Báo cáo giám sát cần đề cập rõ những sai phạm lớn trong phòng, chống dịch
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị báo cáo giám sát về huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực phòng, chống Covid-19 cần đề cập rõ hơn các sai phạm lớn trong thời gian qua như vụ “chuyến bay giải cứu” và vụ kit xét nghiệm Việt Á.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH) |
Sáng 11/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào báo cáo kết quả thực hiện giám sát chuyên đề về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.
Giám sát phải gắn với trách nhiệm
Phát biểu gợi mở một số vấn đề thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, đây là chuyên đề giám sát tối cao, với phạm vi rộng và tầm quan trọng lớn, nên phải nhìn nhận rõ thực trạng, đánh giá những hạn chế, tồn tại, yếu kém, phân tích nguyên nhân chủ quan, khách quan để có biện pháp khắc phục khả thi trong thời gian tới. Giám sát phải gắn với trách nhiệm.
Nhấn mạnh phạm vi giám sát là rất rộng, liên quan đến cả việc huy động, sử dụng, quản lý nguồn lực, thanh quyết toán nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát trình bày rõ hiện trạng thanh quyết toán các nguồn trong và ngoài nước, làm rõ còn bao nhiêu chưa được thanh quyết toán, bao nhiêu chưa được chi trả, có thất thoát, sai phạm gì không?
Theo Chủ tịch Quốc hội, hiện nay, trong báo cáo giám sát chưa làm rõ các thông tin liên quan đến nội dung này, chưa đưa ra địa chỉ cụ thể về các địa phương, cơ quan, đơn vị còn tồn tại, hạn chế; do vậy, cần đánh giá kỹ lưỡng, cung cấp số liệu cụ thể để làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, 2 sai phạm lớn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 là vụ “chuyến bay giải cứu” và vụ kit xét nghiệm Việt Á cũng không nằm ngoài phạm vi cuộc giám sát, tuy nhiên báo cáo chưa thấy đề cập rõ.
Đối với nội dung về nguyên tắc phân định giữa khám, chữa bệnh và y tế dự phòng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị giải trình rõ cơ sở đề xuất sử dụng quỹ bảo hiểm y tế để chi cho y tế dự phòng.
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: DUY LINH) |
Về y tế cơ sở, tình hình phát triển còn nhiều vướng mắc, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần làm rõ trách nhiệm thuộc về ngành y tế hay thuộc về các địa phương, đề xuất mô hình, hệ thống, biên chế của y tế cơ sở ra sao để khắc phục những tồn tại hiện có, từ đó đưa ra định hướng cụ thể để triển khai trên phạm vi cả nước.
Liên quan những kiến nghị của Đoàn giám sát, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, một số đề xuất còn thiếu cơ sở chính trị, một số vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ hoặc các cơ quan khác, một số vấn đề nằm ngoài phạm vi giám sát như việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, việc nâng cao chế độ đãi ngộ với nhân viên y tế… sẽ nằm trong các nội dung công việc khác đang triển khai như sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế, cải cách tiền lương…
Vì vậy, cần rà soát, nghiên cứu lại các đề xuất để bảo đảm cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn đầy đủ, vững chắc, cụ thể, đúng phạm vi giám sát, đúng thẩm quyền.
Làm rõ cơ sở chính trị, pháp lý của các kiến nghị trong báo cáo
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương bày tỏ băn khoăn về nhận định “hệ thống pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch chưa đủ để điều chỉnh đối với một dịch bệnh chưa có trong tiền lệ như Covid-19, do đó tạo ra các khoảng trống pháp lý trong công tác phòng, chống dịch”.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Y tế, các cơ quan của Chính phủ cho ý kiến thêm về đánh giá này, nhấn mạnh việc tránh rơi vào tình trạng làm không được thì đổ cho hệ thống. “Tuy hệ thống pháp luật có chỗ còn chưa hoàn thiện, đồng bộ, nhưng chủ yếu vẫn là văn bản dưới luật và sự điều hành cụ thể”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho ý kiến vào báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về phòng, chống dịch Covid-19. (Ảnh: DUY LINH) |
Nhấn mạnh điều kiện tiên quyết kiểm soát được dịch là sau khi có vaccine, nhất là thành công của chiến dịch ngoại giao vaccine, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến cho rằng, thời gian đầu ta chưa tiếp cận được vaccine, cần làm rõ nguyên nhân của vấn đề này là do cơ chế, chính sách hay khâu tổ chức thực hiện?
Đánh giá cao nỗ lực xây dựng báo cáo của Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, qua đợt dịch Covid-19 cho thấy bài học huy động nguồn lực đóng vai trò quan trọng. Do vậy, cần có kế hoạch đào tạo nhân lực chất lượng cao ở tuyến đầu, có trình độ để định hướng và đưa ra phác đồ điều trị, chủ động phòng, chống nếu có dịch bệnh bất ngờ xảy ra.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có đề án, chương trình cụ thể bảo đảm đủ nhân lực ở cơ sở để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh trong tương lai.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Đoàn giám sát phối hợp các cơ quan của Chính phủ cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan liên quan hoàn chỉnh báo cáo, phụ lục, dự thảo Nghị quyết để báo cáo, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm chất lượng trình Quốc hội.
Yêu cầu đặt ra đối với báo cáo kết quả giám sát là đúng phạm vi, thẩm quyền, đúng trọng tâm, trọng điểm, không đề cập quá rộng sang các lĩnh vực khác nhưng cũng không được bỏ sót các nội dung quan trọng.
Bên cạnh đó, báo cáo giám sát và dự thảo Nghị quyết cần phân tích làm rõ hơn về tình hình, cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý của các kiến nghị, giải pháp đề xuất, bảo đảm thiết thực, khả thi, giải quyết được các yêu cầu công việc bức xúc trực tiếp đang đặt ra…
Nguồn:https://nhandan.vn/bao-cao-giam-sat-can-de-cap-ro-nhung-sai-pham-lon-trong-phong-chong-dich-post747211.html
Ý kiến ()