của người dân, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh sẽ được bảo vệ. Qua đó, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi trước những diễn biến phức tạp của thời tiết.
Ý kiến ()