Bảo đảm an toàn lao động tại doanh nghiệp ở Cao Lộc: Đồng bộ các giải pháp
– Huyện Cao Lộc hiện có 398 doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút tạo việc làm ổn định cho gần 3.500 lao động. Trong đó có khoảng 70 doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực sản xuất tiềm ngẩn nguy cơ mất an toàn lao động như: khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm sản, thi công xây dựng công trình… Vì vậy, vấn đề bảo đảm an toàn lao động tại các doanh nghiệp được UBND huyện, các chủ doanh nghiệp quan tâm thực hiện có hiệu quả.
Ông Hứa Văn Thư, Phó trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Cao Lộc cho biết: Để đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), hằng năm, phòng tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch hưởng ứng tuần lễ ATVSLĐ, phòng, chống cháy nổ lồng ghép với hoạt động kiểm tra, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Theo đó, phòng chú trọng thực hiện tuyên truyền vận động, hướng dẫn, hỗ trợ các chủ doanh nghiệp trong việc cải thiện môi trường làm việc, đầu tư trang thiết bị bảo hộ lao động, huấn luyện an toàn lao động cho các đối tượng; chăm lo sức khoẻ cho người lao động, góp phần hạn chế thấp nhất tai nạn lao động có thể xảy ra.
Sử dụng máy móc phục vụ hoạt động khai thác đá xây dựng tại mỏ đá Hồng Phong thuộc Công ty TNHH Hồng Phong huyện Cao Lộc
Từ năm 2020 đến tháng 5/2022, mặc dù dịch COVID-19 diễn ra phức tạp nhưng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện đã tổ chức 15 cuộc tuyên truyền trực tuyến lồng ghép với huấn luyện nghiệp vụ vệ sinh an toàn lao động cho các doanh nghiệp. Nội dung tuyên truyền tập huấn tập trung vào các quy định của pháp luật về bảo đảm ATVSLĐ, các yếu tố dẫn đến tai nạn lao động, các biện pháp khắc phục; quy định của Nhà nước về sử dụng, vận hành, thiết bị trong hoạt động sản xuất…
Ngoài ra, thông qua tuyên truyền lưu động, ngành chức năng huyện đã phát trên 30 bài viết tuyên truyền về những điều cần biết về ATVSLĐ tại cụm công nghiệp địa phương số 2, trên tuyến quốc lộ 1B, 4B, đường Cao Lộc – Ba Sơn, đây là những khu vực tập trung nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn lao động.
Bên cạnh đó, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện cũng xây dựng kế hoạch hằng năm thực hiện kiểm tra từ 7 đến 12 doanh nghiệp về ATVSLĐ. Qua kiểm tra, đơn vị đã phát hiện một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện bảo đảm ATVSLĐ tại một số doanh nghiệp như: chưa thực hiện khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động, một số thiết bị chưa được kiểm định kịp thời… Qua đó, đề nghị doanh nghiệp kịp thời khắc phục và báo cáo kết quả về phòng.
Những ngày cuối tháng 5/2022, chúng tôi khảo sát thực tế tại Công ty TNHH Quyết Thắng thuộc xã Hợp Thành, đây là đơn vị chuyên sản xuất gạch nung tuynel có quy mô lớn trên địa bàn. Quan sát các khu vực sản xuất như: xưởng tạo hình; khu hấp sấy; khu lò nung chúng tôi nhận thấy hệ thống thiết bị dây truyền sản xuất khá tiên tiến, đội ngũ công nhân được trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ lao động, môi trường làm việc khá thông thoáng.
Ông Bùi Thế Đình, Quản đốc nhà máy sản xuất gạch cho biết: Đơn vị có 23 lao động có tay nghề để vận hành hệ thống dây truyền sản xuất, mặc dù hoạt động sản xuất đã được tự động hoá ở nhiều công đoạn nhưng không vì thế mà đơn vị lơ là công tác bảo đảm ATVSLĐ. Mỗi năm, đơn vị đầu tư khoảng 120 triệu đồng để trang bị bảo hộ cho người lao động như: găng tay mũ, kính, ủng, quần áo, mục tiêu nhằm bảo đảm sức khoẻ cho người lao động và thành lập mạng lưới an toàn viên ở hầu khắp các bộ phận sản xuất để thực hiện nghiêm túc công tác ATVSLĐ. Không những vậy, mỗi khi huyện tổ chức các lớp tập huấn về an toàn, đơn vị đều cử công nhân tham gia, vừa nâng cao hiểu biết vừa cập nhật kiến thức mới cho người lao động về ATVSLĐ.
Ông Hà Văn Đại, công nhân tổ đốt lò đã có 5 năm gắn bó với Công ty TNHH Quyết Thắng cho biết: Hằng năm, tôi đều được công ty trang bị ít nhất 2 bộ quần áo bảo hộ lao động kèm theo khẩu trang, mũ bảo hiểm, găng tay, kính. Trước khi bước vào ca làm việc, tôi và các công nhân đều thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo đảm an toàn lao động cũng như quy chế làm việc của công ty.
Tương tự, là đơn vị chuyên khai thác đá xây dựng trên địa bàn xã Hồng Phong, Công ty TNHH Hồng Phong đặc biệt quan tâm đến công tác ATVSLĐ. Ông Nguyễn Thanh Trường, Giám đốc điều hành mỏ đá Hồng Phong cho biết: Để bảo đảm an toàn trong khai thác, đơn vị thuê tư vấn để thiết kế mỏ và khai thác theo đúng thiết kế, đồng thời, đơn vị đầu tư thiết bị xe máy để hiện đại hoá quá trình sản xuất. Định kỳ đơn vị thực hiện kiểm định, bảo dưỡng cho từng thiết bị, xây dựng quy trình vận hành máy móc nhằm bảo đảm an toàn và tính ổn định trong quá trình khai thác các thiết bị phục vụ sản xuất. Đối với khu vực khai thác, đơn vị đều thực hiện cắm biển cảnh báo, biển nội quy ra vào khu vực khai thác mỏ. Theo đó, trước khi vào ca làm việc, người lao động phải mang đầy đủ trang thiết bị bảo hộ do công ty cấp, nắm chắc nội quy, quy chế lao động tại mỏ. Vì thế trong nhiều năm qua, mỏ đá Hồng Phong không để xảy ra tai nạn lao động.
Nhờ sự chủ động của các chủ doanh nghiệp cũng như việc đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn của các ngành chức năng huyện Cao Lộc trong thực hiện bảo đảm ATVSLĐ tại các doanh nghiệp, trong 5 năm gần đây, trên địa bàn huyện Cao Lộc không xảy ra tai nạn lao động tại các doanh nghiệp. Qua đó, giúp doanh nghiệp hoạt động ổn định hiệu quả, người lao động yên tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Ý kiến ()