Báo Ba Lan: Việt Nam sẽ thực hiện được “Quốc gia phồn vinh, hạnh phúc"
Tác giả bài viết ấn tượng với chương trình chiến lược dài hạn về phát triển kinh tế-xã hội được trình bày, thảo luận tại Đại hội XIII nhằm xây dựng “Quốc gia phồn vinh và hạnh phúc” với 2 giai đoạn.
“Theo Chỉ số Hành tinh hạnh phúc, Việt Nam hiện đứng ở vị trí thứ 5 trong tổng số 140 quốc gia được đánh giá. Ba mươi năm trước, Việt Nam đứng thứ 121.”
Đây là nhận định của tác giả Piotr Gadzinowski trong bài viết có tiêu đề “Việt Nam nở hoa hạnh phúc” đăng trên báo Trybuna ngày 5/2 (trybuna.info).
Theo tác giả bài báo, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra từ ngày 25/1-1/2 vừa qua đã bầu ra ban lãnh đạo mới, trong đó Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được bầu vào vị trí lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam với tỷ lệ tín nhiệm cao.
Bài báo có đoạn nhấn mạnh sự kiện Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức 5 năm một lần, có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với Việt Nam, mà cho toàn bộ khu vực Đông Nam Á mà Việt Nam là một trong những đầu tàu.
Theo tác giả, vai trò đầu tàu của Việt Nam được thể hiện rõ trên 2 khía cạnh. Thứ nhất, bất chấp suy thoái kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 2,91% vào năm 2020 và dự kiến đạt mức tăng trưởng GDP khoảng 7% trong năm 2021 và cũng có thể là cao nhất trong khu vực. Thứ hai, Việt Nam được đánh giá là quốc gia đối phó tốt nhất với đại dịch COVID-19 trong khu vực.
Nhờ những kinh nghiệm tích lũy trong đợt phòng chống dịch SARS, các nhà chức trách Việt Nam đã có những phản ứng nhanh chóng ngay khi ghi nhận sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2.
Bài viết dẫn một nghiên cứu của Viện Lowy, Australia công bố ngày 28/1 vừa qua cho thấy Việt Nam đứng thứ hai trong danh sách các quốc gia đối phó tốt nhất với đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, tác giả bài viết cũng ấn tượng với chương trình chiến lược dài hạn về phát triển kinh tế-xã hội đã được trình bày và thảo luận tại Đại hội Đảng XIII nhằm xây dựng “Quốc gia phồn vinh và hạnh phúc” với hai giai đoạn, đề ra những mục tiêu táo bạo nhằm ngày càng nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho nhân dân Việt Nam.
Tác giả bài viết cho rằng đây là một kế hoạch đầy tham vọng, nhưng người Việt Nam đã hơn một lần chứng minh rằng họ có thể đạt được những thành quả kinh tế vĩ mô ấn tượng. Điều này đặc biệt đúng kể từ năm 1986, khi Đảng Cộng sản Việt Nam phát động chính sách Đổi mới.
Nhờ những cải cách này, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam đã giảm từ 58% năm 1993, xuống còn 8% vào năm 2017. Giai đoạn 2011-2020, GDP Việt Nam tăng trưởng khoảng 6% /năm và ở trong nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới.
Tác giả dẫn lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá về sự trưởng thành lịch sử này “Từ một nước nhỏ bé, nghèo nàn lạc hậu, trình độ dân trí rất thấp, ít được chú ý trên bản đồ thế giới, Việt Nam đã chuyển mình thành một nước đang phát triển với mức thu nhập trung bình theo đầu người và dân số gần một trăm triệu.”
Bài viết nhấn mạnh nhờ chính sách kinh tế-xã hội nhất quán và sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao.
Ngày nay, Việt Nam đứng đầu trong các nước ASEAN và là nước Đông Nam Á hội nhập cao nhất với Liên minh châu Âu (EU), đồng thời là một đối tác chiến lược trong khu vực của Mỹ. Trên tất cả, Việt Nam được coi là một đất nước anh hùng, đã nhiều lần đứng lên chống xâm lược, bảo vệ nền độc lập./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()