Bánh giò bầu: Từ truyền thống đến sản phẩm du lịch
– Là món bánh truyền thống của người dân xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng từ xa xưa, bánh giò bầu không chỉ gây ấn tượng ngay từ tên gọi mà còn có nét đặc trưng thu hút nhiều du khách muốn được thưởng thức và trải nghiệm quy trình làm bánh. Thời gian qua, bánh giò bầu đã trở thành một trong những sản phẩm du lịch đặc sắc của làng du lịch cộng đồng xã Hữu Liên.
Ngọt thanh, dẻo thơm vị bí đỏ là những cảm nhận đầu tiên của du khách khi được thưởng thức món bánh giò bầu. Chị Bùi Thị Nhâm, phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên cho biết: Đến làng du lịch cộng đồng Hữu Liên, tôi không chỉ được trải nghiệm các loại hình du lịch mới lạ như: cưỡi ngựa trên thảo nguyên Đồng Lâm, sinh hoạt trong những ngôi nhà sàn lợp ngói âm dương,… mà còn được thưởng thức ẩm thực mang hương vị núi rừng. Trong đó, tôi rất thích món bánh giò bầu bởi hương vị rất ngon và lạ miệng. Khi rời Hữu Liên, tôi đã mua những chiếc bánh giò bầu về làm quà cho người thân.
Bánh giò bầu
Trước khi trở thành sản phẩm du lịch được du khách biết đến, bánh giò bầu là món bánh truyền thống của người dân xã Hữu Liên. Là xã vùng III của huyện Hữu Lũng, điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn, người dân trên địa bàn xã từ xa xưa đã “sáng tạo” ra bánh giò bầu thay thế cho món giò lụa, thể hiện tấm lòng thành kính để dâng cúng tổ tiên trong những dịp lễ, tết. Người dân trong xã cũng không rõ bánh giò bầu được làm từ khi nào, chỉ biết cách làm bánh được “trao truyền” qua các thế hệ cho đến nay. Từ xưa, người dân Hữu Liên quen gọi bí đỏ là quả bầu để phân biệt rõ với bí xanh. Chính thói quen đó đã khiến cho món bánh này có tên là giò bầu. Người dân chọn quả bí đỏ để làm bánh còn bởi theo quan niệm quả bí đỏ thể hiện sự sung túc và may mắn.
Bà Hoàng Thị Luận, công chức văn hóa – xã hội, UBND xã Hữu Liên cho biết: Từ năm 2018, khi phát triển loại hình du lịch cộng đồng trên địa bàn xã, bên cạnh việc khai thác các tiềm năng thiên nhiên sẵn có, UBND xã đã định hướng người dân phát huy và giới thiệu, quảng bá những nét đặc sắc trong ẩm thực, văn hoá đến khách du lịch. Trong đó, bánh giò bầu là một trong những nét đẹp ẩm thực được lựa chọn trở thành sản phẩm du lịch của địa phương. Do bánh được làm từ bí đỏ nên hiện nay, nhiều người trẻ trên địa bàn xã còn gọi bánh giò bầu là bánh bí đỏ. Tuy nhiên, cách gọi này dễ khiến du khách nhầm lẫn với món bánh bí đỏ ở một số địa phương khác nên chúng tôi vẫn nhắc nhở người dân kinh doanh homestay trên địa bàn xã gọi đây là bánh giò bầu để đúng với tên gọi truyền thống.
Bánh giò bầu không khó làm, nhưng làm ngon, đúng vị và đủ sản lượng để du khách có thể mua về làm quà thì hiện nay ở Hữu Liên chỉ có khoảng 5 hộ chuyên làm. Trải nghiệm quy trình làm bánh giò bầu, có thể thấy điều quan trọng nhất chính là chất lượng quả bí đỏ, công thức và căn đúng thời gian phù hợp ở từng bước.
Để làm bánh giò bầu, người làm bánh sẽ gọt, thái bí đỏ thành nhiều miếng nhỏ, đem hấp bí chín nhuyễn, sau đó để nguội và trộn với đường, nhào với bột nếp theo công thức riêng. Giai đoạn để bí nguội rất quan trọng bởi nếu trộn bột nếp khi bí đỏ còn nóng sẽ khiến bột nếp chín và khiến cho bánh bị vón cục, không thể trộn nhuyễn. Sau khi đã trộn nhuyễn bí đỏ, bột nếp và đường, người làm sẽ nặn bánh theo từng phần đều nhau và gói bằng lá chuối. Bà Hoàng Thị Luyn, thôn Làng Bên, xã Hữu Liên, người chuyên làm bánh giò bầu cho biết: Bánh giò bầu là món ăn thay thế cho giò lụa nên khi gói loại bánh này, phải gói chắc tay đúng như gói giò, sao cho tạo hình bánh tròn, dài và dùng lạt quấn nhiều vòng để giống hệt như khúc giò vậy.
Người dân xã Hữu Liên làm bánh giò bầu
Sau khi gói, những chiếc bánh giò bầu sẽ được cho vào nồi hấp khoảng 60 phút để chín. Sau khi chín, bánh được ép dẹt để đẹp mắt hơn và loại bỏ khí nóng trong vỏ bánh. Bánh giò bầu thành phẩm có màu vàng óng của bí đỏ hơi giống với màu bánh tro, vị ngọt thanh và thơm từ bí đỏ, dai mềm từ bột nếp phù hợp với khẩu vị của nhiều người.
Hiện nay, mặc dù điều kiện kinh tế đã được nâng lên song hầu hết các hộ dân trong xã vẫn giữ thói quen làm bánh giò bầu dâng cúng tổ tiên, món bánh này cũng trở thành một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng của địa bàn. Chị Lèo Thị Thuật, chủ Homestay Đồng Lâm I, xã Hữu Liên cho biết: Hiện nay, tôi và tất cả 12 hộ kinh doanh homestay khác trên địa bàn xã đều duy trì giới thiệu và cung cấp dịch vụ trải nghiệm làm bánh giò bầu cho du khách. Trên 70% du khách đều lựa chọn mua bánh giò bầu mang về làm quà bởi hương vị thơm ngon, dễ vận chuyển, bảo quản.
Việc đưa món bánh truyền thống trở thành sản phẩm du lịch đã tạo điều kiện cho du khách có thêm cơ hội được trải nghiệm và thêm hiểu biết về văn hóa ẩm thực truyền thống của địa phương, góp phần thu hút du khách đến với Hữu Liên, từ đó tăng thu nhập cho một số hộ dân làm bánh giò bầu tại địa phương. Theo số liệu thống kê từ UBND xã Hữu Liên, từ đầu năm đến nay, xã đã đón trên 21.000 lượt khách đến thăm quan, lưu trú với doanh thu gần 4 tỷ đồng.
Ý kiến ()