Bảo đảm an toàn hồ chứa nước thủy lợi
Hồ chứa nước thủy lợi xây dựng với mục đích cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt kết hợp điều tiết nước phòng chống lũ trong mùa mưa, bão bảo đảm an toàn cho vùng hạ du. Tuy nhiên, sau nhiều năm vận hành, do tác động của biến đổi khí hậu cho nên hiện nay có hàng nghìn hồ chứa nước thủy lợi đang bị hư hỏng, xuống cấp, nguy cơ mất an toàn, nhất là trong mùa mưa, bão, lũ năm 2024.
Theo Cục Thủy lợi, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn từ năm 2021 đến 2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được bố trí 3.800 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp 30 công trình đập, hồ chứa thủy lợi.
Hàng nghìn hồ chứa hư hỏng, xuống cấp
Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề của thiên tai, biến đổi khí hậu, mưa, bão, lũ, các hồ chứa nước thủy lợi nếu không bảo đảm an toàn thì khi xảy ra sự cố sẽ gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Phó Cục trưởng Thủy lợi Nguyễn Hồng Khanh cho biết: "Trên địa bàn cả nước có 6.750 hồ chứa thủy lợi có dung tích trữ từ 50.000 m3 hoặc chiều cao đập từ 5m trở lên. Qua thống kê ở 45 địa phương hiện nay có 1.159 hồ đang bị hư hỏng, xuống cấp, trong đó có 338 hồ chứa nước thủy lợi bị hư hỏng nặng, 555 hư hỏng vừa và 266 hư hỏng nhẹ. Các địa phương có hồ chứa nước thủy lợi hư hỏng, xuống cấp nhiều như: Thanh Hóa 56 hồ chứa, Tuyên Quang 57 hồ chứa, Thái Nguyên 72 hồ chứa, Phú Thọ 63 hồ chứa, Hòa Bình 81 hồ chứa, Nghệ An 69 hồ chứa...
Hương Khê là địa phương có số lượng hồ, đập nhiều nhất tỉnh Hà Tĩnh, nhưng hầu hết đã xây dựng lâu năm trong điều kiện kỹ thuật không đồng bộ; quá trình quản lý, khai thác, vận hành thường xuyên chịu tác động của thiên tai cho nên nhiều công trình hư hỏng, xuống cấp, một số công trình có nguy cơ mất an toàn phải tích nước hạn chế.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hương Khê Nguyễn Trí Đồng: "Qua rà soát, toàn huyện hiện có 25 hồ, đập bị hư hỏng, xuống cấp, trong đó có 12 công trình nguy cơ mất an toàn cao cần được sửa chữa, nâng cấp, nhưng chưa được bố trí kinh phí. Các công trình thủy lợi xuống cấp không chỉ ảnh hưởng đến cung cấp nước tưới sản xuất, chống hạn mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dân vùng hạ du".
Ngoài các hồ, đập do địa phương quản lý, qua tìm hiểu chúng tôi được biết những năm gần đây hàng loạt công trình hồ, đập ở huyện Hương Khê do Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh quản lý, vận hành đã bị xuống cấp nhưng chưa được xử lý như: Hồ đập Trạng, xã Hương Thủy, hồ Nước Đỏ, xã Lộc Yên, hồ Chà Chạm, xã Gia Phố... Trong đó, hồ Mục Bài ở xã Hương Xuân với nhiệm vụ cấp nước tưới, tiêu cho 50 ha diện tích đất sản xuất và sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh Trần Duy Chiến cho biết: "Hồ chứa nước Mục Bài được xây dựng cách đây hơn 20 năm cho nên hiện trạng thân đập yếu, xuất hiện dòng thấm sau cống dưới chân đập. Bên cạnh đó, lưu vực hồ chứa lớn, khẩu độ tràn hẹp, thoát lũ chậm, mỗi lần mưa lớn, lưu lượng nước đổ về nhiều dẫn đến khó khăn trong công tác bảo vệ hồ chứa. Hiện nay, thân đập hồ Mục Bài có dấu hiệu bị thấm mạnh, phía mái hạ lưu đập chính có một số vị trí bị sạt lở tạo thành cung trượt; phía chân hạ lưu cống dưới đập nước thấm thành dòng gây sình lầy. Đặc biệt, phần thượng lưu được gia cố bằng đá lát khan đã bị xuống cấp, không còn đủ khả năng bảo vệ mái đập".
Chủ động xử lý kịp thời các sự cố
Phó Cục trưởng Thủy lợi Nguyễn Hồng Khanh cho rằng: "Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do nhiều công trình thủy lợi, trong đó có hồ chứa nước thủy lợi được đầu tư lâu, thi công xây dựng chủ yếu bằng thủ công, đập đất, nhiều công trình không có tràn sự cố, thiếu năng lực xả lũ. Trong quá trình vận hành, khai thác không đủ kinh phí để bảo trì, sửa chữa, nâng cấp, luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn".
Trao đổi về vấn đề này, Chi cục trưởng Thủy lợi tỉnh Hà Tĩnh Trần Đức Thịnh cho rằng: "Toàn tỉnh hiện có 348 hồ chứa nước thủy lợi do các doanh nghiệp, khối thủy nông cơ sở quản lý, khai thác... Hằng năm, các công trình này bảo đảm cấp nước phục vụ cho khoảng 55.000 ha diện tích sản xuất lúa vụ đông xuân, 44.000 ha sản xuất lúa vụ hè thu và hơn 14.000 ha cây rau màu, 2.800 ha nuôi trồng thủy sản và thực hiện vai trò cắt, giảm lũ khu vực hạ du, cải tạo môi trường sinh thái. Tuy nhiên, phần lớn các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đều được xây dựng cách đây từ 40 đến 50 năm, vào thời điểm đó, điều kiện, phương tiện thi công còn thiếu và yếu, chủ yếu là thủ công và thủ công kết hợp cơ giới; số liệu thủy văn, tài liệu đo đạc chưa được đầy đủ, quá trình lập hồ sơ dự án và thiết kế kỹ thuật chưa đề cập hết các trường hợp bất lợi của thiên tai. Bên cạnh đó, nhiều hồ, đập qua thời gian sử dụng lâu, thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng, cho nên đến nay toàn tỉnh có hơn 130 đập, hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp cần phải nâng cấp sửa chữa. Trong đó, nguy cơ mất an toàn đang hiện hữu tại 49 đập, hồ chứa do bị hư hỏng nặng, cần có phương án sửa chữa, khắc phục kịp thời".
Cũng theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Hà Tĩnh, những năm gần đây, biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, bất thường trong đó mưa lũ vượt ngoài các quy luật thông thường. Đồng thời, nắng nóng với nền nhiệt độ cao, kéo dài làm hạ thấp mực nước ngầm cũng là một trong số các nguyên nhân gây nên mất an toàn hồ chứa. Trong khi đó, số lượng công trình thủy lợi bị xuống cấp không bảo đảm an toàn nhiều, kinh phí đầu tư cho sửa chữa, nâng cấp hạn chế, nguồn vốn phân bổ cho các dự án đã đầu tư xây dựng thiếu.
Bên cạnh đó, trang thiết bị, phương tiện quản lý chưa tương xứng với quy mô, nhiệm vụ được giao, nhiều công trình hồ sơ bị thất lạc. Việc triển khai thực hiện một số nhiệm vụ theo quy định pháp luật về thủy lợi còn nhiều khó khăn về kinh phí như: Xây dựng phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cần phải có bản đồ ngập lụt kèm theo; cắm mốc hành lang bảo vệ công trình thủy lợi; lắp đặt thiết bị quan trắc đập, hồ chứa...
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) Phan Kỳ cho biết: "Mặc dù địa phương có nhiều công trình hồ, đập hư hỏng, xuống cấp cần nâng cấp, sửa chữa. Tuy nhiên, hiện nay nguồn ngân sách địa phương còn hạn chế cho nên việc cân đối, bố trí nguồn lực để xử lý các sự cố cũng như đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống công trình hồ, đập rất khó khăn. Vì vậy, thời gian tới đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh trình Chính phủ và các bộ, ngành xem xét hỗ trợ kinh phí đầu tư các công trình hồ, đập bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Đáng chú ý, trên địa bàn huyện có 9 công trình hồ chứa thuộc Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Trước mắt, huyện mong muốn tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ kinh phí để khắc phục, sửa chữa đập Khe Cọi (xã Hà Linh), hồ Cha Chạm (xã Gia Phố) trước mùa mưa, lũ năm 2024".
Để bảo đảm an toàn cho các hồ chứa nước thủy lợi trong mùa mưa, bão, lũ năm nay, các địa phương cần tổ chức kiểm tra tổng thể các hồ chứa thủy lợi, nhất là các hồ chứa bị hư hỏng nặng nhằm chủ động xây dựng, phê duyệt và triển khai phương án bảo đảm an toàn công trình theo phương châm "bốn tại chỗ"; tổ chức vận hành thử các cửa van, thiết bị phục vụ xả lũ của các hồ chứa nước và bố trí đủ vật tư, thiết bị dự phòng, bảo đảm kịp thời sửa chữa, thay thế trong trường hợp có sự cố vận hành; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn đập theo quy định.
Trong đó, hoàn thiện đăng ký an toàn đập; lập và thực hiện phương án ứng phó thiên tai, tình huống khẩn cấp; đánh giá an toàn các hồ chứa nước thủy lợi kịp thời phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường để có hướng xử lý kịp thời; chủ động xử lý các ẩn họa trên mái đập, thân đập như: Phát dọn cây cỏ, tổ mối, tháo dỡ chướng ngại vật trên tràn... bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình...
Ý kiến ()