Bằng Mạc phát triển nghề làm cao khô
(LSO) – Những năm gần đây, nhiều hộ dân tại xã Bằng Mạc (huyện Chi Lăng) đã phát triển nghề làm cao khô đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp bà con ổn định sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương.
Chúng tôi có dịp đến thôn Nà Mó, xã Bằng Mạc vào một ngày nắng đẹp, đúng lúc bà Mã Thị Hoa đang trải những lát cao khô ra mành. Gia đình bà Hoa đã gắn bó với nghề nhiều năm nay, thấy sản phẩm đem lại hiệu quả kinh tế, gia đình bà vẫn tiếp tục duy trì và phát triển nghề. Bà Hoa cho biết: Công đoạn làm cao khô không khó nhưng cần nhiều nhân công và chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết. Vào những ngày trời nắng đẹp, gia đình tôi sử dụng 5 – 6 tạ gạo/ngày để sản xuất cao khô, còn những ngày thời tiết không thuận lợi, gia đình tôi chỉ sản xuất 2 tạ. Với nghề này, mỗi năm, gia đình tôi có thu nhập hơn 100 triệu/ năm.
Người dân thôn Đông Quan, xã Bằng Mạc sản xuất cao khô
Theo người dân địa phương, để làm ra một sản phẩm ngon và chất lượng, quan trọng nhất là khâu chọn gạo. Tiếp đó cần chú ý khâu tráng bánh cao, không cho bánh nhừ quá để đảm bảo độ dai, ngon. Bên cạnh đó, nguồn nước thanh mát của Bằng Mạc cũng góp phần làm nên chất lượng của những sợi cao khô nơi đây, mỗi mẻ cao khô thành phẩm có màu trắng bắt mắt khiến người tiêu dùng ưa chuộng. Điều đặc biệt, cao khô ở đây được bà con phơi nắng tự nhiên nên để được rất lâu, từ 1- 2 tháng. Chị Nguyễn Thị Hồng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, khách hàng thường xuyên mua cao khô cho biết: Tôi thường xuyên nhờ người thân mua cao khô ở Bằng Mạc về sử dụng. Cao khô ở đây ăn ngon, sợi dai, không bị ngấy, cả nhà ai cũng thích.
Thống kê của UBND xã Bằng Mạc, hiện trên địa bàn xã có hơn 15 hộ tham gia sản xuất cao khô thành phẩm với hai tổ hợp tác (một tổ gồm 7 hộ gia đình và một tổ gồm 9 hộ gia đình). Để bà con có điều kiện sản xuất và nâng cao thu nhập, năm 2019, chính quyền xã đã hỗ trợ 2 máy sản xuất cao khô với tổng trị giá 54 triệu đồng đồng/máy và 100 triệu đồng/nhóm hộ xây dựng sân phơi. Là một trong những nhóm hộ được xã hỗ trợ máy làm cao khô, bà Hoàng Thị Tới, thôn Đông Quan phấn khởi: Trước kia làm bằng thủ công, gia đình tôi chỉ sản xuất được 50 kg gạo mỗi ngày, từ khi được xã hỗ trợ máy, gia đình tôi sản xuất nhanh và số lượng nhiều hơn, có ngày tối thiểu sản xuất 6 – 7 tạ gạo. Thu nhập cũng tăng lên đáng kể, trung bình mỗi năm đạt gần 200 triệu đồng.
Cao khô Bằng Mạc được người dân nơi đây sản xuất bằng cách chọn lựa nguyên liệu rất kỹ từ các loại gạo như: bao thai, đoàn kết rất dẻo và thơm ngon, chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu như trước đây, các công đoạn sản xuất cao khô được làm thủ công thì những năm gần đây, bà con đã được đầu tư trang thiết bị, máy móc (máy nghiền bột, máy tráng…), vì thế, năng suất cao, sản phẩm sản xuất ra nhiều hơn và đảm bảo chất lượng. Đồng thời, tăng thu nhập cho người dân. Hiện nay, với giá thành 2.000 – 2.500 đồng/bó, trung bình một năm nghề sản xuất cao khô đem lại cho mỗi hộ dân nguồn thu gần 200 triệu đồng. Tuy nhiên, ngoài phụ thuộc vào thời tiết, nghề làm cao khô nơi đây còn gặp một số khăn như: thị trường tiêu thụ chưa ổn định, chưa có nhãn hiệu riêng cho sản phẩm.
Ông Hoàng Văn Trung, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bằng Mạc cho biết: Để phát triển, nhân rộng nghề, thời gian tới, chính quyền xã tiếp tục hỗ trợ máy sấy cho người dân, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân phát triển nghề, hướng tới thành lập hợp tác xã, phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn cho bà con nhằm nâng cao năng suất, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với đó, tiếp tục tuyên truyền, đem sản phẩm đến những chương trình hội chợ nhằm quảng bá, tạo đầu ra thuận lợi cho bà con. Đồng thời, quan tâm, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm cao khô xã Bằng Mạc.
Ý kiến ()