Báo chí Bỉ đưa tin đậm nét về chuyến thăm châu Âu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Trong những ngày qua, báo chí Bỉ đã đưa tin và có những bài viết đánh giá cao chuyến thăm châu Âu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Bài viết phân tích Kế hoạch hành động triển khai Quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN-EU giai đoạn 2023-2027 của Cơ quan hành động đối ngoại châu Âu (EEAS) đã chỉ ra 4 lĩnh vực hợp tác cần thúc đẩy trong quan hệ song phương, nhất là kinh tế, thương mại và chính sách an ninh. Thông qua mở rộng hợp tác kinh tế, viện trợ cơ sở hạ tầng cho các nước Đông Nam Á, EU kỳ vọng khu vực sẽ đóng vai trò chính trong chuỗi cung ứng cho các nước châu Âu, làm tiền đề thúc đẩy các hợp tác chiến lược về chính sách an ninh, quốc phòng với khu vực ASEAN nói riêng và rộng hơn là khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh ASEAN – EU lần thứ 10. Ảnh: TTXVN |
Báo “EU Today” dẫn lời Thượng Nghị sĩ Andries Gryffroy, Phó chủ tịch Thường trực Thượng Viện Bỉ cho rằng Việt Nam có vị trí địa chiến lược quan trọng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Theo quan chức này, “nền kinh tế Việt Nam hiện là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng và giá trị kinh tế khu vực ASEAN với nhiều lợi thế như: Môi trường vĩ mô ổn định, nền kinh tế năng động, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng, tình hình chính trị ổn định, nhất quán trong chính sách phát triển kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài”.
Dẫn số liệu của Viện nghiên cứu châu Âu về châu Á (EIAS), bài báo nhấn mạnh EU là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3, thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam. EU hiện cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 27,6 tỷ USD (lũy kế đến tháng 8-2022). Riêng 8 tháng đầu năm 2022, tổng vốn đăng ký đầu tư của EU tại Việt Nam đạt 2,2 tỷ USD, tăng 69,6% so cùng kỳ năm 2021.
Trong lĩnh vực thương mại, Phòng Thương mại và Đầu tư vùng Flanders (Bỉ) đánh giá Việt Nam không chỉ là cầu nối giữa thị trường của các nước ASEAN và EU mà còn là địa điểm hấp dẫn các nhà đầu tư châu Âu, đặc biệt trong lĩnh vực như công nghệ sạch, thực phẩm, đồ uống và logistic.
Tờ “The Brussels Times” (Thời báo Brussels) của Bỉ ngày 12-12 có bài “Việt Nam – Đối tác phát triển bền vững, điểm sáng đầu tư của EU tại Đông Nam Á”, trong đó nhấn mạnh năm 2022 tiếp tục là năm thế giới trải qua nhiều biến động lớn, thách thức sự phát triển, tiến bộ chung của nhân loại. EU với vai trò tiên phong dẫn dắt, đã đang nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh không chỉ trong phạm vi lục địa châu Âu mà còn mở rộng, lan tỏa tới các quốc gia, khu vực đang phát triển như Đông Nam Á, châu Phi.
Trong đó, ASEAN, đối tác chiến lược của EU từ năm 2020, đang nổi lên là khu vực kinh tế năng động hàng đầu tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Bài viết nhận định sự kết hợp giữa hai tổ chức khu vực uy tín bậc nhất của châu Á và châu Âu sẽ thúc đẩy sớm hàn gắn chuỗi cung ứng quốc tế, tái khởi động toàn cầu hóa đang suy giảm từ sau đại dịch Covid-19 và xung đột tại Ukraine; nhấn mạnh các đối tác khu vực của EU như Việt Nam, điểm sáng kinh tế trong bối cảnh hiện nay, có đầy tiềm năng để thúc đẩy quan hệ hợp tác mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa vì lợi ích của người dân và lợi ích của thế giới, khu vực.
Báo này cũng nhận định quan hệ Việt Nam – EU đang ở thời kỳ tốt đẹp nhất trong lịch sử với nhiều khuôn khổ hợp tác, tiêu biểu là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Báo chí Bỉ đều cho rằng chuyến thăm chính thức nước này của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính từ ngày 13 đến 15-12 với nhiều hoạt động ý nghĩa, chắc chắn sẽ là một dấu mốc mới và là một động lực để thúc đẩy quan hệ song phương lên tầm cao mới.
Đáng chú ý, trước khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU, Viện nghiên cứu châu Âu về châu Á (EIAS) đã công bố báo cáo dài 7 trang, đánh giá về quan hệ EU – Việt Nam với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác EU – Việt Nam, tài trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh và công bằng”, trong đó nhận định Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, định hướng trở thành trung tâm sản xuất tại khu vực; song cũng là nước có nguy cơ cao trước các hiểm họa thiên nhiên.
Báo cáo nhấn mạnh EU đóng vai trò hàng đầu trong thúc đẩy “công bằng khí hậu”, luôn quan tâm tới kế hoạch tăng trưởng xanh của Việt Nam. Báo cáo cũng khẳng định các cơ chế tài chính như Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) hứa hẹn thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam với các nền kinh tế phát triển để giải quyết khủng hoảng khí hậu.
Báo cáo cho rằng EVFTA có vai trò như một cơ chế để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh. Việt Nam có thể trở thành nước đi đầu trong ASEAN phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng sạch từ các nước phát triển thông qua các diễn đàn quốc tế như Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) và Nhóm Các nước đang phát triển (G77).
Trong quá trình đó, EU nên có các hình thức hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam. Các ngành công nghiệp EU cần hỗ trợ Việt Nam chủ động hơn trong phát triển, thực hiện các chính sách chuyển đổi xanh quốc gia. Sự điều chỉnh này có thể đóng vai trò là một công cụ tích cực để tăng cường hành động của EU và quan hệ đối tác với Việt Nam, ASEAN.
Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU, báo Bỉ bày tỏ tin tưởng đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu sẽ tiếp tục cam kết định hướng phát triển của Việt Nam là phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, phát triển xanh và bền vững, chuyển đổi số, chuyển tiếp sinh thái, đổi mới sáng tạo,…; khẳng định những cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) hoàn toàn tương đồng với những ưu tiên của Bỉ và chương trình nghị sự của EU.
Các báo trên kết luận chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là dịp để Bỉ và các nước EU thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực, vì lợi ích của người dân và vì lợi ích chung của nhân loại.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()