Báo chí trên tuyến đầu chống dịch Covid-19
Những phóng viên không quản ngày, đêm để có được những câu chuyện, hình ảnh chân thực về cuộc chiến chống dịch Covid-19 trên khắp cả nước.
Nóng bỏng mặt trận thông tin về Covid-19
Một bức tranh toàn cảnh về cuộc chiến chưa từng có về dịch Covid-19 ở Việt Nam và toàn cầu đã được tái hiện sinh động, chân thực và đầy ấn tượng trên các phương tiện truyền thông đại chúng trong suốt gần sáu tháng qua, kể từ khi dịch được ghi nhận ở Việt Nam vào khoảng cuối tháng 1-2020.
Trong nước, lúc bấy giờ, những người làm báo chuyên theo dõi mảng sức khỏe, những phóng viên thời sự đã xác định tâm thế tác nghiệp mới. Nhiều phóng viên nhận nhiệm vụ đến vùng tâm dịch hay sống tại tâm dịch, có tiếp xúc với những bệnh nhân nghi ngờ dương tính… đều chọn cách an toàn tự cách ly với gia đình, với tòa soạn để bắt trọn khoảnh khắc nóng bỏng ở tuyến đầu. Nhiều tòa soạn hay các Đài Truyền hình lớn đã có những khu cách ly đặc biệt, chuyên dành cho các phóng viên chuyên thông tin tại các điểm nóng vừa làm nơi sản xuất tin, bài và là nơi nghỉ ngơi. Nhiều tòa soạn chia đội ngũ làm việc ra các nhóm tách biệt, không tiếp xúc giữa các nhóm để giảm xác suất rủi ro lây nhiễm.
Đó là những ngày tháng, không chỉ sẵn sàng chấp nhận đối mặt với nguy hiểm của loại dịch bệnh mới Covid-19, mà còn là những thách thức trên mặt trận thông tin với các nhà báo, để có được những điểm riêng, độc đáo trong những tác phẩm báo chí của mình.
Các phóng viên tác nghiệp tại điểm nóng tuyến đầu điều trị – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Các nhà báo bước vào đợt làm việc căng thẳng nhất. Toàn bộ tòa soạn được phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng phóng viên, trực chiến ngày đêm để có được bản tin tổng hợp cập nhật nhất theo từng múi giờ. Nhiều tờ báo, nhiều đài truyền hình sẵn sàng “cài cắm” phóng viên sống tại tâm dịch để có những bản tin trực tiếp hằng ngày. Ở đó, họ không chỉ ghi nhận câu chuyện vất vả, khó khăn của các y, bác sĩ, các cán bộ y tế, các chiến sĩ công an, quân đội, các cán bộ địa phương tại vùng dịch, mà họ còn ghi lại những câu chuyện đẹp trong hành trình người dân cả nước cùng đồng lòng, chung sức, tuân thủ cách ly để thực hiện thắng lợi cuộc chiến Covid-19.
Những cơ quan thông tấn lớn trong cả nước như VTV, VOV, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân Dân… cập nhật nhanh nhất về các thông tin chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia; về ghi nhận những ca mắc mới, tình hình điều trị của Việt Nam; về những chính sách của Việt Nam đối với công tác cách ly, khoanh vùng, dập dịch; về chính sách nhân đạo của Việt Nam trong những chuyến bay quốc tế đưa công dân Việt Nam về nước… Cùng với sự đồng hành của báo chí, truyền thông, các thông điệp trong từng giai đoạn chống dịch của cả nước được người dân đồng hành, ùng hộ.
Các phóng viên “trực chiến” từng phút để có được những bản tin nóng hổi. Và để làm được điều đó, nhiều nhà báo đã không ngại xông pha vào những điểm nóng nhất. Nhiều cuộc tác nghiệp vô cùng đặc biệt, khi các nhà báo phải đứng từ xa hàng mét để phỏng vấn. Nhiều nhân vật, chúng tôi chỉ có thể tiếp cận thông tin thông qua những cuộc điện thoại vào lúc nửa đêm, khi họ tranh thủ thời gian nghỉ ngơi ít ỏi để chia sẻ về công việc. Nhiều bản tin trên truyền hình, các khách mời đã xuất hiện một cách khác biệt bằng cách trả lời qua video call hoặc họ tự quay clip trả lời gửi về tòa soạn, đài truyền hình.
Từ phía sau, các tòa soạn báo làm việc online ngày đêm, xuất bản nhiều chuyên trang tuyên truyền riêng về dịch bệnh Covid-19. Cũng như nhiều tờ báo khác, các ấn phẩm của báo Nhân Dân nhanh chóng vào cuộc, coi nhiệm vụ thông tin về dịch bệnh đến người dân là cấp bách hàng đầu. Nhân Dân điện tử với đặc thù đưa tin nhanh, đã thành lập Tổ công tác tuyên truyền về dịch bệnh, xuất bản hàng nghìn tin, bài thời sự, chuyên sâu, các bài phân tích đánh giá từ phía cơ quan quản lý, các chuyên gia y tế trong phòng, chống dịch. Với sự tiếp cận thông tin về dịch bệnh từ rất sớm ngay khi những ca bệnh đầu tiên được ghi nhận tại Trung Quốc, Báo Nhân Dân điện tử đã phát đi những cảnh báo đầu tiên từ phía Bộ Y tế Việt Nam về nguy cơ dịch bệnh từ cuối năm 2019. Và từ đó tới nay, các thông tin được chuyển tải bằng nhiều hình thức phong phú đa dạng từ Infographic, Megastory, Longform…
Lăn xả vào điểm nóng, chấp nhận thiệt thòi xa gia đình làm việc ngày đêm khi cả xã hội đang giãn cách xã hội, sẵn sàng đối mặt với nguy hiểm của bệnh truyền nhiễm, hy sinh bản thân vì sự an toàn của những người phía sau… là cách mà nhiều nhà báo nói chung và các nhà báo theo dõi lĩnh vực y tế, thời sự nói riêng đã đồng cam, cộng khổ với các chiến sĩ ở tuyến đầu chống dịch gần nửa năm qua để đóng vai là “người kể chuyện” trong đại dịch Covid-19.
Sẵn sàng cách ly gia đình để lao vào điểm nóng
11 giờ đêm ngày 6-3, cả Hà Nội như ngồi trên chảo lửa khi ghi nhận ca mắc đầu tiên tại Hà Nội, có sự lây lan trong cộng đồng. Hà Nội họp xuyên đêm để bàn các giải pháp đối phó, khoanh vùng, dập dịch. Các nhà báo, phóng viên ở tất cả các tuyến, cũng có một đêm không ngủ. Và đó, không chỉ là một đêm không ngủ duy nhất trong cuộc đời làm nghề của nhiều phóng viên sẵn sàng lao vào các điểm nóng.
Phóng viên Hoàng Giang Huy (Báo điện tử VnExpress) xách ba lô nặng trĩu trên vai lao vào tâm điểm Trúc Bạch đêm 6-3. Lúc ấy, thứ duy nhất để phòng vệ chỉ có khẩu trang. Đồ bảo hộ đúng chuẩn chỉ có được, khi anh đã kịp ghi nhận xong một chùm ảnh phun thuốc khử trùng toàn khu phố. “Lúc ấy thật sự không nghĩ gì đến nguy hiểm, không sợ điều gì, chỉ có một suy nghĩ duy nhất, mình cần phải hoàn thành công việc một cách nhanh nhất để chuyển tải những hình ảnh mới nhất đến độc giả”, anh Huy nói.
Phóng viên Hoàng Giang Huy trên hành trình đến Lạng Sơn.
Phóng viên ảnh kỳ cựu này kể, lần liều mình duy nhất là những ngày đầu khi dịch mới khởi phát ở Việt Nam. Bất chấp hiểm nguy từ virus SARS-CoV-2 có thể tấn công cơ thể bất kỳ lúc nào, anh và nhiều phóng viên đã không ngại ngần tiếp xúc với các bệnh nhân dương tính. Anh cũng có mặt trong phòng cách ly đặc biệt, nơi chăm sóc những bệnh nhân Covid-19 nặng nhất để có được những bức ảnh chân thật về công tác chăm sóc người bệnh của các y, bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
“Lúc ấy, chúng tôi vẫn còn mơ hồ về dịch bệnh lắm, cũng chỉ nghĩ mình cứ bảo hộ tốt, thì sẽ không bị lây”, anh Huy tâm sự.
Thế nhưng, khi dịch bắt đầu bùng phát mạnh, Hà Nội bắt đầu trở thành tâm dịch lớn, anh và các đồng nghiệp bắt đầu cảm nhận được một nỗi sợ lan tỏa trong trí não vốn rất bản lĩnh trong hơn 15 năm làm báo của mình. Lúc đó, anh chưa hề sẵn sàng cho một cuộc xa cách nào với chính người thân của mình.
Phóng viên Hoàng Giang Huy tại ổ dịch Hạ Lôi.
Cuối tháng 3-2020, anh chính thức tự cách ly mình với gia đình bằng việc thuê một phòng trọ riêng biệt, để tránh nguy cơ có thể lây cho vợ con và gia đình. “Lần đi xa gia đình này không phải là cuộc đi lâu nhất trong đời làm báo. Nhưng đó là khoảng thời gian nhiều bất an, vì lo cho gia đình, lo cho bản thân rất nhiều. Có đôi lúc bị mệt mỏi, cảm nhẹ và cũng mơ hồ mình có nguy cơ bị mắc bệnh. Nhưng may mắn những triệu chứng ấy lại đi qua rất nhanh. Cả đội mấy anh em tác nghiệp với nhau đều dặn nhau, cố gắng bảo hộ tốt nhất để không ai mắc bệnh”, anh Huy kể.
Trong suốt gần sáu tháng chống dịch vừa qua, phóng viên Hoàng Giang Huy đã có mặt tại nhiều điểm nóng nhất từ tâm dịch Sơn Lôi, Bạch Mai cho tới những Trung tâm cách ly ở Lạng Sơn, cửa khẩu Tân Thanh, cửa khẩu Kim Thành… Những bộ ảnh của anh từ các trung tâm cách ly tập trung, tới hình ảnh chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân ở tuyến đầu điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đều được anh chớp những khoảnh khắc xúc động nhất.
Anh đã có nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời làm nghề của mình tại cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Những bữa cơm ăn vội, những đêm cách ly nhớ con chỉ biết gọi điện thoại, những cảm xúc cũng dễ bị vỡ òa trước sự sung sướng của nhiều người dân hoàn thành cách ly đều được anh dồn nén, chất chứa trong những phóng sự ảnh “biết nói” của mình. Anh cũng đã từng gặp sự cố nghề nghiệp khi bị ngã, chấn thương đầu gối, vỡ ống kính máy ảnh khi tác nghiệp tại Lạng Sơn. Nhưng với anh, những điều đó không hề hấn gì, chỉ tiếc duy nhất là đã không thể ghi nhận được kiểu ảnh nào ngày hôm ấy.
Sống trọn khoảnh khắc tại tâm dịch nóng nhất cả nước
Có mặt tại điểm nóng nhất – Bệnh viện Bạch Mai trong 14 ngày cách ly, phóng viên Nguyễn Đình Hoàn (Phóng viên Kênh VTC14, Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC, Đài Tiếng nói Việt Nam) tâm sự: “Đó là những tháng ngày không thể nào quên”.
Ngày 28-3, Bệnh viện Bạch Mai chính thức bị phong tỏa trong đêm. Phóng viên trẻ Nguyễn Đình Hoàn nhận nhiệm vụ cùng một ê-kíp chính thức “dọn vào” Bệnh viện Bạch Mai để ghi nhận một cuộc sống đặc biệt của các y, bác sĩ trong 14 ngày. Vốn là phóng viên theo dõi mảng cháy nổ, lũ lụt, thảm họa nên đứng trước một nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm, Hoàn và đồng nghiệp không tránh khỏi lo lắng. Nhưng vượt qua sự lo lắng ấy, nhiều thông điệp, nhiều câu chuyện cảm động đã được truyền đi đầy ấn tượng.
Hoàn kể, hằng ngày, các y, bác sĩ làm việc hết công suất thay cho những y, bác sĩ khác đang cách ly tại nhà, thay cả người nhà bệnh nhân. Sự bận rộn làm họ quên đi sợ hãi, lo lắng. Nhưng khi đêm đến, mỗi người lại có một cảm xúc rất riêng. Khi nghĩ về người thân, về chồng, con đang ở nhà, các bác sĩ, điều dưỡng đều không giấu được sự nhớ nhung, buồn tủi.
Phóng viên Nguyễn Đình Hoàn và ê-kíp ghi lại trọn vẹn những câu chuyện đặc biệt tại tâm dịch Bạch Mai.
Những khoảnh khắc chân thực nhất của ca cấp cứu nữ bệnh nhân bị ngưng tim hai lần đã được cả ê-kíp ghi lại trọn vẹn. “Thông thường chỉ cần bệnh nhân ngừng tim trong một giờ là đã không thể cứu được. Tuy nhiên, với bệnh nhân lần này, bằng linh cảm nghề nghiệp, các bác sĩ tin tưởng có thể cứu sống. Và họ kiên trì suốt hai giờ ép tim và điều kỳ diệu đã xảy ra khi người phụ nữ trẻ 30 tuổi được cứu sống”. Và hẳn nhiên, những thước phim sinh động ấy đã được anh và ê-kíp ghi lại, trở thành một thứ tư liệu quý giá cho nhiều năm sau này.
Nguyễn Đình Hoàn cũng không thể nào quên hình ảnh chàng thanh niên côi cút ở Thanh Hóa chịu tang cha qua điện thoại nơi góc vắng của bệnh viện. Đưa bố ra bệnh viện để chữa trị đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, cậu đã tìm đủ mọi cách để cứu chữa cho cha. Các bác sĩ đã làm hết sức, nhưng điều kỳ diệu không xảy ra. Anh đã phải nhờ Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ đưa thi thể của bố ra ngoài cho người thân hỏa thiêu, đưa về quê. Còn bản thân vẫn phải ở trong Bệnh viện Bạch Mai để cách ly, theo dõi theo quy định. “Là con trai duy nhất trong nhà, khi bố mất, không được ở bên cạnh. Đó là những cảm xúc khó quên mà Hoàn và ê-kíp của VTC14 được chứng kiến và vô cùng day dứt”, Hoàn chia sẻ.
Phóng viên Đình Hoàn (thứ hai từ trái sang) ghi lại bức hình kỷ niệm với các y, bác sĩ BV Bạch Mai.
Là nhà báo lao vào rất nhiều điểm nóng như cháy nổ, lũ lụt, hay từng có một tuần sống tại Indonesia để phản ánh về những thiệt hại do trận động đất gây ra, tàn phá nặng nề quốc gia này, lần tác nghiệp này mang lại quá nhiều cảm xúc tích cực và anh cảm thấy khâm phục thêm tinh thần của những chiến sĩ áo trắng trong cuộc chiến với Covid-19. Hoàn kể, trước khi quyết định chuyến công tác dài ngày 14 ngày ở tâm dịch, người duy nhất anh chia sẻ là chị gái và mọi người trong nhà đều giấu kín để tránh những lo lắng, bận tâm không đáng có. Thế nhưng, với vai trò phóng viên dẫn chương trình trực tiếp, nên dù đã đeo khẩu trang, mặc phòng hộ kín mít nhưng khi lên hình hàng xóm vẫn nhận ra.
“Hôm nhận được điện thoại của mẹ, lúc đó tôi buộc phải nói dối con chỉ quay hình ở khu vực an toàn, quay xong thì về cơ quan thôi, để mẹ khỏi lo”, Hoàn nói.
Nhà báo Phan Ý Linh (Trung tâm sản xuất các chương trình Giáo dục VTV7, Đài Truyền hình Việt Nam) trong những ngày nằm vùng tại Bạch Mai cũng đã ghi trọn vẹn cảm xúc về những khó khăn, vất vả của những y, bác sĩ vừa thực hiện cách ly, vừa tận tâm chăm sóc người bệnh. Với nhà sản xuất trẻ này, những ngày ở tâm dịch, chị thấy sứ mệnh làm nghề báo và đạo đức nghề nghiệp được dâng lên cao nhất. “Chúng tôi luôn tự nhủ rằng, mỗi câu nói và hình ảnh mà ê-kíp đưa lên truyền hình sẽ ảnh hưởng tới bao nhiêu con người. Và vai trò của mình không chỉ là ghi lại khoảng khắc lịch sử nó còn là đưa thông tin chính xác, động viên tinh thần của các bác sĩ cùng vượt qua và chiến thắng dịch bệnh”, Phan Ý Linh tâm sự.
Bên cạnh hình ảnh những chiến sĩ áo trắng chiến đấu ở tuyến đầu xét nghiệm sàng lọc, điều trị, bên cạnh hình ảnh những chiến sĩ áo xanh ngày đêm canh gác ở biên giới, ở những khu cách ly tập trung… thì những phóng viên tuyến đầu cũng đã có những ngày tháng cùng chống dịch căng thẳng trên tuyến đầu thông tin. Họ cũng sẵn sàng xa gia đình cả tháng, chấp nhận cách ly tập trung hoặc thuê phòng trọ ở riêng, phải thu xếp gửi con cái về nội, ngoại… và họ cũng chuẩn bị sẵn tinh thần đối mặt với nguy cơ bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2, để có được những câu chuyện để lan tỏa cảm xúc tích cực đến với mọi người cùng đồng hành trong cuộc chống loại dịch bệnh nguy hiểm này.
Xin mượn một câu nói tâm đắc của GS, AHLĐ Nguyễn Anh Trí, để gửi lời tri ân đến các nhà báo trên mặt trận thông tin phòng, chống Covid-19: “Báo chí đã làm tròn vai của mình trong việc truyền thông về dịch bệnh Covid-19. Nếu truyền thông không tốt, sự hiểu biết của nhân dân về cách phòng, chống dịch bệnh không tốt thì người dân sẽ không có được sự đồng lòng, cùng chung tay chống dịch để có được kết quả thắng lợi bước đầu của chúng ta hiện nay”.
Theo Nhandan
Ý kiến ()