Bảo đảm an toàn cho du khách trong mùa du lịch biển
Mùa du lịch biển ở nước ta thường bắt đầu từ kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5, kéo dài đến kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2-9. Thời gian này, ở các địa phương có du lịch biển sẽ diễn ra nhiều hoạt động khai hội, mở cửa bãi tắm cùng những liên hoan văn hóa, nghệ thuật, du lịch, thể thao quốc tế.
Hàng triệu lượt du khách sẽ đổ về các trung tâm, đô thị biển và các bãi tắm, gây nên tình trạng quá tải vào dịp nghỉ lễ, nghỉ cuối tuần hoặc có các sự kiện, gây mất an toàn, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho du khách nếu chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, lơi là trong công tác cứu hộ và nhắc nhở du khách tuân thủ các quy định.
Nhìn chung, ở tất cả các khu du lịch biển và những bãi tắm hiện nay, số lượng nhân viên khá mỏng so với số lượng du khách, thiếu sự hỗ trợ, liên kết chặt chẽ với các ban, ngành liên quan, gây khó khăn và hạn chế trong việc kiểm soát; có nơi thiếu biển báo thông tin và cảnh báo các nguy cơ, rủi ro, đồng thời hướng dẫn du khách xử lý tình huống tại các bãi tắm nguy hiểm, có đá ngầm, sóng lớn. Nhiều điểm cắm biển báo, song bị lấp khuất hoặc mờ nhạt, nhìn không rõ hoặc bị biến thành nơi đổ rác thải, bốc mùi xú uế. Ðã có những trường hợp xảy ra tai nạn, cảm nắng, bệnh tật trên bãi tắm, mất an ninh, trật tự, nhưng người dân và du khách lúng túng, tìm mãi mới thấy biển báo thông tin về địa điểm sơ cứu hay số điện thoại đường dây nóng. Có khu tắm biển bố trí các lều dã chiến y tế và lực lượng cứu hộ thường trực thưa thớt với khoảng cách xa, sử dụng các thuyền chèo tay thô sơ, chưa có xuồng cao tốc, gây chậm trễ trong các tình huống cứu hộ khẩn cấp.
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng dịch vụ cho thuê mô-tô nước, gây nguy hiểm cho du khách khi phóng với tốc độ cao trong bãi tắm đông người. Sự buông lỏng quản lý, chạy theo lợi nhuận cũng làm nảy sinh nhiều hoạt động dịch vụ không bảo đảm an toàn do người dân ở địa phương tự tổ chức, như ngồi thuyền thúng câu mực, câu cá hoặc sử dụng thuyền gỗ thô sơ không đủ tiêu chuẩn chở khách tham quan. Một số đơn vị tổ chức hoạt động du thuyền ở các vịnh biển vẫn vi phạm chở người quá tải, không trang bị đầy đủ phao cứu sinh, phòng cháy, chữa cháy…
Những hạn chế nêu trên đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường du lịch nước ta. Yêu cầu đặt ra cho ngành du lịch các địa phương là cần tích cực phối hợp các cấp chính quyền, lực lượng chức năng liên quan trong thực hiện bảo đảm an toàn, tuyên truyền du khách có ý thức thực hiện các nội quy, quy định an toàn, kiên quyết không để du khách tắm ở nơi nguy hiểm. Công tác cứu hộ ở các bãi tắm, khu du lịch biển cần được bố trí một cách khoa học, thiết lập hệ thống biển cảnh báo rõ ràng; tăng cường lực lượng cứu hộ, kiểm tra, giám sát, phòng tránh tai nạn. Ở các bãi tắm, tùy theo mức độ an toàn và quy mô, nên thiết lập các trung tâm y tế có cán bộ y tế trực, xử lý tình huống cùng các chòi quan sát, cứu hộ có khoảng cách gần hơn; chú trọng đầu tư các phương tiện chuyên chở cứu hộ và thông tin liên lạc hiện đại, có khả năng xử lý nhanh.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng phải thường xuyên kiểm tra hệ thống thiết bị cứu sinh đủ tiêu chuẩn hoạt động trên các phương tiện tàu, thuyền du lịch; chở đúng số lượng người; xử lý nghiêm, loại bỏ những dịch vụ tự phát. An toàn là tiêu chí hàng đầu và cũng là mong muốn của mỗi chúng ta về một mùa du lịch biển.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()