“Bàn tay nặn bột” giúp học sinh Việt năng động như Tây?
“Bàn tay nặn bột”, một phương pháp dạy học tích cực, đang trở thành một trong những chiến lược về giáo dục khoa học đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thử nghiệm từ năm 2011 và chính thức triển khai đại trà ở cấp tiểu học và trung học cơ sở từ năm học 2013-2014.
Chủ nhiệm Câu lạc bộ cán bộ quản lý các phòng giáo dục và đào tạo Hà Nội Nguyễn Văn Quý cho biết: Để phương pháp “Bàn tay nặn bột” được triển khai có hiệu quả, góp phần thực hiện công tác đổi mới giáo dục, Câu lạc bộ đã tập trung triển khai chuyên đề từ cấp phòng, đến cấp trường để giáo viên có nhiều cơ hội trao đổi, học hỏi và rút kinh nghiệm.
Tiến sĩ Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sau khi dự tiết dạy Vật lý theo phương pháp “Bàn tay nặn bột” của giáo viên trường trung học cơ sở Trưng Vương (Hà Nội) đã đánh giá: So với không khí các giờ dạy học bên nước Anh, không khí học tập trong giờ học theo phương pháp mới này tại trường trung học cơ sở Trưng Vương không thua kém. Không khí học tập sôi nổi, khơi gợi sự khám phá, tìm tòi của học sinh, giúp các em chủ động tìm hiểu, đặt câu hỏi, tích cực tiến hành thí nghiệm và trao đổi nhóm, phát triển tư duy logic và khả năng thuyết trình cũng được nâng cao.
Các chuyên gia giáo dục cho rằng: Phương pháp “Bàn tay nặn bột” giúp học sinh tự làm các thực nghiệm để tiếp thu các kiến thức khoa học. Các em tiếp cận tri thức khoa học như một quá trình nghiên cứu của chính bản thân. Trong đó, vai trò của giáo viên ở phương pháp này không phải là truyền thụ những kiến thức khoa học dưới dạng thuyết trình, trình bày, mà là giúp xây dựng kiến thức bằng cách cùng hành động với học sinh.
Tuy nhiên, các giáo viên tham gia giảng dạy theo phương pháp “Bàn tay nặn bột” cũng cho biết: Khó khăn hiện nay đối với hầu hết các đơn vị thực hiện phương pháp này là không phải trường nào cũng có phòng học bộ môn. Bên cạnh đó, để thực hiện phương pháp này, số lượng học sinh phải phù hợp và có đầy đủ các phương tiện học tập, thực hành. Đặc biệt, việc thực hiện theo phương pháp này đòi hỏi rất nhiều thời gian, ít nhất phải 60 phút/tiết học.
Lý giải về vấn đề thời gian trong quá trình thực hiện phương pháp này, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nói: Để đảm bảo thời gian và không gây áp lực cho học sinh, 5 tiến trình của phương pháp “Bàn tay nặn bột” không nhất thiết phải thực hiện đầy đủ trong mỗi tiết học mà có thể chia ra cho 3, 4 tiết.
Đặc biệt, giáo viên phải tích cực trong vai trò chỉ đạo, tổ chức, kiểm tra, định hướng hoạt động học tập. Sinh hoạt chuyên môn tại các trường phải được chú trọng./.
Ý kiến ()