Bao bì thực phẩm có thể ăn được
Các nhà khoa học ở Pháp đã sáng chế được một loại bao bì thực phẩm có thể ăn được, giúp chúng ta thay đổi cách thức tận hưởng thức ăn cũng như cắt giảm lượng chất dẻo có hại thải loại ra môi trường.
Loại bao bì thực phẩm mới là sản phẩm sáng tạo của một nhóm nghiên cứu do tiến sĩ David Edwards – một giáo sư trường Đại học Havard (Mỹ) tại Pháp dẫn đầu và được đặt tên là WikiCell. Nó được thiết kế nhằm mô phỏng cách rau quả được “đóng gói” trong tự nhiên với một lớp vỏ bảo vệ bên ngoài có thể ăn được.
Theo tờ Daily Mail, WikiCell thực chất là một loại chất dẻo có thể ăn được, tinh chế từ tảo và canxi. Hỗn hợp này sau đó được trộn với các hạt thực phẩm ví dụ như cacao hoặc hoa quả, khiến lớp vỏ nhân tạo có hương vị giống hệt loại thực phẩm bọc bên trong.
WikiCell có thể được sử dụng để đóng gói cả thực phẩm đặc và lỏng, bao gồm cả súp, bơ, cocktail, đồ uống có ga và cà phê. Người dùng có thể sử dụng ống hút để chọc xuyên lớp màng bọc và uống chất lỏng đựng bên trong trước khi ăn phần còn lại.
Ngoài ra, chúng ta có thể rửa sạch “vỏ” nhân tạo dưới vòi nước và ăn chúng giống như vỏ của một quả táo. Tuy nhiên, nếu người dùng quá lo lắng về độ “sạch” của lớp bảo vệ bên ngoài, họ đơn giản có thể lột bỏ vỏ nhân tạo giống như bóc và vứt bỏ vỏ quả cam vì nó cũng có thể thối rữa và phân hủy dễ dàng trong môi trường.
Cho tới hiện tại, ở một phòng thí nghiệm tại Paris, nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Edwards đã sáng tạo ra một số sản phẩm “vỏ” thực phẩm nhân tạo, ví dụ như màng cam chứa nước cam, “vỏ” vị cà chua chứa súp và màng mini (có kích cỡ bằng một quả nho) đựng rượu vang.
Sản phẩm đầu tiên có sử dụng “vỏ” nhân tạo dự kiến sẽ được tung ra thị trường cuối mùa hè này là kem Wiki với kem vani đóng đá bên trong màng bọc có vị bột nhào bánh quy.
Ông Edwards đang đại diện nhóm nghiên cứu làm việc với nhiều công ty đa quốc gia, kể cả một đại gia nước giải khát có gas và một hãng chuyên doanh sữa chua để xem liệu “vỏ” nhân tạo có thể sản xuất đại trà được không.
Ý kiến ()