Bánh nướng nhân bí xanh thơm ngon, đượm vị quê hương
- Cứ tới tháng 8 âm lịch hằng năm, người dân Việt Nam lại háo hức đón chờ không khí Trung thu náo nhiệt và những chiếc bánh nướng truyền thống thơm ngon. Tại thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định, có món bánh nướng nhân bí xanh độc đáo của cơ sở Bánh nướng Thuý Tiệp đã được nhiều người dân trong và ngoài tỉnh yêu thích.
Những ngày đầu tháng 8 âm lịch, chúng tôi có dịp đến thăm cơ sở bánh nướng của chị Đàm Thuý Tiệp tại thị trấn Thất Khê. Mới bước chân vào sân nhà chị Tiệp, chúng tôi đã ngửi thấy mùi bánh nướng thơm ngào ngạt. Hương vỏ bánh nướng chín quen thuộc hoà thêm một hương khá lạ mà sau đó chúng tôi mới biết là hương của nhân bí xanh. Chị Tiệp không chỉ sản xuất những loại bánh nướng nhân đậu xanh, thập cẩm, tàu xá truyền thống để phục vụ nhu cầu của bà con trên địa bàn huyện mà còn sáng tạo thêm bánh nướng nhân bí xanh độc đáo, loại bánh đã tạo nên “thương hiệu” cho chị ngay từ khi mở xưởng bánh vào năm 2020.
Làm bánh không phải nghề gia truyền của gia đình chị, cũng không phải nghề phổ biến tại địa phương nhưng vì đam mê với việc làm bánh nướng, chị Tiệp đã quyết tâm nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm để sản xuất ra những chiếc bánh nướng thơm ngon, đặc biệt chị đã sáng tạo thành công chiếc bánh nướng nhân bí xanh mềm dẻo, ngọt thanh mang hương vị rất riêng, đặc trưng.
Bánh nướng nhân bí xanh thành phẩm có màu vàng nâu hấp dẫn.
Để làm ra những chiếc bánh nướng nhân bí xanh thơm ngon, chị Tiệp luôn tự tay lựa chọn từng quả bí thơm ngon nhất để làm nhân bánh. Bí phải được ngâm rửa thật sạch rồi mới gọt vỏ và đem hấp kỹ. Sau khi hấp chín, bí được sấy cho se lại để khi trộn với đường và dầu thực vật, tất cả các thành phần sẽ dễ hòa quện vào nhau hơn.
Lớp vỏ cũng đóng vai trò quyết định với của bánh. Bột mì làm vỏ bánh được trộn thật kỹ bằng máy trong khoảng 30 phút. Mỗi lần cho thêm đường và dầu ăn vào bột, người làm phải dùng muỗng đảo đều, tránh tình trạng bột vón cục, kết dính. Để tạo ra phần bột có kết cấu tốt, không dính tay và đủ độ chắc để bọc kín nhân đòi hỏi kinh nghiệm dày dạn và khả năng quan sát tốt của người làm bánh.
Vì hình dạng là yếu tố đặc trưng của bánh nướng nên chị Tiệp đặc biệt chú trọng việc tạo hình cho bánh. Sau khi vào nhân, vê tròn, từng viên bánh được đưa vào máy dập có lắp sẵn khuôn nhựa để đúc thành hình, rõ nét từng chi tiết, hoa văn. Bí quyết giúp bánh lên màu vàng nâu óng ả chính là quét lên bánh một lớp hỗn hợp trứng. Nhưng cả khay bánh có đồng màu hay không phụ thuộc vào sự tỉ mỉ của người làm.
Chị Tiệp đóng gói bánh nướng nhân bí xanh.
Chị Tiệp chia sẻ: “Tôi sử dụng bí thơm nổi tiếng của huyện Tràng Định làm nguyên liệu chính cho món bánh này bên cạnh các nông sản địa phương khác như lạc, vừng, hạt bí, đậu xanh,… Vị ngọt bùi rất đặc trưng của bí thơm Tràng Định đã góp phần tạo nên hương vị riêng biệt cho món bánh nướng của tôi.”. Chị Tiệp muốn sử dụng nông sản địa phương để vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa giúp tăng thu nhập cho bà con. Bánh nướng nhân bí xanh của chị nhờ đó không chỉ mang hương vị khác biệt, hấp dẫn mà còn thấm đượm tình yêu quê hương.
Năm 2021, khi bánh nướng bí xanh được nhiều thực khách biết tới và đặt mua số lượng lớn, chị Tiệp đã đầu tư thêm cơ sở vật chất, bao bì, tem dán để nâng cao nhận diện thương hiệu. Được biết, vào mùa vụ, xưởng của chị Tiệp sản xuất khoảng 4000 chiếc mỗi ngày, khoảng 80.000 chiếc mỗi năm, trong đó bánh nhân bí xanh chiếm khoảng 40% tổng lượng bánh bán ra. Năm 2022, xưởng bánh bị quá tải đơn hàng, chị Tiệp cùng hơn 10 nhân viên (đều là lao động địa phương) làm bánh từ sáng sớm tới đêm muộn vẫn không kịp sản xuất bánh phục vụ nhu cầu của khách hàng. Chị Tiệp chia sẻ: đó vừa là niềm vui vừa là động lực để chị tiếp tục nâng cao chất lượng món bánh của mình.
Mẫu hộp bánh bắt mắt cho Trung thu của cơ sở Bánh nướng Thuý Tiệp.
Chị Trần Phương Anh, quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ: “Vào mỗi dịp trung thu, tôi lại đặt mua bánh nướng bí xanh của chị Tiệp về ăn và làm quà biếu. Khác với các loại nhân truyền thống, bánh nướng nhân bí xanh rất dễ ăn vì có độ ngọt vừa phải, không bị ngấy, lớp vỏ bánh dày hơn giúp cân bằng hương vị rất tốt.”
Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định cho biết: “Hiện nay, địa bàn thị trấn có 4 hộ sản xuất bánh nướng, nhưng chỉ có duy nhất cơ sở Bánh nướng Thuý Tiệp sản xuất bánh nướng nhân bí xanh. Bí xanh được biết đến là một trong những sản phẩm OCOP mang thương hiệu của huyện Tràng Định, việc làm bánh nướng nhân bí xanh không chỉ giúp người dân trên địa bàn thị trấn tiêu thụ nông sản mà còn tạo nên đặc sản sản riêng chỉ có tại thị trấn Thất Khê nói riêng và huyện Tràng Định nói chung. Thời gian qua, nhằm quảng bá sản phẩm bánh nướng nhân bí xanh đến đông đảo người tiêu dùng, chúng tôi đã chú trọng tập trung quảng bá trên các trang mạng xã hội, cổng thông tin điện tử và trực tiếp đưa sản phẩm vào các gian hàng quảng bá sản phẩm của huyện tại các hội chợ lớn nhỏ trong và ngoài tỉnh. Chúng tôi tin rằng bánh nướng nhân bí xanh sẽ tiếp tục nhận được yêu thích của người tiêu dùng trong thời gian tới.”
Tết Trung thu là dịp để mỗi gia đình quây quần bên nhau, bày biện mâm cỗ đầy ắp hoa quả, bánh kẹo dâng lên tổ tiên. Và trên mâm cỗ không thể thiếu những chiếc bánh nướng vàng ươm, tròn đều, đẹp mắt. Bánh nướng không đơn thuần là một món quà mà còn mang ý nghĩa to lớn, biểu trưng cho sự đoàn viên, ấm no, hạnh phúc. Bánh nướng nhân bí xanh của chị Tiệp không chỉ giúp phát huy giá trị truyền thống mà còn đưa nét đẹp ẩm thực Xứ Lạng tới gần hơn với thực khách ngoại tỉnh, đồng thời góp phần nâng tầm sản phẩm OCOP của địa phương.
Ý kiến ()