Bảo đảm an toàn các tuyến đê mùa mưa, bão
Hiện nay, các tuyến đê trên cả nước có khoảng 2.055 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 2.710 km. Trong đó có 91 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 218 km; 735 điểm sạt lở nguy hiểm, tổng chiều dài 911 km và 1.229 điểm sạt lở nhỏ.
Thời gian qua, hệ thống đê điều được quan tâm đầu tư, nâng cấp ở tất cả các vùng miền; trong đó đã xử lý được nhiều vị trí trọng điểm xung yếu, nhất là các tuyến đê từ cấp ba trở lên thuộc hệ thống đê sông Hồng, sông Thái Bình và một số tuyến đê biển trọng yếu, bao gồm cả tuyến đê Biển Đông và Biển Tây.
Tuy nhiên, công tác dự báo lượng mưa còn hạn chế cho nên việc chỉ đạo, điều hành phòng, chống lũ, bảo đảm an toàn công trình đê điều đang gặp nhiều khó khăn; nhiều hệ thống đê điều xuống cấp không bảo đảm an toàn. Bên cạnh đó, những năm gần đây, thiên tai có xu hướng cực đoan hơn và ngày càng tăng về cường độ, tần suất, không theo quy luật, gây nhiều thiệt hại về kinh tế cũng như ảnh hưởng đến an toàn đê điều.
Năm 2017, hệ thống đê sông, đê biển đã chịu nhiều ảnh hưởng bởi bão mạnh, lũ lớn, dẫn đến nhiều sự cố. Riêng bão số 10 kết hợp với triều cường khiến nước dâng cao, sóng lớn làm hư hỏng nhiều tuyến đê biển từ TP Hải Phòng đến tỉnh Thừa Thiên – Huế với tổng chiều dài hơn 55 km. Ngoài ra, vào giữa tháng 11, trên hệ thống sông Đáy, sông Hoàng Long, sông Mã… xảy ra đợt lũ lớn và trái vụ gây ra 242 sự cố về đê, trong đó có nhiều điểm đặc biệt nguy hiểm uy hiếp đến an toàn đê.
Nhằm chủ động công tác hộ đê, phòng, chống thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do lũ, bão gây ra đối với các hệ thống đê trong mùa mưa, bão năm 2018, các địa phương cần khẩn trương hoàn thành việc tu bổ, duy tu bảo dưỡng đê điều, các công trình đang thi công liên quan đến đê điều trước mùa mưa bão; xử lý sự cố công trình đê điều bị hư hỏng do bão, lũ năm 2017; lập phương án bảo vệ các khu vực trọng điểm, xung yếu trong mùa mưa, lũ năm 2018.
Đồng thời các địa phương huy động mọi nguồn lực chủ động xử lý những sự cố phát sinh trước và trong mùa lũ, bão; có phương án bảo đảm an toàn cho công trình khi có lũ, bão liên quan đê điều (mới thi công xong); tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá chất lượng các công trình dưới đê để phát hiện các cống xung yếu, hư hỏng nhằm sửa chữa, hoành triệt tạm thời hoặc vĩnh viễn đối với các cống không bảo đảm an toàn. Bên cạnh đó, các địa phương cần xây dựng phương án hộ đê tương ứng với từng tuyến đê, từng khu vực trọng điểm theo phương châm “bốn tại chỗ”; phối hợp chặt chẽ lực lượng quân đội đóng trên địa bàn để chuẩn bị hộ đê theo phương án và kế hoạch; chuẩn bị đủ số lượng, chủng loại vật tư dự trữ hộ đê cho từng tuyến đê.
Theo Nhandan
Ý kiến ()