Bánh kẹo Việt Nam chiếm lĩnh thị trường trong nước
Mặc dù chịu sự cạnh tranh khá gay gắt từ các sản phẩm của nước ngoài, nhưng các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo Việt Nam vẫn kiên trì chiến lược đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển một số dòng sản phẩm mới có chất lượng với giá cả hợp lý.
Vì vậy, bánh kẹo Việt vẫn trụ vững và hoàn toàn làm chủ “sân nhà”, bánh kẹo ngoại chiếm thị phần khá nhỏ, trong đó, bánh kẹo Trung Quốc hoàn toàn lép vế.
Bánh kẹo nội “lên ngôi” Nhiều người tiêu dùng Việt Nam, nhất là tại các vùng nông thôn, thường ưa chuộng hàng giá rẻ. Bánh kẹo, cũng như một số mặt hàng khác từ Trung Quốc, lợi dụng tâm lý, thói quen đó, đã “tiến công” thị trường theo phương thức này và trong nhiều thời điểm tỏ ra rất hiệu quả. Một thời, bánh kẹo sản xuất ở Trung Quốc tràn ngập thị trường, tại một số chợ đầu mối, cổng trường học, khu vui chơi bày bán la liệt các loại kẹo ngô, kẹo dâu, kẹo chuối,… mầu sắc bắt mắt, phù hợp độ tuổi trẻ em. Tuy nhiên, qua kiểm nghiệm, những loại bánh kẹo mầu sắc hấp dẫn này lại không phải những hãng bánh kẹo có uy tín trên thị trường, không bao bì, không hạn sử dụng, nhà sản xuất không tên tuổi, bán theo cân với giá rẻ mạt. Trước đây, mặc dù là bánh kẹo không rõ nguồn gốc, nhưng nhiều người tiêu dùng khu vực nông thôn vẫn ưa thích vì giá “mềm” lại đẹp mắt, nhất là vào những dịp lễ, Tết. Về sau này, khi được cảnh báo từ phía các cơ quan chức năng và tiếp cận nhiều nguồn thông tin, người tiêu dùng đã dần dần tự mình thay đổi thói quen mua sắm, tìm kiếm những mặt hàng phù hợp, an toàn vệ sinh thực phẩm và an toàn cho sức khỏe gia đình. Và sự lựa chọn của hầu hết người tiêu dùng là hướng về bánh kẹo sản xuất trong nước, bởi giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm.
Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Hữu Nghị Lê Thị Lan Anh cho biết: Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người tiêu dùng cả về khẩu vị, thị hiếu, công ty đặc biệt quan tâm đến cải tiến, nâng cao chất lượng và đổi mới mẫu mã sản phẩm.
Công ty “không bỏ bất kỳ phân khúc thị trường nào”, từ cao cấp đến hàng bình dân. Với phân khúc cao cấp, công ty mạnh dạn thuê thiết kế từ nước ngoài, với mẫu mã, bao bì, kiểu dáng công nghiệp hiện đại và hình ảnh sinh động; đồng thời, xây dựng chiến lược giá hợp lý đối với phân khúc hàng bình dân. Theo đó, chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ thị trường khu vực nông thôn, đáp ứng các tiêu chí giá rẻ, hương vị ngon, chất lượng bảo đảm. Đơn cử, bánh mỳ Lucky cốm do công ty sản xuất, chỉ bán đến người tiêu dùng với giá 1.700 đồng/chiếc. Nhờ chiến lược kinh doanh tốt, đội ngũ kỹ sư, công nhân lành nghề trên nền thiết bị, công nghệ hiện đại, thương hiệu Hữu Nghị đã trụ vững trên thị trường. Công ty đã mở rộng sản xuất tại bốn nhà máy ở Hà Nội, Hà Nam, Bình Định và Bình Dương với hàng chục dây chuyền sản xuất hiện đại, đạt tiêu chuẩn châu Âu, sản lượng khoảng 16.500 tấn/năm. Đồng thời, mở rộng mạng lưới hàng trăm nhà phân phối và gần 200 nghìn đại lý bán lẻ. Không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước, công ty còn ưu tiên triển khai một số hoạt động quảng bá, tham gia các hội chợ quốc tế và đạt những thành công bước đầu.
Sản phẩm của Hữu Nghị đã xuất khẩu đến hơn 10 nước trên thế giới, trong đó có các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,… Doanh thu từ xuất khẩu của Hữu Nghị chiếm khoảng 20% tổng doanh thu, trong đó, xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc chiếm 80% trong số đó.
Dẫn dắt thị trường Những năm trước đây, phần lớn các dây chuyền sản xuất bánh kẹo của Việt Nam khá lạc hậu, phần lớn bánh kẹo đều phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái-lan và một số nước khác, hình thành tâm lý sính ngoại.
Trong một thời gian khá dài, bánh kẹo nhập khẩu xâm nhập mạnh thị trường và không ngừng gia tăng thị phần, “đẩy” các doanh nghiệp bánh kẹo trong nước đến chỗ phải tự đổi mới mình. Nếu không có chiến lược kinh doanh tốt và cách triển khai bài bản, các doanh nghiệp bánh kẹo trong nước khó lòng còn “đất sống”. Từ tác động thúc ép đó, các thương hiệu bánh kẹo truyền thống đã mạnh dạn đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại từ châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như ISO, HACCP vào quá trình sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Vì thế, bánh kẹo trong nước đã từng bước giành lại thị phần và chiếm vai trò dẫn dắt thị trường. Dịp Tết Giáp Ngọ 2014 vừa qua, tại hệ thống siêu thị BigC, bánh đóng hộp Việt Nam chiếm tới 90% sản phẩm tiêu thụ. Thị trường bánh kẹo có sự bứt phá của các doanh nghiệp nội, nhiều siêu thị đã ưu tiên sử dụng sản phẩm trong nước thay vì hàng nhập khẩu.
Theo số liệu của Công ty Khảo sát thị trường quốc tế BMI, năm 2013, ngành bánh kẹo của Việt Nam đạt doanh thu hơn 29 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2012. Trong đó, ba “đại gia” ngành bánh kẹo gồm Kinh Đô, Bibica và Hải Hà chiếm hơn 42% thị phần, các doanh nghiệp trong nước còn lại và khối DN nước ngoài sở hữu gần 40% thị phần, còn lại là hàng nhập khẩu. Cả Kinh Đô, Bibica và Hải Hà đều nhận được sự tin tưởng từ người tiêu dùng. Ba đơn vị mạnh của ngành bánh kẹo này đã sớm khẳng định được thương hiệu nhờ cung cấp sản phẩm chất lượng cao, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.
Chính xu hướng quay trở lại với bánh kẹo trong nước sản xuất của người tiêu dùng Việt Nam là niềm tin vững chắc giúp nhiều doanh nghiệp trong nước mạnh tay đầu tư sản xuất. Bên cạnh đó, việc tập trung đầu tư cho kênh phân phối cũng là lợi thế mà các doanh nghiệp này tạo dựng được.
Trưởng phòng Kế hoạch -Thị trường, Công ty Bánh kẹo Hải Hà Nguyễn Thành Trung cho biết: Trong quý I vừa qua, công ty đã phát triển một số dòng sản phẩm mới có chất lượng, trên cơ sở đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị trên các dây chuyền hiện có, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hai sản phẩm kẹo Jelly trái cây Pooz, và bánh Godaz đã được thị trường chấp nhận, đang được công ty kỳ vọng sẽ đem lại doanh thu và sản lượng lớn trong năm nay. Dây chuyền bánh gạo mới được công ty đầu tư cũng hoạt động ổn định, tiêu thụ mạnh, được thị trường đánh giá cao, tiến tới sản xuất ba ca nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Cũng giống như Hữu Nghị, Hải Hà không “buông” bất kỳ phân khúc thị trường nào. Trưởng phòng Trung cho biết, ngoài tập trung ưu tiên đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại, cho ra các dòng sản phẩm mới, công ty vẫn giữ một số chủng loại kẹo bánh lâu năm, thích hợp thị hiếu và khẩu vị vùng nông thôn như kẹo sữa dừa (có cách đây 30 năm) với giá 5.900 đồng/gói 150 gram.
Các sản phẩm cũng đa dạng về miền giá, miền khối lượng, hướng đến nhu cầu và khả năng đa dạng của người tiêu dùng.
Tuy đã chiếm lại được thị phần trong nước, song với tình hình kinh tế khó khăn, tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp bánh kẹo Việt Nam có phần bão hòa khiến một số doanh nghiệp đang tính đến việc chuyển hướng, phát triển những sản phẩm khác, nhằm nâng cao doanh thu. Bibica đang sản xuất những dòng sản phẩm như bánh dinh dưỡng cho trẻ em, phụ nữ có thai, cho người ăn kiêng và bệnh tiểu đường. Còn Kinh Đô cũng từng bước chuyển hướng đầu tư các mặt hàng thiết yếu như mì gói, nước tương, dầu ăn. Đây là những mặt hàng có sức tiêu thụ mạnh ở Việt Nam. Năm 2013, Việt Nam tiêu thụ mì gói lớn thứ tư thế giới, với hơn năm triệu gói mì và con số này trong thời gian tới có thể chưa dừng lại. Dù vẫn giữ vững sản phẩm truyền thống, thế mạnh là bánh kẹo, song sự chuyển hướng của các doanh nghiệp lớn đang cho thấy một thị trường chật hẹp, khó phát triển của bánh kẹo Việt Nam.
Không những vậy, trong vài năm tới, khi dần dỡ bỏ hàng rào thuế quan, sản phẩm bánh kẹo trong nước lại tiếp tục cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn. Dù có thị trường hơn 90 triệu dân là nền tảng vững chắc, nhưng tăng trưởng không mở rộng mà cạnh tranh tăng thêm thì việc phát triển không mấy dễ dàng.
Mặt hàng Bánh kẹo vẫn còn “dư địa”
Theo nhận định của Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công thương), trong ngành kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam, bánh kẹo sẽ là mặt hàng có tốc độ phát triển cao. Theo đó, trong giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng trưởng ngành kỹ nghệ thực phẩm đạt hơn 17%, trong đó sản xuất bánh kẹo gần 35%, mì chính và mì ăn liền khoảng 10%.
Tuy nhiên, mức tiêu thụ bánh kẹo hằng năm của Việt Nam vẫn ở dưới mức trung bình thế giới, chỉđạt 1,9 kg/người, trong khi mức trung bình của thế giới là 2,4 kg.
Theo Nhandan
Ý kiến ()