Báo cáo vi phạm bản quyền phần mềm toàn cầu: "Đánh giá của BSA về Việt Nam là bất công"
Đây là một trong những đánh giá của Tổng Thư ký Hội Tin học VN TS. Nguyễn Long về Bản báo cáo thực trạng vi phạm bản quyền phần mềm toàn cầu hàng năm do Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp Quốc tế (BSA) và Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDC) công bố.
Tỷ lệ vi phạm bản quyền ở Việt Nam vẫn giữ 85%
“Những số liệu mà họ công bố đã thể hiện sự vô tâm của họ trước những nỗ lực của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam trong vấn đề triển khai sử dụng các phần mềm có bản quyền” – ông Long nói.
Ông đánh giá như thế nào về những con số mà BSA và IDC đưa ra về vấn đề bản quyền phần mềm tại Việt Nam trong báo cáo về thực trạng vi phạm bản quyền phần mềm toàn cầu năm 2009?
TS. Nguyễn Long:Chúng tôi đã xem lại phương pháp tính của Bản báo cáo thực trạng vi phạm bản quyền phần mềm toàn cầu và thấy rằng nó có vấn đề, đấy là chưa kể tới cách họ thu thập số liệu.
Tuy nhiên, cũng nên nhìn nhận những điểm tích cực của bản báo cáo đó. Trước khi bản báo cáo của BSA “bị” chúng ta quan tâm, trong bản này Việt Nam còn đứng trong top 10 các nước có tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm lớn nhất nữa. Nhưng nay, Việt Nam không còn nằm trong danh sách này.
Hoá ra, năm 2009 Việt Nam cũng đã bỏ ra tới 62 triệu USD để mua bản quyền phần mềm, so với 45 triệu USD của năm 2008. Tăng tới gần 40%. Chí ít đó cũng là những mặt tích cực.
Quay trở lại với cách tính của họ, hiện giờ BSA chưa có trả lời vì sao lại tính toán như vậy. Tuy nhiên phản biện của các chuyên gia CNTT Việt Nam cho thấy BSA và IDC chỉ tính toán các con số từ tỷ lệ sử dụng máy tính cá nhân bao gồm máy tính để bàn và note book trong khi đó không tính những dòng khác như máy chủ, di động…
Những dòng sản phẩm này cũng sử dụng phần mềm. Vì vậy, phần mềm trên máy tính cá nhân không được coi là đại diện cho phần mềm nói chung.
Những phần mềm có bản quyền nhưng được sử dụng nhờ tặng, tài trợ không thu tiền không được tính vào, coi như giá trị bằng 0.
Nhưng nặng nhất là những phần mềm nguồn mở, phần mềm tự do BSA coi đó chỉ có giá trị bằng 0.
Những cách tính đó bỏ sót rất nhiều.
TS. Nguyễn Long |
Việc BSA và IDC không tính giá trị của những phần mềm nguồn mở và phần mềm tự do là không hợp lý?
Một thực tế hiện nay nước nào còn nghèo, sử dụng phần mềm nguồn mở và phần mềm tự do để giảm bớt chi phí thì bị liệt vào nước có tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm cao. Nếu như Chính phủ Việt Nam giống như một số quốc gia đang sử dụng 100% phần mềm nguồn mở thì chắc tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm cũng là 100%.
Theo quan điểm của tôi, một tổ chức phi chính phủ đưa ra đánh giá như vậy thì cần phải công khai và minh bạch trong cách tính để người ta có thể nhìn nhận được.
Tính bản quyền cho máy tính cá nhân thì không thể đánh đồng vi phạm bản quyền phần mềm cho tất cả khối phần mềm.
Phải nói rõ vi phạm bản quyền phần mềm này chỉ tính cho các phần mềm thương mại để thấy được những nỗ lực của chúng ta. Xu thế hiện nay các nước nghèo không có cách nào khác là phải tiếp cận với phần mềm nguồn mở.
Theo ông, Việt Nam có nên có một khảo sát về tình hình sử dụng các phần mềm có bản quyền không? Và đơn vị nào đứng ra làm?
Với những tổ chức xã hội nghề nghiệp như chúng tôi, có thể phối hợp với nhau xây dựng được một cách tính độc lập để đưa ra con số về tỷ lệ sử dụng bản quyền phần mềm của Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng cần có sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước có những con số tổng kết qua các chương trình thực hiện sử dụng phần mềm có bản quyền hay phần mềm nguồn mở hiện nay.
Không hy vọng có được những con số mang tính tuyệt đối, nhưng trên cơ sở đó chúng tôi cũng có những con số để tính toán và đưa ra được một bức tranh toàn diện đánh giá mức độ và nỗ lực của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân Việt Nam trong việc sử dụng bản quyền phần mềm.
Bản chất của việc công bố này của BSA là nhằm gây sức ép với Việt Nam để mua phần mềm có bản quyền?
Mục tiêu của BSA là “đánh” vào việc sử dụng phần mềm bản quyền của các nước nghèo để thu tiền. Chúng ta đã bị mất tiền để mua các phần mềm có bản quyền rồi mà vẫn không được BSA có những nhìn nhận, đánh giá đúng mức là không được.
Tôi không trách họ nhiều về việc gây sức ép nhưng bức xúc ở sự vô tâm của họ trước những nỗ lực của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Rõ ràng, ý thức sử dụng phần mềm có bản quyền của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân Việt Nam đã ngày càng cao.
Trong khi đó chúng tôi lại nhìn thấy những nỗ lực rất lớn từ phía chính phủ Việt Nam trong việc giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm như cam kết mua và sử dụng các phần mềm có bản quyền. Thời gian vừa rồi các doanh nghiệp lớn, nhỏ của Việt Nam cũng đã rất tích cực hưởng ứng việc này.
Chính phủ Việt Nam đã cam kết giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm bằng nhiều cách khác nhau, từ việc răn đe, khuyến cáo đến cả việc đưa ra những mức phạt. Mức phạt hiện đưa ra là khá cao so với thu nhập của người dân.
Xin cảm ơn ông!
Ý kiến ()