Bánh Trung thu vào vụ
LSO- Còn 3 tuần nữa mới đến tết Trung thu song các hãng bánh lớn như Hữu Nghị, Kinh Đô đã khai trương đại lý; khu vực chợ Kỳ Lừa đã thơm lừng mùi bánh nướng, bánh dẻo tỏa ra từ các lò sản xuất...
Từ những lò nướng…
Trong khi chủ cơ sở bánh Trung thu Quang Lộc chuẩn bị các thủ tục để “khởi động” lò, thì cơ sở bánh Trung thu hiệu Bà Ngân (143, đường Bắc Sơn, thành phố Lạng Sơn) đã bước vào sản xuất từ ngày 8/7 âm lịch. Chị Phạm Thị Hường, chủ cơ sở cho biết: cơ sở của chị đã có uy tín và thương hiệu nhiều năm nên các đại lý hoặc người mua trực tiếp đặt hàng sớm.
Khu xưởng sản xuất phía sau nhà chị Hường không được rộng rãi nhưng ngăn nắp và sạch sẽ. Hơn 10 công nhân với trang phục bảo hộ lao động đang hăng say làm việc, 4 chiếc lò nướng đang hoạt động hết công suất. Quy trình một chiều, từ khâu pha trộn nguyên liệu, làm nhân, quay bột, tạo bánh, nướng chín… đến khâu đóng gói và giao cho người tiêu dùng đã tạo ra nhịp điệu hối hả, mang tính thời vụ rất cao.
Sản xuất bánh Trung thu tại cơ sở 143 đường Bắc Sơn, phường Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn
Theo thống kê, trên địa bàn thành phố có trên 10 cơ sở sản xuất bánh Trung thu với 2 loại chủ yếu là bánh nướng và bánh dẻo; điển hình như các cơ sở: Quang Lộc, bà Ngân, Nhân, Minh Ý… mỗi vụ Trung thu cho ra thị trường trên 20 tấn bánh. Trừ cơ sở Quang Lộc thuê mặt bằng sản xuất, còn lại hầu hết đều với quy mô gia đình. Vì vậy, mỗi cơ sở cũng chỉ thu hút từ 10-15 lao động làm việc. Hoạt động trong sự “nhốn nháo” của thị trường bánh Trung thu, song các cơ sở này vẫn giữ được uy tín, được người tiêu dùng địa phương tin dùng vì sự thơm ngon đặc trưng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (VSTP) và giá cả phải chăng.
…Đến các cửa hàng
Những đại lý bánh Trung thu của Kinh Đô, Hữu Nghị đặt tại các phường nội thị được trang hoàng khá bắt mắt. Trong quầy, hàng chục loại bánh nướng, bánh dẻo được trưng bày. Có loại cao cấp như: bánh dẻo hạt sen trà xanh, dẻo Jambong lạp xường (hiệu Kinh Đô) hay bánh nướng thập cẩm Jambong 2 trứng (hiệu Hữu Nghị) có giá từ 68-95 ngàn đồng/chiếc, đến những loại có giá “bình dân” hơn như dẻo đậu xanh, đậu xanh 1 trứng, dẻo đậu xanh… có giá từ 38-44 ngàn đồng/chiếc.
Theo quan sát của chúng tôi, trừ các loại bánh đặc biệt có giá đến cả triệu đồng/hộp; còn lại, các loại bánh “phổ thông” của các hãng Kinh Đô, Hữu Nghị không đắt, thậm chí còn rẻ hơn bánh sản xuất tại địa phương (bánh nướng, bánh dẻo hiệu Bà Ngân tại 143 đường Bắc Sơn có giá từ 50-55 ngàn đồng/cái).
Do mới vào đầu vụ, nên các quầy bánh kẹo chưa có nhiều mặt hàng bánh Trung thu. Anh Nguyễn Gia Quang, chủ cửa hàng 140 Lê Hồng Phong (phường Tam Thanh) cho biết: hiện cửa hàng mới bắt đầu nhập một số loại bánh sản xuất tại địa phương như Quang Lộc, Bà Ngân… Do được triết khấu tỷ lệ phần trăm: nên giá cả cũng chỉ bằng nơi sản xuất.
Kiểm tra ngay từ đầu vụ
Ông Triệu Cao Tấn, Phó Giám đốc Sở Y tế, Trưởng đoàn thanh tra liên ngành về vệ sinh ATTP của tỉnh cho biết: “Kiểm tra sớm và bắt đầu từ các cơ sở sản xuất sẽ chấn chỉnh được khâu ATTP ngay từ khi chiếc bánh bắt đầu được hình thành. Như vậy sẽ ngăn chặn được những lô “bánh bẩn” ra thị trường.
Theo quan sát của chúng tôi, do tính thời vụ nên các cơ sở sản xuất ít quan tâm đến đầu tư công nghệ và các yếu tố đảm bảo vệ sinh ATTP. Nhiều cơ sở sản xuất nằm ngay khu đông dân cư, khu chợ nhộn nhịp người, nguy cơ ô nhiễm luôn thường trực, song việc đảm bảo an toàn cho sản phẩm cũng chưa được quan tâm. Từ những vấn đề nhỏ như: phải có lưới chống côn trùng khu xưởng, phải có phòng vệ sinh, phòng thay quần áo riêng biệt, kệ đỡ, giá kê bao bì nguyên liệu… Đến những vấn đề lớn như: phải có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu, giấy chứng nhận sức khỏe, giấy chứng nhận kiến thức vệ sinh ATTP của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất… vẫn chưa được chủ cơ sở quan tâm.
Bánh thơm ngon và an toàn là đòi hỏi của người tiêu dùng. Đó là điều kiện tồn tại và cũng là trách nhiệm xã hội của người sản xuất.
Bài, ảnh: MINH HỒNG
Ý kiến ()