Bánh trung thu Nhân – Gìn giữ nghề truyền thống
Khâu làm nhân bánh trong quy trình sản xuất bánh Trung thu.
Đến thăm cơ sở sản xuất bánh tại số 46 Phan Đình Phùng, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn sau giờ tan sở, chúng tôi thấy không khí mua bán, sản xuất tại đây rất nhộn nhịp. Cảnh đại lý nhập hàng buôn, các thợ bánh miệt mài vào lò, nhào bột, làm nhân, nướng bánh, đóng gói bao bì và xếp hàng lên kệ luôn tất bật, khẩn trương. Vụ bánh đối với các cơ sở trên địa bàn Lạng Sơn nói chung và với cơ sở Bánh trung thu Nhân nói riêng thường bắt đầu sau rằm tháng Bảy và kéo dài đến hết Tết Trung thu. Ông Nguyễn Văn Nhân – chủ cơ sở Bánh trung thu Nhân cho biết: Năm 1953, bố mẹ tôi là ông Nguyễn Văn Ngân và bà Trần Thị Hến từ Bắc Ninh lên Lạng Sơn bán hàng. Sau một hai năm sinh sống, buôn bán trên này thấy làm ăn được nên năm 1955, bố mẹ tôi chuyển cả gia đình lên Lạng Sơn và bắt đầu làm bánh trung thu từ ngày ấy đến nay. Gia đình tôi có 5 anh chị em thì có đến 3 anh chị em theo nghề gia truyền làm bánh trung thu của bố, mẹ.
Xếp bánh vào lò.
Năm 1976, ông Nhân lập gia đình và tách ra ở riêng nên vợ chồng ông bắt đầu làm bánh độc lập, như một cơ sở sản xuất của thương hiệu bánh bà Ngân. Khoảng 10 năm nay, ông tập trung xây dựng thương hiệu riêng và lấy tên Bánh trung thu Nhân.
Hiện nay, cơ sở Bánh trung thu Nhân tạo việc làm thời vụ cho 9 nhân công với mức lương trung bình 6 triệu đồng/người/tháng. Số nhân công này được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, khám sức khỏe trước mỗi vụ bánh và tập huấn kiến thức về ATVSTP do Sở Công thương tổ chức.
Nhân viên cơ sở sản xuất bánh Trung thu Nhân xếp hàng lên kệ để trưng bày.
Muốn gây dựng được thương hiệu thì phải trên nền tảng chất lượng và uy tín với khách hàng. Ông Nhân khẳng định: Cha mẹ tôi đã mất, để lại nghề gia truyền cho chúng tôi thì chúng tôi tiếp tục gìn giữ, phát huy. Nhưng dù phát triển thế nào thì vẫn luôn giữ hương vị mang đậm nét cổ xưa mà vẫn đáp ứng được thị hiếu của khách hàng trong xu thế mới. Bánh gia truyền của cơ sở Nhân gồm chủ yếu 4 loại bánh truyền thống đó là bánh dẻo, bánh nướng với 2 loại nhân: thập cẩm và tàu dùng cổ xưa (đậu xanh). Nguyên liệu sử dụng tươi, thành phẩm bánh yêu cầu đối với bánh nướng nhân thập cẩm khi cắt bánh phải thấy được các hương vị hòa quyện với nhau. Với bánh nhân đậu xanh, khi cắt bánh phải thấy nhân trong, mượt, độ thơm vừa phải. Thưởng thức bánh trung thu với tách trà nóng bên người thân thì sẽ thấy ngon hơn bởi nó cho cảm giác thư thái, tao nhã và thắm đượm tình thân.
Chị Đặng Thị Minh Huệ – một khách hàng tại thị trấn Đình Lập, huyện Đình Lập cho biết: Là khách hàng tôi chú ý đến chất lượng và thương hiệu bánh. Mấy năm nay nhà tôi lựa chọn bánh trung thu của nhà ông Nhân vì thấy ngon và hợp khẩu vị. Tôi cũng thường chọn bánh để mua biếu, tặng làm quà vì món quà này rất có ý nghĩa trong dịp Tết Trung thu.
Gần 10 năm xây dựng và phát triển thương hiệu, hiện nay Bánh trung thu Nhân đã có mặt ở tất cả các đại lý bánh kẹo trên địa bàn các huyện, thành phố. Chị Sái Thị Thu Hằng – con dâu ông Nhân cho biết: Không chỉ cung cấp bánh cho khách quanh thành phố mà hiện nay, cơ sở chúng tôi đang hướng đến người tiêu dùng ở khu vực nông thôn nên hiện đã có mặt ở tất cả các huyện. Thời gian tới, cùng với phục vụ khách hàng, chúng tôi cũng muốn tổ chức các sự kiện tri ân khách hàng, hoạt động vì cộng đồng, hướng tới những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến ()