Báo chí tham gia bảo vệ quyền trẻ em
Giờ học của cô và trò Trường mầm non Thanh Xuân Bắc (Hà Nội).
Mới đây nhất, việc ông Nguyễn Hữu L. (61 tuổi, TP Đà Nẵng) sàm sỡ bé gái trong thang máy (tại quận 4) bị truy tố về hành vi “Dâm ô trẻ em” đã cho thấy thực trạng nhức nhối về bạo hành, xâm hại trẻ em ở TP Hồ Chí Minh nói riêng, ở nước ta nói chung. Bởi người vi phạm có sự am tường về pháp luật song không xem trọng QTE, để rồi vi phạm trắng trợn. Không chỉ riêng vụ việc trên, tại TP Hồ Chí Minh vẫn xảy ra rất nhiều các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em mà kẻ vi phạm không phải là thiếu trình độ, thiếu nhận thức. Có thể kể sự việc cô giáo Nguyễn Ngọc Thúy L. (Trường tiểu học Bông Sao, quận 8) đã phạt học sinh lớp 2 úp mặt xuống bàn vì nói chuyện trong giờ học. Nếu chỉ dừng lại ở hình phạt “úp mặt”, thì cô L. cũng đã vi phạm “quyền được bảo vệ để không bị bạo lực”. Thế nhưng do “khó chịu vì cháu hé mắt, ngẩng lên”, cô giáo này đã có hành vi “hành hạ” ở hành động “giúi đầu xuống bàn làm răng cửa cháu va vào cạnh bàn và gãy”; hay như vụ việc bà “mẹ nuôi” ở quận 9 tên Nguyễn Thị Mỹ L. đánh cháu bé (một tuổi, con riêng của người sống như vợ chồng với mình) gãy một chân phải vào điều trị cấp cứu chỉ vì “cháu hay khóc, không bú cho nên đánh”. Ở đây có thể thấy rõ, người mẹ nuôi này đã vi phạm “quyền được chăm sóc thay thế” của cháu bé, bà này còn vi phạm pháp luật khi hành hạ cháu bé gây thương tích. Hình thức bạo hành trở nên tinh vi hơn khi một cô giáo (tại một trường THPT huyện Nhà Bè) suốt bốn tháng liền lên lớp chỉ ghi bảng mà không nói gì. Việc làm của cô giáo vi phạm “quyền được tiếp cận thông tin”, làm ảnh hưởng tâm sinh lý các học sinh, những đối tượng được pháp luật ưu tiên bảo vệ.
Trong thực tế, thời gian gần đây, vấn đề bạo hành, xâm hại, xâm phạm thân thể trẻ em diễn ra rất nhiều, nhất là ở các đô thị lớn, các khu vực đông dân cư lao động nơi điều kiện trường học, cơ sở y tế chưa theo kịp tỷ lệ gia tăng dân số. Một bộ phận lớn cư dân tuy có đủ trình độ văn hóa, nhưng chưa được trang bị kiến thức về QTE cho nên các vụ vi phạm quyền này ngày càng tăng, kéo theo hành vi vi phạm pháp luật. Với quy mô dân số 13 triệu người (80% sống ở khu vực thành thị), trong đó có khoảng hơn 1,51 triệu trẻ em độ tuổi từ 0 đến 16 tuổi (16.054 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, 35.097 em đang có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, 25.030 trẻ sống trong các hộ cận nghèo và 350 nghìn trẻ nhập cư – năm 2017); với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và sự gia tăng dân số nhập cư, khó lòng bảo đảm trẻ em được tiếp cận công bằng các dịch vụ xã hội có chất lượng; việc bị bạo hành, xâm hại sẽ còn xảy ra.
TP Hồ Chí Minh có 38 cơ quan báo chí gồm 16 báo, 20 tạp chí, một đài phát thanh và một đài truyền hình. Ngoài ra còn có 142 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương khác thường trú, tạo nên một nguồn lực rất mạnh cho công tác tuyên truyền thông tin với hơn 2.300 nhà báo (có thẻ) hoạt động theo Luật Báo chí. Những năm qua, báo chí còn trực tiếp vận động, kêu gọi xã hội trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; trẻ em bị hành hạ, ngược đãi, đánh đập; trẻ em bị bắt lao động trái quy định của pháp luật; trực tiếp tố giác các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em. Ngoài ra, báo chí còn giám sát và lên tiếng mỗi khi trẻ em bị xâm phạm quyền được bảo vệ, quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, quyền học tập; báo chí cũng can thiệp để trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được an toàn, hòa nhập gia đình, cộng đồng; báo chí cũng giám sát việc thực hiện QTE theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em…
Chính phủ Việt Nam đã phê chuẩn Công ước quốc tế QTE từ năm 1990 và Luật Trẻ em 2016 đã có hiệu lực từ ngày 1-6-2017. Tuy nhiên, rất nhiều người dân chưa hiểu, hoặc không chịu hiểu, không chịu làm theo quy định của pháp luật bảo vệ trẻ em. Báo chí, truyền thông cần tuyên truyền sâu rộng, liên tục Công ước Quốc tế về QTE, Luật Trẻ em,…; phân tích chỉ rõ các hành vi vi phạm, các mức án mà người vi phạm QTE bị pháp luật trừng phạt. Các cơ quan chủ quản báo chí cũng cần có sự nhìn nhận thấu đáo về tầm quan trọng của “trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” để dành nhiều dung lượng hơn, nhiều “đất” để báo chí tham gia bảo vệ QTE và giáo dục QTE trên báo chí.
Theo PGS, TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng Quyền Con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhiều tín hiệu khả quan, đầy triển vọng trong việc thúc đẩy giáo dục, thực thi pháp luật về QTE, như: Tháng 9-2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1309/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người (trong đó có QTE) vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Như vậy, chỉ có giáo dục toàn diện, căn bản về quyền con người (trong đó có QTE) cho toàn bộ hệ thống pháp luật, chính quyền, công chức viên chức, nhất là giáo dục thế hệ tương lai của đất nước được am hiểu, từ đó tôn trọng và bảo vệ quyền con người (trong đó có QTE) thì Việt Nam mới hội nhập sâu rộng và tuân thủ các công ước quốc tế về quyền con người (trong đó có QTE). Điều này phải bắt đầu từ nhận thức của mỗi người dân, thông qua phương tiện báo chí, truyền thông như một lớp “sơ cấp vỡ lòng” về quyền con người, trong đó có QTE.
Theo Nhandan
Ý kiến ()