Bàn thảo những vấn đề thiết thân từ cuộc sống
Quốc hội thảo luận ngày 31-5.
Một ngày rưỡi thảo luận tại hội trường, có 77 đại biểu QH phát biểu, chín đại biểu tham gia tranh luận. Qua các ý kiến phát biểu, điểm chung là QH ghi nhận và đánh giá cao sự chỉ đạo và thực hiện quyết liệt các giải pháp của Chính phủ, các cấp, các ngành, sự phối hợp tốt của cả hệ thống chính trị trong thực hiện các nghị quyết của QH về hai lĩnh vực nêu trên. Những nội dung cụ thể liên quan chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), vùng khó khăn; tăng cường các giải pháp về vấn đề xã hội; việc sắp xếp lại tổ chức, bộ máy; cơ chế thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế số; các giải pháp bảo vệ môi trường; giải pháp tăng năng suất lao động; vấn đề đầu tư chăm sóc sức khỏe cộng đồng; chính sách phát triển kinh tế vùng; phát triển nền nông nghiệp sạch, bền vững… thu hút sự quan tâm không chỉ của đại biểu QH mà còn là tâm tư, trăn trở của cử tri trên mọi miền đất nước.
Đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) và nhiều đại biểu khác nhấn mạnh, thời gian qua, Đảng, Nhà nước, QH, Chính phủ, các cấp, các ngành và cả xã hội dành sự quan tâm sâu sắc, chăm lo phát triển kinh tế vùng DTTS miền núi. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào đã được nâng lên rõ rệt. Các chính sách này góp phần cải thiện, giúp cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, an sinh xã hội, chính trị ổn định… Tuy nhiên, mặt trái của cơ chế thị trường vùng DTTS gây bức xúc, tâm tư trong đồng bào. Tại một số nơi, đất rừng tự nhiên bị tàn phá trầm trọng, tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật có dấu hiệu tăng. Nguồn nước mặt và nước ngầm phục vụ sản xuất, sinh hoạt ở vùng đông đồng bào DTTS ngày càng cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, dẫn đến thời tiết, khí hậu bất thường. Bên cạnh đó, hạ tầng KT-XH, hạ tầng kỹ thuật xuống cấp, giao thông đi lại khó khăn, cuộc sống của đồng bào thiếu điều kiện sinh kế.
Cho rằng vừa qua Chính phủ có những chính sách hỗ trợ kịp thời, tuy nhiên mới giải quyết được khó khăn trước mắt cho người dân, về lâu dài người dân vẫn chưa thể yên tâm, đại biểu Quàng Văn Hương (Sơn La) đề nghị, Chính phủ quan tâm hơn nữa đến công tác theo dõi, dự báo thời tiết, nguy cơ dịch bệnh. Thông tin cảnh báo kịp thời để người dân chủ động phòng tránh, chỉ đạo kiên quyết, kịp thời việc phòng, chống dịch. Ngoài ra, hỗ trợ cho người sản xuất, tạo thu nhập ổn định, tránh rơi vào “bẫy” tái nghèo. Qua báo cáo giải trình trực tiếp của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đại biểu QH nhất trí cao với những giải pháp của Chính phủ, và đề nghị Chính phủ triển khai ngay để giúp đỡ cho các hộ nghèo và các hộ ở vùng đặc biệt khó khăn.
Nhiều đại biểu quan tâm về tình hình thực hiện các chính sách dân tộc, giảm nghèo bền vững ở vùng DTTS miền núi, thực hiện theo Kế hoạch 367 ngày 30-11-2018 của Ủy ban Thường vụ QH về giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trên vùng địa bàn các DTTS miền núi giai đoạn 2012 – 2018. Dù đạt kết quả ban đầu, tuy nhiên ở một số địa phương, chương trình vẫn còn bộc lộ hạn chế. Một số đại biểu nêu số liệu, hiện nay vẫn còn gần 221.800 đồng bào thiếu đất sản xuất. Đồng bào đã canh tác lâu đời từ đất nông, lâm trường, đến nay vẫn chưa tháo gỡ triệt để những vấn đề vướng mắc liên quan đất ở, đất sản xuất. Đại biểu Mùa A Vảng (Điện Biên) cho rằng, rất khó thu hút được các nhà đầu tư lớn tại vùng đồng bào DTTS, đại biểu đề nghị, Chính phủ ngoài sự quan tâm phân bổ các nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, cần quan tâm chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các tập đoàn kinh tế lớn cùng có trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ, tăng đầu tư kinh doanh đối với các tỉnh miền núi. Cần chú trọng đời sống người dân các tỉnh biên giới, để mỗi người dân, mỗi gia đình nơi đây là “một cột mốc sống” ở vùng biên cương phên dậu chiến lược Tổ quốc…
Thẳng thắn chỉ ra mục tiêu giữ ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì đà tăng trưởng kinh tế của nước ta đang có những thách thức, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) và một số đại biểu phân tích mối quan hệ qua lại giữa kinh tế trong nước và quốc tế. Trước một thế giới đầy bất định, nhất là diễn tiến cuộc chiến thương mại giữa các nước lớn, nhiều mối nguy, đe dọa và cả những cơ hội đang mở ra cho Việt Nam khi chúng ta đang đẩy mạnh cải cách và hội nhập kinh tế quốc tế. Điều quan trọng có tận dụng được cơ hội này hay không còn phụ thuộc vào sự linh hoạt, quyết đáp thích ứng phù hợp trong quan hệ ngoại giao, từ cơ chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trong nước…
Nhiều đại biểu QH nhất trí, Chính phủ cần triển khai thật tốt các giải pháp tăng cường chất lượng nguồn nhân lực lao động. Đây là động lực, là lợi thế cạnh tranh nắm bắt cơ hội để tăng năng suất lao động, tiếp cận công nghệ tiên tiến. Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) kiến nghị QH, Chính phủ cần đánh giá sâu hơn nhân tố tăng năng suất lao động để làm rõ trách nhiệm của các chủ thể, đề ra giải pháp nhằm thúc đẩy năng suất lao động, đầu tư phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ mới.
Tuần này, các đại biểu QH tiếp tục chất vấn trực tiếp bốn bộ trưởng xoay quanh bốn nhóm vấn đề “nóng”. Đây là hoạt động quan trọng được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm, theo dõi.
Ý kiến ()