Bảo đảm an toàn cho người dân vùng sạt lở đất ven sông ở Quảng Trị
Ở Quảng Trị có hàng nghìn hộ gia đình sống ven bờ các con sông, hằng năm vào mùa mưa lũ thường xuyên phải di dời để tránh sạt lở đất, cuốn trôi nhà cửa. Mặc dù chính quyền địa phương và các ngành liên quan đã có nhiều giải pháp chống sạt lở nhưng vẫn có hàng trăm mét bờ sông, hàng nghìn m3 đất bị cuốn trôi, đe dọa cuộc sống và sinh hoạt của người dân sống ven sông.
Ở Quảng Trị có hàng nghìn hộ gia đình sống ven bờ các con sông, hằng năm vào mùa mưa lũ thường xuyên phải di dời để tránh sạt lở đất, cuốn trôi nhà cửa. Mặc dù chính quyền địa phương và các ngành liên quan đã có nhiều giải pháp chống sạt lở nhưng vẫn có hàng trăm mét bờ sông, hàng nghìn m3 đất bị cuốn trôi, đe dọa cuộc sống và sinh hoạt của người dân sống ven sông.
Nhiều xóm, làng mất đất sản xuất
Thôn Xuân Lâm, xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng nằm ven con sông Nhùng, mỗi năm mùa lũ về, dòng nước chảy mạnh đã làm bờ sông bị sạt lở, nhiều diện tích đất nông nghiệp bị nước cuốn trôi. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, ông Hoàng Lẫm, ở thôn Xuân Lâm, có đất canh tác bị sạt lở cho biết: “Gia đình tôi làm gần năm sào đất màu ở vùng Ðồng Hóc. Hằng năm từ diện tích này gia đình tôi trồng các loại cây như lạc, ngô, sắn… cho thu nhập khá cao. Bình quân mỗi ha cây rau màu đạt từ 45 đến 50 triệu đồng/vụ. Tuy nhiên, trận lũ năm qua đã gây sạt lở mất đất rất nhiều. Nếu tình trạng sạt lở đất ven sông vẫn xảy ra thì chỉ vài năm nữa chúng tôi sẽ mất hết đất sản xuất”.
Gặp chúng tôi, Phó Trưởng thôn Trung Yên, xã Triệu Ðộ, huyện Triệu Phong Nguyễn Văn Huân không giấu được nỗi bức xúc trước tình trạng thôn bị mất đất, người dân phải di dời nhà trước sự hung hãn của dòng nước trên sông Thạch Hãn chảy qua thôn mỗi khi mùa mưa lũ về: 15 hộ gia đình phải di dời vào thôn Ðông Giám sinh sống; gần 20 hộ còn lại sống trong nơm nớp lo sợ vì tình trạng sạt lở đất diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn.
Cán bộ địa chính xã Triệu Ðộ Ðinh Cao Cả cho biết, Trung Yên là thôn bị sạt lở nặng và nguy cấp nhất, cần sớm được di dời. Xã cũng đã tính đến việc bố trí đất để chuyển các hộ gia đình ở vùng sạt lở đến sinh sống nhưng hiện đang gặp nhiều khó khăn do quỹ đất của xã không còn nhiều.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, trước đây UBND xã Triệu Ðộ đã di dời gần 150 hộ gia đình ở các vùng sạt lở thuộc các thôn Gia Ðộ, An Dạ, An Lợi, Trung Yên đến nơi ở mới an toàn. Chỉ riêng thôn Trung Yên những năm qua đã có hơn 7,8 ha đất bị nước sông gây sạt lở cuốn trôi hoàn toàn. Các thôn ở dọc theo sông Thạch Hãn như An Lợi, An Dạ, Gia Ðộ cũng bị sạt lở nhưng diễn ra chậm hơn, đến nay cũng mất hơn 15 ha đất ở và đất sản xuất nên quỹ đất ở xã Triệu Ðộ đang ngày càng thu hẹp lại khó khăn cho việc bố trí đất để di dời dân.
Về làng cổ Hội Kỳ, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng mới thấy hết được sức tàn phá của dòng nước trên sông Ô Lâu. Mới chỉ sau mấy trận mưa mà tuyến đường bê-tông men theo bờ sông đã bị sạt lở nhiều điểm, trong đó có hai điểm nước ăn sâu vào tận mép đường với chiều dài hơn 10 m, sâu hơn 20 m. Nhiều diện tích đất hoa màu bị nước cuốn trôi. Người dân thôn Hội Kỳ mong muốn các cấp, ngành sớm có giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở đất, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cũng như giữ được những ngôi nhà rường cổ quý giá còn lại nơi đây.
Ở ven các sông Bến Hải, huyện Vĩnh Linh; sông Hiếu, huyện Cam Lộ; sông Ða Krông, huyện Ða Krông; sông Lai Phước, TP Ðông Hà… tình trạng sạt lở cuốn trôi đất sản xuất, đe dọa đến nhà ở của nhiều hộ gia đình và cuộc sống của người dân vẫn thường xảy ra, đã đến lúc phải báo động để có giải pháp chống sạt lở kịp thời.
Giải pháp chống sạt lở, giữ đất
Nhiều người dân ở các địa phương sống bên bờ sông sạt lở ở các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Vĩnh Linh và Ða Krông cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sạt lở đất xảy ra ngày càng nhanh và nghiêm trọng là do nạn khai thác cát sạn đang diễn ra cả ngày lẫn đêm trên các dòng sông nhưng không được ngăn chặn triệt để.
Ði dọc các con sông như Thạch Hãn, Ô Lâu, Ða Krông… mới thấy hết hậu quả của việc khai thác cát sạn tràn lan khó có thể khắc phục được. Dọc theo bờ sông, do sóng nước mạnh từ các thuyền máy chở cát cộng với việc nạo hút sâu đã khiến hàng trăm mét chiều dài bờ sông sụt lún, xói lở nghiêm trọng, có nơi những lùm tre và các loại cây được trồng trên bờ nay trở thành dòng chảy. Chính quyền ở một số địa phương đã không mạnh tay trong việc đấu tranh, xử lý dứt điểm cho nên tình trạng khai thác cát sạn trái phép vẫn diễn ra hằng ngày trên các con sông…
Ông Nguyễn Hùng, ở thôn An Ðôn, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, nơi có dòng sông Thạch Hãn chảy ngang qua cho biết: Ðôi bờ sông Thạch Hãn, mấy năm về trước là vùng đất màu mỡ, cây trái tốt tươi nhờ được phù sa bồi đắp thường xuyên. Giờ đây, phía thượng lưu và hạ lưu cầu Thạch Hãn hoang tàn, sạt lở mất hàng chục mét đất mỗi năm; hai bên bờ sông giờ đã thành bãi tập kết với hàng núi cát, sạn cao ngất, vào mùa hè gió Lào thổi mạnh làm nên “bão cát” tác động rất lớn đến môi trường sống của người dân…
Ðể hạn chế sạt lở các bờ sông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị Nguyễn Văn Bài đề nghị, các địa phương cần đẩy mạnh công tác đấu tranh ngăn chặn tình trạng khai thác cát, sạn trái phép quyết liệt hơn như cưỡng chế, đình chỉ hoạt động đối với các bến bãi tập kết, kinh doanh cát, sạn chưa được cấp phép đã kiểm tra, nhắc nhở nhiều lần mà vẫn tiếp tục vi phạm. Bên cạnh đó, phải xử lý nghiêm đối với cán bộ địa phương thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý hoặc tiếp tay cho hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sạn trái phép trên địa bàn…
Những năm qua, các địa phương có sông chảy qua ở tỉnh Quảng Trị đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây kè chống xói lở đất nhưng chưa được bao nhiêu. Tỉnh Quảng Trị đã hỗ trợ hơn 30 tỷ đồng cho hai huyện Triệu Phong, Ða Krông và Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh thực hiện dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng sạt lở đất, lũ ống và lũ quét. Nguồn vốn hỗ trợ chủ yếu đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng vùng định cư mới, xây nhà ở và ổn định cuộc sống của người dân trong thời gian đầu đến nơi ở mới. Huyện Triệu Phong đã triển khai xây dựng hơn 3,5 km hệ thống kè chống sạt lở bờ sông trên địa bàn huyện (tổng nguồn vốn 34 tỷ đồng), trong khi đó, số đoạn bờ sông cần được xây dựng kè lên đến hàng chục km… Hệ thống kè đã phát huy tốt chức năng chống xói lở đất, hạn chế được những thiệt hại về nhà cửa, hoa màu và đất canh tác của người dân nhưng đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, vượt quá khả năng của địa phương cho nên rất cần sự quan tâm đầu tư của tỉnh và Trung ương.
Mùa mưa lũ đang đến gần, để bảo đảm an toàn cho các hộ gia đình, các cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương ở tỉnh Quảng Trị cần khẩn trương tìm giải pháp di dời dân trong vùng sạt lở, đồng thời kiên quyết truy bắt, xử phạt nghiêm minh các đối tượng khai thác cát trái phép vì đây là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng sạt lở đất dọc bờ sông xảy ra ngày một nghiêm trọng hơn.
Nhandan
Ý kiến ()