Bảo đảm an toàn lao động trong cơ giới hóa nông nghiệp
Trong những năm gần đây, mức độ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp ở nước ta tăng nhanh chóng. Các chủng loại máy móc mới được đưa vào sản xuất như: máy cày, máy gặt đập liên hợp, máy bừa, máy đập tách hạt, máy cắt cỏ, máy trộn thức ăn chăn nuôi, máy cọ rửa chuồng trại, máy sục khí trong nuôi trồng thủy sản… Nhờ vậy, nhiều khâu sản xuất đạt mức độ cơ giới hóa cao. Đơn cử, đối với sản xuất lúa, trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020, việc ứng dụng cơ giới hóa vào khâu làm đất của cả nước tăng từ 88% lên 97%. Một số vùng đạt 100% như đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long. Đối với khâu gieo trồng, tỷ lệ cơ giới hóa tăng từ 18% lên 65%; chăm sóc tăng từ 65% lên 82%; thu hoạch tăng từ 42% lên 78%; khâu tuốt đập, xay xát lúa, gạo đạt 100%.
Cơ giới hóa nông nghiệp giải quyết được công việc nặng nhọc, đáp ứng được tính thời vụ khẩn trương, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giúp giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao khả năng cạnh tranh của một số nông sản. Đồng thời, thúc đẩy quá trình liên kết sản xuất, hình thành các tổ chức dịch vụ ở nông thôn; hình thành mô hình liên kết doanh nghiệp với hợp tác xã, nông dân với các dịch vụ cơ giới hóa cho các khâu: làm đất, cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, sấy khô…
Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích mang lại, việc sử dụng cơ giới hóa nông nghiệp thời gian qua còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn lao động. Hàng loạt vụ tai nạn xảy ra để lại thương tích nặng nề cho người dân, thậm chí có trường hợp tử vong. Theo tính toán, có khoảng 80% số tai nạn lao động trong nông nghiệp là do vận hành thiết bị không đúng quy trình và không bảo đảm an toàn. Nguyên nhân chủ yếu là do sự thiếu hiểu biết của người sử dụng, không được qua đào tạo, chủ yếu tự học hỏi làm theo kinh nghiệm hoặc hướng dẫn sơ sài của người bán cho nên thiếu kiến thức và kỹ năng vận hành thiết bị, dẫn đến việc xảy ra những tai nạn lao động đáng tiếc. Ngoài ra, vấn đề chất lượng máy móc, thiết bị nông nghiệp hiện nay còn thả nổi, chưa được kiểm soát, giám định chặt chẽ. Nhiều loại thiết bị không đạt chất lượng nhưng vẫn lưu thông trên thị trường. Ngành chức năng chưa thật sự quan tâm đúng mức đến vấn đề an toàn lao động trong sản xuất nông nghiệp, còn thiếu hệ thống văn bản pháp luật quy định, hướng dẫn cụ thể việc thực hiện an toàn lao động cho nông dân.
Ðể hạn chế tai nạn lao động, tránh được những rủi ro trong sản xuất nông nghiệp, cơ quan chức năng cần phải nâng cao nhận thức cho nhà nông. Trong đó, tập trung tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nông dân quy trình, nguyên tắc vận hành máy móc, thiết bị cho đúng kỹ thuật và sử dụng thành thạo, như những “kỹ sư cơ khí” nông nghiệp. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng máy móc, thiết bị. Có chế tài xử phạt mạnh những đơn vị, cá nhân cung cấp thiết bị không bảo đảm an toàn kỹ thuật. Cùng với đó, các đơn vị cung cấp thiết bị, máy móc nông nghiệp phải phối hợp với lực lượng chức năng trong việc hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn người dân cách sử dụng thiết bị, máy móc một cách bài bản. Nhiều chuyên gia cho rằng, về lâu dài, ngành nông nghiệp cũng như các địa phương cần trang bị kiến thức cơ khí cho đội ngũ cán bộ chuyên môn, từng bước trở thành “tổng đài” tư vấn, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật mới cho nhà nông.
Ý kiến ()