Bảo đảm an sinh xã hội trong quá trình tái cơ cấu kinh tế
Tái cơ cấu kinh tế là một quá trình mở, có nội hàm và quy mô rộng lớn, đồng bộ và toàn diện nhằm chuyển mạnh nền kinh tế từ phát triển bề rộng sang bề sâu, tập trung phát triển các ngành có hàm lượng công nghệ và vốn ngày càng cao, loại bỏ bớt nhiều ngành, nghề, sản phẩm đã mất sức cạnh tranh hoặc không còn phù hợp thị trường trong nước và quốc tế...Quá trình này là cần thiết và đúng đắn, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển đất nước và điều kiện tích cực nhất để bảo đảm an sinh xã hội.Tuy nhiên, do tái cơ cấu kinh tế đã, đang và sẽ liên quan trực tiếp hay gián tiếp tới các khía cạnh của an sinh xã hội, nhất là vấn đề việc làm, thu nhập, nhà ở, giáo dục và y tế... nên nếu làm không tốt, nhất là chuẩn bị không kỹ và hành xử tùy tiện, duy ý chí, thì thậm chí ngay ở những bước đi đầu tiên, tái cơ cấu kinh tế đã làm bộc phát và ngày càng gia tăng áp lực bảo đảm an sinh...
Quá trình này là cần thiết và đúng đắn, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển đất nước và điều kiện tích cực nhất để bảo đảm an sinh xã hội.
Tuy nhiên, do tái cơ cấu kinh tế đã, đang và sẽ liên quan trực tiếp hay gián tiếp tới các khía cạnh của an sinh xã hội, nhất là vấn đề việc làm, thu nhập, nhà ở, giáo dục và y tế… nên nếu làm không tốt, nhất là chuẩn bị không kỹ và hành xử tùy tiện, duy ý chí, thì thậm chí ngay ở những bước đi đầu tiên, tái cơ cấu kinh tế đã làm bộc phát và ngày càng gia tăng áp lực bảo đảm an sinh xã hội.
Cùng với sự tăng tốc quá trình tái cơ cấu kinh tế trong tương lai, áp lực bảo đảm an sinh xã hội cũng sẽ gia tăng gắn với xu hướng gia tăng sự phân hóa xã hội sẽ gia tăng làm cho các nhóm xã hội yếu thế ngày càng trở nên yếu thế hơn và dễ bị tổn thương hơn do hạn chế về khả năng cạnh tranh và phòng ngừa rủi ro. Các dòng di chuyển việc làm, di chuyển lao động diễn ra với cường độ ngày càng mạnh, tạo áp lực lớn cho việc bảo đảm quyền và cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, quyền thụ hưởng các chính sách an sinh của các nhóm dân cư dễ bị tổn thương. Hơn nữa, sinh kế và thu nhập của người dân nói riêng, việc bảo đảm an sinh xã hội chung còn chịu áp lực tổng thể của điều kiện địa – tự nhiên, địa – kinh tế đặc thù của Việt Nam và ở mỗi địa phương; xu thế già hóa dân số; mức đóng và hưởng bảo hiểm xã hội, cũng như mức độ bền vững về tài chính, tính liên kết giữa các chế độ, chính sách an sinh xã hội trong nước và các nguy cơ bất ổn truyền thống và phi truyền thống từ bên ngoài, như khủng hoảng kinh tế – tài chính, thiên tai, dịch bệnh… đến quốc kế dân sinh ngày càng nhanh và mạnh. Trong khi đó chúng ta lại chưa có nhiều kinh nghiệm phòng, chống rủi ro trong bối cảnh toàn cầu hóa và còn hạn chế về nguồn lực dành cho các hoạt động phòng, chống rủi ro.
Ngoài ra, tái cơ cấu kinh tế đòi hỏi cần nhiều các loại hình và sản phẩm dịch vụ bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ, hàng hóa và phi hàng hóa trên một thị trường bảo hiểm rủi ro ngày càng mở rộng quy mô và độ sâu. Nếu coi nhẹ việc này cũng đồng nghĩa với sự gia tăng áp lực bảo đảm an sinh xã hội trong cả hiện tại, cũng như tương lai.
Phát triển kinh tế nhanh, bền vững, thực hiện có hiệu quả tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển đã, đang và sẽ vẫn là chủ trương lớn và nhất quán lâu dài của Đảng và Nhà nước ta. Nghị quyết số 15-NQ/T.Ư “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020” do Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XI thông qua ngày 1-6-2012 đã khẳng định bài học lớn của thời kỳ Đổi mới và chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước là coi chính sách xã hội vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, ổn định chính trị – xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta; đồng thời phải được đặt ngang tầm với chính sách kinh tế và thực hiện đồng bộ với phát triển kinh tế, phù hợp với trình độ phát triển và khả năng nguồn lực trong từng thời kỳ; Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách xã hội, đồng thời huy động sự tham gia mạnh mẽ của toàn xã hội; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội đối với khu vực nông thôn, dân tộc thiểu số, các đối tượng lao động di cư, người thuộc diện thu hồi đất, bị tác động bởi khủng hoảng, người có công, trẻ em, người già, người tàn tật; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nhằm phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020 cơ bản bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin, truyền thông, góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân.
Với tinh thần đó, trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, việc bảo đảm an sinh xã hội phải được cụ thể hóa thành các nội dung yêu cầu và nhiệm vụ trong các đề án tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế, khu vực ngành nghề, doanh nghiệp, cũng như trong từng đề án tái cơ cấu của mỗi ngành, địa phương và mỗi đơn vị, tổ chức kinh tế, nhất là kinh tế nhà nước; thường xuyên xây dựng, hoàn thiện và triển khai những chính sách, chương trình rủi ro, phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro; triển khai đồng bộ nhằm giúp các đối tượng thụ hưởng tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ công cộng, nhất là về y tế, giáo dục, dạy nghề, trợ giúp pháp lý, nhà ở… Hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các chính sách về bảo đảm thị trường, tín dụng, việc làm; phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu cho các địa phương phục vụ người dân tốt hơn. Đặc biệt, cần phát triển cả bề rộng và bề sâu hệ thống an sinh xã hội cơ bản, toàn diện, bền vững, đa tầng và linh hoạt với nhiều nguồn vốn, nhiều lớp phòng ngừa, bao quát và bảo đảm cho mọi người dân đều được tham gia hệ thống này gồm năm trụ cột: Bảo hiểm xã hội; Bảo hiểm y tế; Bảo hiểm thất nghiệp; Cứu trợ xã hội; Trợ giúp và ưu đãi xã hội. Trong đó, cần có chính sách đồng bộ và hiệu quả hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, đào tạo và tái đào tạo, học nghề; sớm nghiên cứu xây dựng và triển khai Luật Việc làm; các chương trình việc làm ở các địa phương trong sự tương hợp với Chương trình việc làm công. Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Chính phủ và Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, hỗ trợ hộ cận nghèo để giảm nghèo bền vững; thống nhất đầu mối quản lý các chương trình, chính sách theo hướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương chỉ quản lý mục tiêu, hỗ trợ nguồn lực, hướng dẫn thực hiện, tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện, phổ biến điển hình; địa phương chịu trách nhiệm quản lý nguồn lực, tổ chức thực hiện. Phân cấp mạnh cho các địa phương và đề cao trách nhiệm của địa phương trong việc quản lý, sử dụng, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện. Hoàn thiện các quy định về việc quản lý và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của các tổ chức và cá nhân, bảo đảm minh bạch, hiệu quả. Nâng cao năng lực thực thi chính sách của cấp cơ sở; mở rộng đối tượng và đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ bảo hiểm xã hội; khuyến khích nông dân, lao động trong khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Thực hiện tốt công tác hỗ trợ đột xuất, trợ giúp xã hội kịp thời với sự tham gia của khu vực tư nhân vào chăm sóc người cao tuổi, trẻ mồ côi, người khuyết tật, người dân bị thiệt hại khi gặp rủi ro, thiên tai; đa dạng hóa sản phẩm, và giảm giá nhà ở xã hội phù hợp nhu cầu và khả năng thực tế cho người thu nhập thấp trên cơ sở thu hẹp diện tích tối thiểu, ưu đãi tài chính và các hỗ trợ khác cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở về đất đai, quy hoạch, vốn, thủ tục.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong chỉ đạo và thực hiện công tác bảo đảm an sinh xã hội; xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử về an sinh xã hội các cấp, hộ gia đình, mã số cá nhân và bộ chỉ số an sinh xã hội và có sự liên thông, kết nối toàn quốc; xây dựng và công bố định kỳ báo cáo quốc gia về an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, xuất khẩu nhiều lao động, kể cả lao động có đào tạo cao, coi đây như một giải pháp tổng thể chiến lược và dài hạn, cho phép đạt cùng lúc nhiều mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội trong quá trình tái cơ cấu kinh tế cả trước mắt, cũng như lâu dài, cả cấp vĩ mô, cũng như cấp vi mô…
Theo Nhandan
Ý kiến ()