Báo chí góp phần nâng cao dân trí cho cư dân nông thôn
LSO- Nói chuyện tại hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế họp tại Việt Nam ngày 1/9/1961, Bác Hồ tâm sự: “Về học vấn, tôi chỉ học hết tiểu học. Về hiểu biết phổ thông, 17 tuổi tôi mới nhìn thấy ngọn đèn điện lần đầu tiên, 20 tuổi mới nghe rađio lần đầu”. Thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự học để có trình độ học vấn rộng lớn, sự hiểu biết uyên bác trên các lĩnh vực, trong đó báo chí là một kênh quan trọng đối với việc tự học của Người.
Nông nghiệp là điều kiện cần thiết đầu tiên cho sự sinh tồn của xã hội, là nền tảng của công nghiệp và dịch vụ. Địa bàn nông thôn là khu vực tập trung phần lớn cư dân trong thành phần dân số. Nếu thông tin là sự sống còn của xã hội hiện đại thì báo chí là chiếc cầu nối hiệu quả giữa công chúng cư dân nông thôn và thông tin.
Thực tế hiện nay, nhu cầu tiếp nhận thông tin từ báo chí của nhóm công chúng cư dân nông thôn ngày càng tăng. Bởi sống trong xã hội hiện đại, cư dân nông thôn cần có thông tin để bù đắp những thiếu hụt trong cuộc sống để mình không bị lạc hậu; họ cần bổ sung vốn tri thức, khoa học, kỹ thuật, công nghệ, vốn sống, kỹ năng, kinh nghiệm sống để có thể thích nghi tốt trong điều kiện hoàn cảnh mới.
Từ chiếc máy chữ này của Hồ Chủ tịch đã ra đời nhiều văn kiệnquan trọng đối với vận mệnh của Tổ quốc. Ảnh: Tư liệu
Xã hội ngày càng phát triển và không phải ai cũng có mặt ở mọi lúc, mọi nơi để chứng kiến sự thay đổi, phát triển. Chính vì lẽ đó, báo chí là kênh thường xuyên và luôn luôn có những thông tin mới giúp cho cư dân nông thôn thực hiện được mong muốn, thoả mãn nhu cầu nâng cao nhận thức, hiểu biết và tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Báo chí còn là một môi trường học tập bổ ích, sinh động đối với cư dân nông thôn; nó hỗ trợ đắc lực cho vốn kinh nghiệm truyền đời của cộng đồng, bù đắp kiến thức thực tế, lôi cuốn cư dân nông thôn tham gia vào các vấn đề xã hội, củng cố tri thức, kinh nghiệm về các lĩnh vực của cuộc sống mà họ quan tâm, củng cố kỹ năng sống, ảnh hưởng trực tiếp đến lao động, công việc, thu nhập,… của họ. Báo chí không những là con đường hữu ích bổ sung nhận thức, tri thức khoa học, bồi dưỡng lập trường quan điểm sống mà còn là một trong những công cụ để kiểm chứng những kiến thức lĩnh hội từ các cuộc tập huấn và chuyển giao công nghệ, kiểm chứng những kinh nghiệm đúc rút từ thực tiễn lao động, sản xuất,…
Thực tế cho thấy, nhu cầu tiếp nhận sản phẩm báo chí của cư dân nông thôn rất lớn, phong phú, đa dạng; cá nhân nào chủ động, tích cực tiếp nhận và tham gia giao tiếp nhiều với sản phẩm báo chí thì trong công việc, kỹ năng ứng xử luôn chủ động, tích cực, có khả năng thích ứng với mọi môi trường nhanh nhạy hơn. Qua các cuộc trao đổi, thảo luận nhóm cho thấy, khá nhiều người nắm được và bàn bạc về dòng thông tin thời sự chủ lưu như: vị thế của Việt Nam đang được nâng cao trên trường quốc tế, những ảnh hưởng của thời cuộc, tác động của các sự kiện trong nước, thế giới có ảnh hưởng đến tư tưởng, cách nhìn nhận và đánh giá về xu hướng diễn biến hoặc đời sống thiết thực của mỗi cá nhân cư dân nông thôn.
Tuy nhiên, hiện nay còn một bộ phận cư dân nông thôn chưa tạo cho mình thói quen về tiếp nhận thông tin qua báo chí. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của tác phong lao động và môi trường sinh sống, đa số cư dân nông thôn chưa thật tự tin trong thể hiện chính kiến của mình và tham gia các hoạt động xã hội; chưa chủ động trong việc tìm kiếm thông tin để bồi bổ vốn tri thức, nâng cao nhận thức, hiểu biết về xã hội nói chung và phục vụ công việc, lao động sản xuất nói riêng.
Báo chí là một sản phẩm có vai trò quan trọng, giúp cư dân nông thôn nâng cao hiểu biết về tình hình thời sự của địa phương, đất nước và thế giới; những giá trị truyền thống quý báu của quê hương, dân tộc, công việc, ngành nghề. Cư dân nông thôn có thể tìm hiểu, học hỏi để có thêm hiểu biết về trồng trọt, chăn nuôi, xu hướng phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thị hiếu người tiêu dùng, thị trường tiêu thụ sản phẩm,… Qua đó, tạo thêm nhiều việc làm, lao động sản xuất hiệu quả, nâng cao thu nhập trong cùng một thời gian lao động. Vì vậy, cư dân nông thôn nên tích cực đọc báo, nghe đài, xem tivi, truy cập Internet,… để có thêm nhiều kiến thức bổ ích.
Sinh thời, mỗi ngày, Bác Hồ xem hàng chục tờ báo và lấy bút chì đỏ đánh dấu những chỗ quan trọng rồi hướng dẫn người khác cùng xem, Người khuyên: “Muốn có nhiều tài liệu phải xem cho rộng… Xem được nhiều thứ báo chừng nào thì lấy được nhiều tài liệu chừng ấy”. Để tránh hiện tượng bị động trong tiếp nhận thông tin báo chí và tránh việc đọc suông, cư dân nông thôn nên học tập cách xem báo của Bác Hồ.
NGUYỄN ĐỨC LUẬN (Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Lạng Sơn)
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()