Báo chí qua 30 năm đổi mới
Ngày 29/12 tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức Hội thảo quốc gia “ Báo chí 30 năm đổi mới - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.
Ảnh: VGP/Nguyên Thảo |
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu khẳng định, 30 năm qua (1986-2016) là chặng đường có ý nghĩa đặc biệt trong lịch sử dân tộc.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986) đã thực sự đổi mới tư duy lãnh đạo của Đảng, nền tảng để đổi mới toàn diện công cuộc xây dựng và phát triển đất nước sau chiến tranh, giải phóng mọi năng lực xã hội, vì mục tiêu chung xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo qua 30 năm đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử, được nhân dân trong nước và dư luận quốc tế thừa nhận và đánh giá cao.
Trong công cuộc đổi mới của đất nước, báo chí là lực lượng đi đầu tuyên truyền, cổ vũ chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng và chính báo chí cũng được hưởng những thành quả của đổi mới tư duy lãnh đạo của Đảng với công tác báo chí. Đồng thời, báo chí cũng đã tự đổi mới hoạt động, để theo kịp với sự phát triển của đất nước, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng và đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa quan trọng. Mặt khác, trước tình hình quốc tế ngày có những diễn biến khó lường, trước những yêu cầu mới của nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, báo chí cũng đang bộc lộ những bất cập, yếu kém, bên cạnh cơ hội mới, báo chí cũng đối mặt với nhiều thách thức phải vượt qua.
Hội thảo đã nhận được hơn 70 tham luận từ khắp nơi trong cả nước, tập trung chủ yếu đánh giá những bài học kinh nghiệm hoạt động báo chí qua 30 năm đổi mới
Tại hội thảo, các đại biểu đã nhìn nhận, thảo luận, đánh giá những bài học kinh nghiệm hoạt động báo chí qua 30 năm đổi mới.
Đây là những vấn đề về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước đối với báo chí 30 năm qua; vai trò và đóng góp của báo chí đối với sự phát triển của đất nước; những thành tựu và bài học kinh nghiệm; sự phát triển của lý luận báo chí và những vấn đề đặt ra hiện nay nhất là những thách thức từ sự ảnh hưởng và cạnh tranh thông tin của báo điện tử, truyền thông xã hội đối với báo chí truyền thống; những vấn đề nghiệp vụ báo chí. Trong đó, tập trung thảo luận về công tác quản lý, chỉ đạo báo chí; tính chuyên nghiệp trong khai thác và xử lý thông tin; những sai phạm bất cập thường gặp; trách nhiệm và chất lượng cung cấp thông tin của các cơ quan chức năng, đối với báo chí; những kinh nghiệm, bài học nghiệp vụ trong tác nghiệp; xử lý mối quan hệ báo chí và cách mạng xã hội; những vấn đề đặt ra trong công tác đào tạo, bồi dưỡng báo chí hiện nay; Những xu hướng phát triển báo chí hiện đại và sự thích ứng của báo chí Việt Nam. Và đặc biệt là những vấn đề đặt ra về đạo đức nghề nghiệp của nhà báo hiện nay, liên hệ với việc thực hiện 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, thực hiện Luật Báo chí 2016.
Nhà báo lão thành Phan Quang nhấn mạnh tới vai trò của nhà báo trong đổi mới và đạo đức báo chí. Trong đó có 1 vấn đề nhiều người trăn trở: Quy định đạo đức nghề nghiệp ban hành đã lâu, tại sao chưa đi vào cuộc sống? lý giải vấn đề này, Nhà báo Phan Quang cho rằng tại chúng ta thiếu sự ràng buộc. Bản quy định đạo đức nghề nghiệp vừa được Ban Chấp hành Trung ương Hội thông qua (Bản 2016), có hiệu lực từ 1/1/2017 cùng Luật Báo chí, trong Điều 10 ( điều cuối) đòi hỏi người làm báo “cam kết thực hiện 9 điều trên” (toàn văn quy định), coi đó là bổn phận, nguyên tắc hành nghề và lương tâm, trách nhiệm của người làm báo. Đã cam kết đương nhiên người cam kết tự nguyện chịu một hình thức chế tài nào đó tuỳ thuộc mức độ, trong trường hợp mình vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Trên mặt trận tư tưởng, người làm báo phải tôn trọng sự thực, khách quan, trung thực, không cắt xén, cường điệu, xuyên tạc. Nhà báo phải tôn trọng đồng nghiệp, hợp tác, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau.
PGS.TS Phạm Văn Linh – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, năm 2016 là năm mà công tác chỉ đạo, quản lý báo chí đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, tích cực. Nhiều cơ quan báo chí đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng; đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; phản bác thông tin sai trái, luận điệu xuyên tạc, âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, sự nghiệp đổi mới của nhân dân. Tuy nhiên, năm 2016 báo chí Việt Nam cũng bộc lộ không ít yếu kém, khuyết điểm kéo dài, chậm khắc phục. Vẫn còn tình trạng khai thác thông tin một chiều, tập trung nhấn mạnh khuyết điểm và tiêu cực mà thiếu cách nhìn toàn diện khi đánh giá vụ việc. Tình trạng khai thác thiếu chọn lọc các sự việc, vấn đề theo kiểu giật gân, câu khách, chiều theo thị hiếu thiếu lành mạnh của một bộ phận công chúng chưa được khắc phục triệt để.
Để khắc phục tình trạng trên theo ông Phạm Văn Linh, báo chí trong năm 2017 cần tiếp tục đổi mới tư duy trong chỉ đạo, quản lý, chủ động, kịp thời, thuyết phục, hiệu quả. Đổi mới, nâng cao chất lượng, khắc phục cơ bản sự chồng lấn giữa các đơn vị, tăng cường đối thoại, tạo sự đồng thuận, tự giác trong thực hiện định hướng thông tin.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()