Bánh rợm, bánh gai: Đậm hương vị truyền thống
– Bánh rợm, bánh gai là loại bánh truyền thống trong ngày Tết Thanh minh và rằm tháng Bảy của người dân tộc Tày, Nùng xứ Lạng. Bánh rợm, bánh gai với vẻ ngoài đơn sơ nhưng bên trong lại chứa đựng tấm lòng thành kính, hiếu lễ của người dân nơi đây dâng lên gia tiên cầu cho mùa màng bội thu, một năm đủ đầy.
Rằm tháng Bảy hay còn gọi là Tết Trung nguyên, Lễ vu lan (xá tội vong nhân, báo hiếu). Với người Tày, Nùng ở Lạng Sơn, rằm tháng Bảy là một trong ba cái Tết (Tết Nguyên đán, Tết Đoan ngọ và rằm tháng Bảy) quan trọng và lớn nhất của năm. Rằm tháng Bảy là dịp để các thành viên trong gia đình trở về nhà đoàn tụ. Vào dịp này, bánh rợm (nhân đỗ xanh, nhân lạc, bánh rợm chuối…) và bánh gai là 2 loại bánh truyền thống không thể thiếu để người dân cúng tổ tiên và thưởng thức.
Người dân xã Đại Đồng, huyện Tràng Định đang làm bánh gai vào dịp rằm tháng Bảy 2022
Để làm ra những chiếc bánh thơm ngon thì khâu chọn nguyên liệu là quan trọng nhất, gạo nếp làm bánh là loại nếp ngon, mới gặt về, phơi vài nắng, hạt chưa khô ròn. Đối với lá gai phải đi hái và phơi khô trước đó 1 tuần thậm chí là cả tháng…
Chị Vi Thị Hiền, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định chia sẻ: Các công đoạn để làm ra chiếc bánh rợm, bánh gai vô cùng cầu kỳ. Đầu tiên, gạo sau khi được ngâm nước nửa ngày đem xay nhuyễn thành bột nước. Sau đổ bột nước vào một cái túi vải, cho vào giữa đống tro mịn đốt từ rơm khô, để tro hút hết nước của bột hoặc lấy đá ép bột. Đến khi bột quánh lại thành một khối trắng tinh, dẻo mà không dính tay là gói bánh được.
Đối với lá gai sau khi được thu hái, rửa sạch, bỏ gân lá, đem phơi thật khô, đun lá đến khi thật nhừ rồi vớt ra rửa lại với nước, vắt thật khô giã nhỏ mịn. Đường phên đun chảy, trộn với lá gai đã giã mịn tạo thành hỗn hợp mật sền sệt. Đổ hỗn hợp này vào bột gạo đã chuẩn bị, cho vào cối đá giã nhuyễn đến khi nào bột có màu đen mịn, dẻo quánh, dậy mùi thơm của cả bột nếp, lá gai và mật đường phên.
Nhân bánh ngọt hay mặn là do khẩu vị của từng gia đình. Nếu ăn ngọt nhân bánh là đỗ xanh đồ chín hoặc lạc rang vàng, giã nhuyễn trộn với đường. Nếu ăn nhân mặn sẽ lấy phần thịt ba chỉ xay nhuyễn xào với hành, tiêu, mộc nhĩ, lạc sống giã nhuyễn hoặc nhân đậu xanh đồ chín trộn với thịt để làm nhân…
Bánh gai
Khi gói, người làm bánh sẽ khéo léo cho nhân vào giữa phần bột mịn, nặn tròn kín trong lòng bàn tay, để nhân gọn trong bột, rồi gói bằng lá chuối đã được phơi héo, quệt thêm lớp mỡ mỏng trước khi gói để bánh khi chín không bám vào lá.
Muốn có chiếc bánh rợm, bánh gai thơm từ lớp vỏ lá chuối thì bánh phải được gói bằng lá chuối rừng, những chiếc lá chuối rừng to bản, lành lặn được lau sạch bằng khăn ướt rồi đem phơi cho úa như vậy lá mới mềm có độ dai, khi gói và hấp bánh mới có mùi thơm. Bánh gói xong được xếp vào chõ (hoặc nồi hấp) hấp từ 40 đến 60 phút tùy thuộc vào lượng bánh.
Bánh rợm, bánh gai sau khi được hấp chín cần gắp ra xếp dàn đều trên mâm hoặc rổ để nhanh nguội và ráo nước, như vậy bánh mới không bị ướt, nhão, mất đi mùi vị thơm nồng của lá chuối, bột nếp và nhân.
Bánh rợm, bánh gai không chỉ đơn giản là một món ăn mà còn là một loại bánh bày lên ban thờ, mâm cỗ để tưởng nhớ tổ tiên, cầu mong mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu, thể hiện một phần văn hóa của đồng bào dân tộc Tày, Nùng xứ Lạng.
Bà Ấu Thị Nga Sơn, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn Hóa tỉnh Lạng Sơn cho biết: Bánh rợm, bánh gai được người Tày, Nùng Lạng Sơn gọi với tên khác là pẻng tải – loại bánh thường được làm vào dịp Tết Thanh minh (mùng 3 tháng 3 âm lịch) hoặc rằm tháng Bảy âm lịch hằng năm. Từ xa xưa, bánh rợm, bánh gai được người Tày, Nùng chế biến với các nguyên liệu do chính họ làm ra nhằm thể hiện được sự tôn kính đối với ông bà, tổ tiên. Vỏ bánh mềm dẻo từ bột nếp tượng trưng cho sự bền chặt, thủy chung của đôi lứa. Ruột bánh có màu vàng của đậu xanh, vị thơm của lạc, dừa, thịt… toát lên sự sung túc của mỗi gia đình. Cách làm bánh truyền thống này đến nay vẫn được người Tày, Nùng trong tỉnh truyền từ đời này qua đời khác, qua đó góp phần lưu giữ nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình.
Bánh rợm mặn, ngọt và bánh gai
Chiếc bánh khi chín sẽ mang hương lúa nếp, hương của những sản vật của vùng cao, khơi gợi vị giác của người thưởng thức. Bánh chín, lá chuối mềm, bóng, bóc lớp lá ra là lớp bột mịn, dẻo, thơm ngon. Càng nhai kỹ, người thưởng thức càng cảm nhận rõ những vị ngon hòa quyện từ chiếc bánh và cảm nhận được sự ấm cúng của gia đình và hương vị truyền thống của dân tộc.
Chị Nguyễn Thúy Hường, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn cho biết: Gia đình tôi ít người nhưng năm nào cũng tự làm bánh rợm, bánh gai để dâng lên gia tiên. Đối với gia đình tôi việc làm bánh rợm, bánh gai giúp gắn kết tình cảm gia đình, cũng như lưu lại những truyền thống tốt đẹp cho con cháu đời sau.
Trước đây, bánh rợm, bánh gai chỉ xuất hiện trong các dịp lễ, tết nhưng ngày nay bánh rợm, bánh gai được nhiều gia đình gói và bày bán thường xuyên tại các chợ và trở thành món ăn hấp dẫn được nhiều người yêu thích. Tuy có vẻ ngoài đơn sơ nhưng món bánh này cũng đòi hỏi quá trình chế biến kỳ công, thể hiện sự tinh tế, khéo léo và chất chứa tấm lòng thành của người làm bánh.
THU HIỀN
Ý kiến ()