Bảo đảm an toàn hồ, đập trong mùa mưa lũ
Hồ, đập thủy lợi, thủy điện là những công trình phục vụ nhiều mục tiêu, vừa làm nhiệm vụ cấp nước cho nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt, vừa tích nước để chạy máy phát điện và phục vụ các ngành kinh tế khác như giao thông, du lịch, chăn nuôi...Hồ, đập còn góp phần cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái, điều tiết lũ bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản nhân dân vùng hạ lưu. Tuy nhiên, hồ, đập cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ sự cố, đe dọa đến an toàn của công trình và phía hạ du, vì vậy vấn đề an toàn hồ, đập chứa nước cần phải được chú trọng và quan tâm đúng mức, nhất là trong điều kiện khí hậu diễn biến thất thường, trong đó có hiện tượng mưa lũ vượt ra ngoài các quy luật thông thường.Hiện nay, phần lớn các hồ chứa nước được xây dựng từ những năm 70 - 80 của thế kỷ trước. Hơn 90% số đập tạo hồ là đập đất. Loại đập này có điểm yếu là khi nước tràn qua thì dễ gây xói, moi sâu vào thân đập dẫn...
Hồ, đập còn góp phần cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái, điều tiết lũ bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản nhân dân vùng hạ lưu. Tuy nhiên, hồ, đập cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ sự cố, đe dọa đến an toàn của công trình và phía hạ du, vì vậy vấn đề an toàn hồ, đập chứa nước cần phải được chú trọng và quan tâm đúng mức, nhất là trong điều kiện khí hậu diễn biến thất thường, trong đó có hiện tượng mưa lũ vượt ra ngoài các quy luật thông thường.
Hiện nay, phần lớn các hồ chứa nước được xây dựng từ những năm 70 – 80 của thế kỷ trước. Hơn 90% số đập tạo hồ là đập đất. Loại đập này có điểm yếu là khi nước tràn qua thì dễ gây xói, moi sâu vào thân đập dẫn đến nứt vỡ. Ngoài ra, khi tần suất mưa lớn và kéo dài, đất thân đập bị ngấm nước làm giảm khả năng chống đỡ, dẫn đến trượt mái và hư hỏng đập. Còn nếu xảy ra động đất thì khả năng chống chịu của các công trình này cũng rất hạn chế. Bên cạnh đó, do thiếu kinh phí nên việc quản lý, sửa chữa, nâng cấp hồ, đập chưa được chú trọng khiến nhiều công trình bị xuống cấp, mất an toàn. Thực tế thời gian qua cho thấy hồ, đập dù lớn hay nhỏ khi bị vỡ đều gây thiệt hại nặng cho bản thân công trình, và ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế-xã hội vùng hạ du. Đặc biệt ở các hồ, đập mà hạ du là khu dân cư thì thiệt hại do vỡ hồ, đập gây ra sẽ lớn hơn gấp nhiều lần và phải mất nhiều năm sau mới có thể khắc phục được.
Việc bảo đảm an toàn các công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện không chỉ là nhiệm vụ của ngành thủy lợi, thủy điện mà phải là trách nhiệm của toàn xã hội. Trong đó, vai trò của thủy lợi được coi là trọng tâm. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Tờ trình đề nghị Chính phủ tiếp tục bố trí kinh phí để triển khai thực hiện Chương trình an toàn hồ chứa nước, với kinh phí dự kiến năm 2011 cần khoảng 3.000 tỷ đồng cho các bộ và địa phương sửa chữa các hồ chứa nước đã xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong khi nguồn vốn cho đầu tư nâng cấp các công trình hồ, đập hạn chế, Tổng cục Thủy lợi cần phối hợp các ngành, các cấp và địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý công trình để bảo đảm khai thác hiệu quả, bền vững hồ, đập. Khẩn trương hoàn thành việc sửa chữa, nâng cấp công trình đầu mối các hồ trước mùa mưa bão và từng bước nâng cấp hệ thống kênh mương dẫn nước nhằm bảo đảm an toàn và khai thác hiệu quả hồ chứa nước; xây dựng hệ thống thiết bị giám sát từ các hồ đến các cơ quan quản lý để kịp thời phát hiện sự cố xảy ra. Tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực về công tác quản lý hồ, đập, cũng như tuyên truyền cho nhân dân vùng hưởng lợi từ công trình hiểu được tầm quan trọng của công tác bảo đảm an toàn hồ, đập chứa nước để cùng tham gia quản lý, bảo vệ. Về lâu dài, Nhà nước cần sớm hoàn chỉnh các tiêu chuẩn và chế tài đối với vấn đề vận hành an toàn hồ, đập chứa nước; có chính sách đầu tư đúng hướng và nhất quán đối với sự nghiệp phát triển thủy lợi, thủy điện nói chung và công tác quản lý, bảo đảm an toàn hồ, đập nói riêng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()