LSO- Là một xã có đến 99,6% dân tộc Nùng, từ lâu Hải Yến (Cao Lộc) nổi lên như một điển hình về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc luôn được đề cập đến như một trong những thế mạnh của địa phương. Trước đây, nhắc đến Hải Yến là nói đến trên 300 chiếc khung cửi, tối đến rộn rã tiếng thoi đưa; nói đến các lễ hội mùa xuân với các điệu múa của các đội sư tử cùng với các thế võ cổ truyền, tiếng sli, lượn và những bộ trang phục độc đáo làm say đắm lòng người. Những đặc sắc ấy là di sản vật thể và phi vật thể “truyền đời” của Hải Yến, làm nên nét riêng của địa phương này. Giờ đây, người ta không còn nghe tiếng thoi đưa, trên nương, cây keo, bạch đàn, cây ngô lai đã thay thế cây bông, cây chàm. Thanh niên Hải Yến tuy vẫn còn mặc quần áo dân tộc Nùng trong ngày hội, ngày chợ phiên, song những điệu dân...
LSO- Là một xã có đến 99,6% dân tộc Nùng, từ lâu Hải Yến (Cao Lộc) nổi lên như một điển hình về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc luôn được đề cập đến như một trong những thế mạnh của địa phương.
Trước đây, nhắc đến Hải Yến là nói đến trên 300 chiếc khung cửi, tối đến rộn rã tiếng thoi đưa; nói đến các lễ hội mùa xuân với các điệu múa của các đội sư tử cùng với các thế võ cổ truyền, tiếng sli, lượn và những bộ trang phục độc đáo làm say đắm lòng người. Những đặc sắc ấy là di sản vật thể và phi vật thể “truyền đời” của Hải Yến, làm nên nét riêng của địa phương này. Giờ đây, người ta không còn nghe tiếng thoi đưa, trên nương, cây keo, bạch đàn, cây ngô lai đã thay thế cây bông, cây chàm. Thanh niên Hải Yến tuy vẫn còn mặc quần áo dân tộc Nùng trong ngày hội, ngày chợ phiên, song những điệu dân ca, dân vũ đối với họ thì… xưa như những câu chuyện cổ tích vậy.
Khu dân cư mới thôn Nà Tiển, xã Hải Yến
Trao đổi với chúng tôi, ông Chu Văn Tăng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã nói rằng, trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới, xã luôn đặt tầm quan trọng của việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và coi đây là “đòn bẩy” để xây dựng cuộc sống mới ứng với một cơ sở hạ tầng đồng bộ và hiện đại. Trong nhiều năm nỗ lực phấn đấu, cơ sở hạ tầng của Hải Yến đã khá đồng bộ. Giao thông liên thôn, nội thôn đã được bê tông hóa đến trên 90%, nhiều thôn như Pác Bó, Nà Tiển, Bó Khuông đã bắt đầu “cứng hóa” đường ra các cánh đồng. Điện lưới, trường học, y tế, nước sạch, thông tin viễn thông đã và đang mang các dịch vụ và tiện ích đến từng hộ dân. Tỷ lệ nhà kiên cố đã ở mức trên 40%, số còn lại là nhà cấp 4, không còn nhà dột nát; tỷ lệ hộ nghèo đang ở mức 13%. Với truyền thống đoàn kết, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Hải Yến đang bước vào công cuộc xây dựng nông thôn mới với hành trang khá đầy đặn. Tuy vậy, làm thế nào biến các giá trị văn hóa đặc sắc thành thế mạnh trong xây dựng nông thôn mới, vẫn còn là bài toán nan giải đối với địa phương này.
Ông Lộc Trung Then, Trưởng thôn Bó Khuông quả quyết rằng, ông đã cùng bà con nghiên cứu rất kỹ 19 tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, đến năm 2015, thôn sẽ hoàn thành 12-13/19 tiêu chí. Tuy vậy, nói đến chỉnh trang khu dân cư hiện có theo hướng văn minh, bảo tồn được bản sắc văn hóa tốt đẹp (tiêu chí 1.3) và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thì ông…ngập ngừng. Ông giải thích, thôn Bó Khuông quá nhỏ, số hộ gia đình thì đông, nay “sửa lại, chỉnh lại” quả là vấn đề nan giải. Cho chúng tôi xem các bộ phận của khung cửi nằm chỏng chơ trên gác, hoặc vứt ở góc vườn, ông nói rằng “Muốn khôi phục lại mà khó quá”! Để giữ gìn bản sắc văn hóa của mình, các trường tiểu học, THCS đã có quy định học sinh trong xã phải mặc quần áo dân tộc vào ngày thứ hai, coi như “đồng phục” của học sinh Hải Yến. Các giờ văn nghệ đã hát các bài dân ca của địa phương; vừa qua, ngành văn hóa cũng đã có ý tưởng tổ chức lớp dân ca, dạy sli, lượn cho thế hệ trẻ, song do nhiều nguyên nhân vẫn chưa thực hiện được.
Ông Lộc Văn Minh, nguyên Chủ tịch Hội CCB xã nói với chúng tôi “Muốn có nông thôn mới, chủ thể của nó là người nông dân phải đổi mới. Song không phải là vứt bỏ những giá trị tốt đẹp mà người ta gọi nó là “cái cũ”. Người dân vừa muốn xây mới, vừa muốn khôi phục lại cái cũ, cái tốt đẹp. Nhưng hiện nay, đầu tư xây mới thì có, song kinh phí khôi phục lại những giá trị tốt đẹp thì lại không có. Vì vậy, người dân cứ nhìn những giá trị của địa phương bị mai một mà chẳng biết làm thế nào. Cái khó “bó” cái khôn mà”.
Minh Hồng
Ý kiến ()