Bằng Mạc: Triển vọng phát triển kinh tế từ chăn nuôi trâu, bò vỗ béo
(LSO) – Nhằm phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, tăng thu nhập cho người dân, thời gian qua, UBND xã Bằng Mạc, huyện Chi Lăng đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế mới. Tiêu biểu trong số đó là mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo.
Những ngày đầu tháng 10/2020, chúng tôi có dịp đến thăm mô hình nuôi bò vỗ béo của gia đình anh Nông Thành Đô, thôn Khòn Nưa, xã Bằng Mạc – một trong những hộ điển hình của xã trong chăn nuôi bò vỗ béo đem lại thu nhập cao. Dẫn chúng tôi đi tham quan thực tế, anh Đô cho biết: Năm 2019, được xã tuyên truyền và tập huấn, tôi đã biết phương pháp chăn nuôi bò vỗ béo và áp dụng vào chăn nuôi tại gia đình. Chăn nuôi bò theo phương pháp này tốn ít thời gian, mỗi ngày, tôi chỉ mất vài tiếng cho bò ăn và vệ sinh chuồng trại. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi xuất được 2 lứa, mỗi lứa 4 đến 6 con. Riêng từ đầu năm 2020 đến nay, tôi đã bán được 18 con bò, thu lãi trên 100 triệu đồng.
Người dân thôn Nà Mó chăm sóc đàn bò
Giống như anh Đô, gia đình anh Đỗ Văn Đường, thôn Nà Mó, xã Bằng Mạc đã áp dụng phương pháp chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng để vỗ béo. Anh Đường cho biết: Nếu như trước đây, nuôi theo hình thức thả rông phải mất trung bình 3 năm mới được xuất một lứa, thì sau khi áp dụng cách nhốt chuồng để vỗ béo, hiện nay mỗi năm, gia đình tôi bán được 1 lứa, mỗi lứa từ 3 – 4 con, thu nhập 50 đến 60 triệu đồng/năm. Nuôi theo hướng này thực sự có hiệu quả, chúng tôi có thể tận dụng nguồn thức ăn từ rơm, cám kết hợp trồng cỏ voi. Hiện nay, gia đình tôi có 6 con trâu, bò sắp được xuất, ước tính cho thu nhập 80 triệu đồng năm 2020.
Từ hiệu quả của các mô hình này, hai năm trở lại đây, mô hình chăn nuôi trâu, bò theo hướng vỗ béo được nhân rộng khắp các thôn như: Nà Mó, Đồng Chùa, Đông Quan, Khòn Nưa… Theo thống kê của UBND xã Bằng Mạc, hiện nay, xã có trên 450 hộ nuôi với tổng số 1.100 con trâu, bò. Trong đó, có 16 hộ nuôi theo hướng nhốt chuồng vỗ béo với tổng đàn từ 10 đến 15 con/hộ, mang lại thu nhập từ 60 triệu đến 100 triệu đồng/hộ/năm, cao hơn rất nhiều lần so với chăn thả tự nhiên.
Chủ trương phát triển chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gia súc vỗ béo là hướng đi phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập cho bà con, UBND xã đã tích cực tuyên truyền đến bà con trong xã về chủ chương chuyển đổi cơ cấu cậy trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế trên địa bàn. Theo đó, năm 2019, xã đã phối hợp tổ chức 1 lớp tập huấn chuyên đề về phương pháp chăn nuôi trâu, bò vỗ béo cho 70 hộ trên địa bàn. Ngoài ra, xã còn phối hợp với các ngành chức năng của huyện tổ chức nhiều lớp tập huấn, phổ biến kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật, lồng ghép kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò vỗ béo cho bà con. Bên cạnh đó, đầu năm 2020, từ nguồn vốn thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, UBND xã đã hỗ trợ cám chăn nuôi cho 16 gia đình với tổng số tiền 200 triệu đồng.
Ông Hoàng Văn Trung, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bằng Mạc cho biết: Chăn nuôi trâu bò vỗ béo đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con, trung bình người dân được lãi 1,2 triệu đến 1,5 triệu đồng/tháng/con. Thời gian tới, để mở rộng phát triển đàn, chúng tôi tiếp tục vận động, tạo điều kiện cho người dân mở rộng mô hình. Dự kiến, cuối năm 2020, từ nguồn vốn của tỉnh và đối ứng của người dân, xã sẽ hỗ trợ xây dựng 3 trang trại chăn nuôi khép kín với quy mô 70 đến 90 con bò kết hợp với chăn nuôi gia cầm và giun quế.
Việc chăn nuôi trâu bò nhốt chuồng để vỗ béo không chỉ giảm tình trạng thả rông gia súc, tăng hiệu quả trong việc chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh mà còn thay đổi tư duy sản xuất của bà con. Từ đó, tạo động lực phát triển nông nghiệp của địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao tại xã Bằng Mạc.
Ý kiến ()